Trẻ trung, đam mê nông nghiệp và mong muốn làm giàu cho quê hương mình, chàng trai Lương Trung Nghĩa (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang) đã quyết định bỏ công việc lãnh lương an toàn để khởi nghiệp với cánh đồng măng tây hiện đại...
Trung Nghĩa thuê lao động địa phương nhưng anh vẫn ngày ngày gắn bó với vườn măng tây - Ảnh: Diệu Quí |
Tôi không ngại cạnh tranh, chính vì nó mà tôi muốn "chiến đấu" hết mình trên thương trường. Lương Trung Nghĩa |
Măng tây hái xong đem... cho chùa
Sau khi học xong ngành quản trị kinh doanh tại TP.HCM và hoàn tất nhập ngũ, Trung Nghĩa không ở lại làm việc tại thành phố như bạn bè. Về quê, Nghĩa được giới thiệu làm việc tại một nhà máy điện mặt trời dưới chân núi Cấm, nhưng anh biết mình chỉ hợp với ruộng đồng.
Thời điểm đó, huyện Châu Phú tập trung quy hoạch xã Bình Thủy thành vùng trồng măng tây do xã này có đặc điểm đất cồn, nguồn nước và khí hậu thích hợp. Việc trồng thí điểm ở một số điểm của xã cũng đã thành công trước đó.
Nhận ra giá trị kinh tế cao mà măng tây đem đến, Nghĩa bắt đầu lên kế hoạch khởi nghiệp. Anh dũng cảm từ bỏ công việc ổn định đang làm để xây dựng chiến lược kinh doanh với sự hỗ trợ từ Hội nông dân và những người có kinh nghiệm.
"Măng tây có giá trị kinh tế rất lớn cho người trồng và nhiều công dụng tốt cho người ăn. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, tôi thuê ban đầu 3 công đất, có cả cây giống từ người chủ vườn trước kia làm ăn thất bại để bắt đầu xuống ruộng làm nông dân thứ thiệt", chàng trai 28 tuổi cười chia sẻ.
Với tổng số vốn ban đầu chỉ có 140 triệu đồng là tiền dành dụm nhiều năm, Nghĩa bắt tay vào trồng măng tây Atlas. Để cây này đạt chất lượng tốt, anh nghiên cứu vạch ra quy trình cụ thể, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây để ngăn ngừa sâu bệnh.
Chàng trai chọn làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ điều khiển qua điện thoại từ hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, đến cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và đường ống nhựa dẫn nước hợp lý.
Bên cạnh đó, phân hữu cơ vi sinh cũng được Nghĩa lựa chọn bón cây để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Theo Nghĩa, thời gian một vụ măng tây gồm 6 tháng trồng, 3 tháng thu hoạch và 3 tháng còn lại dưỡng cây chờ mùa sau.
Mỗi ngày 3 công đất măng của Nghĩa đạt năng suất 35-40kg, có lúc lên đến 60-70kg bao gồm cả một số vườn mà anh có phần hùn hạp. Anh nhận mua măng tây cho nông dân với giá 45.000 đồng/kg để giúp bà con giải quyết ổn định đầu ra sản phẩm.
Hộ nào thiếu vốn đầu tư, Nghĩa sẽ hùn vốn tùy vào thỏa thuận. Trừ chi phí mà cao nhất là phí nhân công, mỗi năm Nghĩa thu lợi nhuận ngót nghét 70-72 triệu đồng cho mỗi công đất trồng măng.
Tuy nhiên, mọi sự cũng không phải êm đềm với chàng trai trẻ. Đợt thu hoạch đầu tiên, Nghĩa háo hức đem thành phẩm tiêu thụ tại các chợ ở TP Long Xuyên. Song do xác định sai thị trường nên lần ấy mấy chục ký măng tây của Nghĩa phải đem... cho chùa vì không thể bán được.
"Măng tây có giá trị cao, giá bán ra khá đắt. Đợt đó tôi liên hệ với các đầu mối thu mua nông sản và chợ ở Long Xuyên để tiêu thụ vì nghĩ đó là thành phố lớn của tỉnh chắc sẽ dễ bán, muốn thử đầu ra sản phẩm coi thế nào. Nhưng tôi đã tính sai.
Thương lái mua giá thấp, lê la các chợ cũng không bán được bởi giá măng tây cao, phải ôm hàng rồi đem cho... các chùa", Nghĩa tâm sự
Sản phẩm măng tây được trồng hữu cơ, tốt cho người tiêu dùng - Ảnh: Diệu Quí |
Đặt câu hỏi cho chính mình
Không tiết lộ số tiền bị lỗ đợt đó, Nghĩa chỉ nói rằng khá buồn vì bước đầu khởi nghiệp "hơi xui". "Nhưng tôi xác định giai đoạn đầu khởi nghiệp bao giờ cũng khó khăn, không có con đường nào bằng phẳng. Thay vì ngồi ủ rũ, tôi tìm hướng đi mới và tính toán kỹ rủi ro, khó khăn tới đâu thì gỡ tới đó", Nghĩa kể.
Biết mình đang sai thị trường, Nghĩa lên Sài Gòn bàn bạc cùng mấy người bạn có kinh nghiệm tìm phương án tiếp theo, xây dựng hệ thống đại lý. Sau mấy lần tính toán, hai thị trường Nghĩa nhắm đến và cũng đang đi cho đến giờ, đó là TP.HCM và Phú Quốc (Kiên Giang).
"Tôi chọn hai nơi này làm thị trường lớn cho đầu ra vì thấy người dân có mức sống kinh tế cao. TP.HCