Phóng sự - Ký sự

Những liệt sĩ thời bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đâu đó giữa thời bình vẫn còn những sự hy sinh cao cả khiến bao người phải đau xót, tiếc thương. Họ-những chàng trai Jrai-ra đi ở độ tuổi đôi mươi, độ tuổi đẹp nhất của đời người và trở thành những tấm gương anh dũng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Nỗi đau trên dòng Sê San

 

Thắp nến tri ân-một hoạt động ý nghĩa nhân ngày 27-7. Ảnh: Đức Thụy
Thắp nến tri ân-một hoạt động ý nghĩa nhân ngày 27-7. Ảnh: Đức Thụy

Câu chuyện về Binh nhất Rơ Châm Phanh (Đại đội Công binh, Phòng Tham mưu) của 13 năm về trước trên dòng Sê San hẳn nhiều người còn chưa quên. Nhất là với cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, câu chuyện ấy còn được đưa vào bài giáo dục truyền thống về sự hy sinh anh dũng, niềm tự hào của người lính. ...Tháng 2-2002, Đại đội Công binh nhận nhiệm vụ rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng khu vực công trình thủy điện Sê San 3 thuộc địa phận làng Típ 3 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah). Ngày 10-3, tổ rà phá bom mìn gồm 3 người đang thực hiện nhiệm vụ thì tổ trưởng Puih Chu bị trượt chân ngã xuống sông. Vì bơi không thành thạo nên Puih Chu bị dòng nước kéo ra xa. Không một chút đắn đo, Phanh đã nhảy xuống để cứu đồng đội đang gặp hiểm nguy. Khi đưa được đồng đội lên mô đá cách bờ 50 mét an toàn thì Phanh bị đuối sức và rồi bất lực để nước nhấn chìm. Mãi đến 14 giờ cùng ngày, đồng đội mới tìm thấy xác anh đang mắc vào hai mỏm đá trên bãi sỏi xâm xấp nước phía hạ lưu. Nhưng vì trời tối, nước sông chảy xiết nên phải đến ngày hôm sau, đồng đội mới đưa được thi thể anh vượt sông về với gia đình. Nói về người bạn thuở nối khố và cũng là đồng đội của mình, anh Rơ Châm Hoa-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Ia Ly, buồn bã: “Hai chúng tôi chơi với nhau từ nhỏ, cùng làm đơn tình nguyện và cùng nhập ngũ một ngày về Trung đoàn bộ binh 991. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh thì hai đứa được phân công về 2 đơn vị khác nhau. Chưa kịp gửi thư thăm hỏi tình hình của nhau thì nhận được tin báo, buồn lắm, thương nó lắm!”.

Và rồi, 5 năm sau, cũng chính dòng Sê San ấy một lần nữa lại cướp đi mạng sống của đồng đội anh-Trung sĩ Rơ Châm Thuyên. Cũng với hành động cứu đồng đội khi gặp nạn, Thuyên đã vĩnh viễn gửi lại tuổi đôi mươi của mình nơi lòng sông. Theo hồ sơ lưu trữ tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ngày 9-8-2007, Trung úy Lê Xuân Quang-Đội trưởng Đội dò tìm, xử lý bom mìn tổ chức cho đơn vị căng dây neo nối hai bờ sông Sê San, sau đó dùng bè vượt sông để làm nhiệm vụ trên khu vực đường tuần tra biên giới thuộc xã Mo Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Lần qua sông ấy, trên bè có Đội trưởng Quang, Tiểu đội trưởng Phạm Ngọc Hoài và chiến sĩ Thoan phụ trách kéo dây neo. Tuy nhiên, khi bè cách bờ khoảng 20 mét thì bè bị chao đảo, Thoan trượt tay kéo khiến chiếc bè bị dòng nước đẩy trôi. Lúc này, chỉ có mình Thoan tự bơi vào bờ, còn 2 đồng chí Quang và Hoài bị dòng nước đẩy mỗi lúc một xa bờ. Thấy vậy, các chiến sĩ: Rơ châm Thuyên, Rơ căm Xuân, Bổ, Alý và Đinh Krê cùng đồng loạt nhảy xuống để cứu. Tuy nhiên, khi cứu được hai người lên bờ an toàn cũng là lúc Rơ Châm Thuyên kêu cứu, vì rơi vào dòng nước xoáy. Mặc dù những cánh tay của đồng đội kịp thời đưa ra, song sức người không “đấu” lại với sức nước, để rồi mọi người đành bất lực đứng nhìn Thuyên bị dòng nước cuốn đi.

Hai hành động ấy tuy diễn ra ở hai thời điểm khác nhau song rõ ràng cùng chung một mục đích. Họ đã hy sinh tuổi trẻ của mình để đồng đội được sống và hành động anh hũng ấy sẽ mãi mãi được Tổ quốc ghi công.

Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh

 

 Ông bà Rơ Châm Lơ ngày ngày đến thắp nhang cho con. Ảnh: Phương Dung
Ông bà Rơ Châm Lơ ngày ngày đến thắp nhang cho con. Ảnh: Phương Dung

Giữa những ngày tháng 7-Tháng tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì sự bình yên Tổ quốc-chúng tôi tìm về 2 ngôi làng nơi thân nhân, gia đình 2 liệt sĩ đang sinh sống. Có một điều trùng hợp đến lạ kỳ, 2 ngôi làng ấy cách nhau không xa và 2 gia đình cũng thường xuyên qua lại, thăm thân. Nhất là khi con của họ cùng ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ, cùng được phong liệt sĩ trong một năm (2009) thì sự giao tình ấy càng thêm khăng khít.

Vì không hẹn trước nên phải đợi đến khi mặt trời đứng nắng, chúng tôi mới ghé thăm gia đình liệt sĩ Thuyên (làng A, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah). Vì đến vào giờ này, mẹ và các em liệt sĩ mới từ nương rẫy trở về. Ngôi nhà sàn cũ kỹ vốn đã thiếu tiếng cười từ khi Thuyên ra đi, giờ lại thêm trống trải bởi người cha cũng đã về với Atâu cách đây chưa lâu. Bên bậu cửa, bà Siu Byich-mẹ liệt sĩ Thuyên cứ ngồi thẫn thờ nhìn ra như mãi đợi chờ một điều diệu kỳ nào sẽ hiện hữu. Thỉnh thoảng, bà lại lấy vạt áo chậm dòng nước mắt. Và rồi khi nhắc đến cậu con trai lớn Rơ Châm Thuyên, thì bà òa lên nức nở. Chẳng nói chẳng rằng, bà đi thẳng đến ban thờ rồi cầm tấm di ảnh của con xuống lau chùi. Một hồi sau, bà nói: “Giờ nó còn sống cũng đã lấy vợ, sinh con như bao trai làng khác rồi!”. Rồi bà tiếp, “Thuyên là đứa rất tình cảm, nó thương cha mẹ và các em nhiều lắm. Đêm trước khi lên đường nhập ngũ, nó còn căn dặn bố mẹ và các em ở nhà phải giữ gìn sức khỏe, đừng có uống nhiều rượu, nó đi rồi sẽ về nhanh thôi, vậy mà…”. Nói đến đây, bà như không thể kìm nén được cảm xúc và rồi nấc lên trong nghẹn ngào “Mình nhớ nó lắm! Các em nhớ nó lắm!”.

Ngồi bên cạnh mẹ, cô em út Rơ Châm Chuy cũng ngân ngấn lệ. Rồi như nhớ ra điều gì, Chuy chạy vào trong đem ra một chiếc ba lô sờn cũ rồi lục tìm một lá thư đã úa màu. Chuy tâm sự: “Ngày anh Thuyên đi bộ đội, em còn nhỏ nên không biết anh sẽ đi bao lâu. Đến khi nhận được thư của anh, anh kể nhiều chuyện trong quân đội, rồi hỏi thăm, dặn đủ thứ làm em và cha mẹ cứ khóc miết”. Nói rồi, Chuy cầm lá thư lên và đọc cho cả nhà cùng nghe. Từng nét chữ trong thư được Thuyên viết rất nắn nót và sạch sẽ. Thư được viết năm 2006. Trong thư, Thuyên không ngừng hỏi han về sức khỏe cha mẹ và các em. Thuyên kể về những ngày đầu chưa quen với nắng, gió biên giới, rồi những tối vui văn nghệ cùng đồng đội… Cuối thư, Thuyên không quên dặn dò “cha mẹ ở nhà hãy đoàn tụ với nhau, đừng la mắng em của con, phải dạy bảo bằng miệng. Con nhớ em của con quá, con thương chúng nó quá, cha mẹ dạo này có đi thăm rẫy ruộng không, làm cỏ xong hết chưa?..”. Lá thư là kỷ vật duy nhất còn lại, vì vậy, mỗi khi thấy nhớ con, nhớ anh, họ lại đem ra đọc rồi lại khóc.

Chia tay gia đình liệt sĩ Thuyên, chúng tôi tiếp tục xuôi về  thị trấn Ia Ly, tìm đến khu nhà mồ làng Vân-nơi yên nghỉ của liệt sĩ Rơ Châm Phanh. Bởi, đều đặn 12 năm qua, cứ ngày hai buổi sáng-chiều, bà Rơ châm Lít, mẹ liệt sĩ Phanh đều xuống đây ngồi trò chuyện cùng con trai. Ngôi mộ của liệt sĩ Phanh được xây dựng khang trang, đẹp nhất trong khu nhà mồ của làng. Xung quanh được dọn dẹp sạch sẽ, không có một cọng cỏ, trên bia mộ cũng chẳng có lấy hạt bụi. Ngồi bên mộ con, bà Lít đang thì thầm, trò chuyện. Đứng bên cạnh, ông Rơ Châm Lơ-cha của liệt sĩ Phanh thở dài: “Mười mấy năm trôi qua rồi nhưng bà ấy vẫn không chấp nhận chuyện con trai mình đã chết. Ngay cả chuyện ăn, bà cũng đòi xuống nhà mồ để được ngồi ăn cạnh con, nói chuyện với con”. Sau khi trò chuyện xong với con, bà Lít quay sang chúng tôi và nói như hỏi: “Nó đẹp trai nhỉ! Trước khi đi bộ đội, nó còn nói sẽ cố gắng rèn luyện, khi nào ra quân sẽ cưới vợ, làm nương rẫy và phụng dưỡng cha mẹ, vậy mà…”. Sau câu nói bỏ lửng của bà, ông tiếp “Trước khi nhập ngũ, nó trồng được 5 sào bời lời để dành sau này cưới vợ, không ngờ tiền thu hoạch bời lời lại để xây mộ cho nó!”...  

…Rời khỏi làng Vân, làng A, trên đường trở về, lòng tôi bỗng nặng trĩu những nỗi ưu tư. Không biết đến khi nào mẹ Lít mới vơi bớt nỗi đau mất đi đứa con trai độc nhất; rồi đôi mắt già nua của mẹ Byich sẽ còn soi sáng cho cậu con trai tật nguyền Rơ Châm Truyền-em kế liệt sĩ Thuyên được bao lâu và cuộc sống của cô con gái út Rơ Châm Chuy sẽ thế nào khi “bắt” chồng ở tuổi 15…

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm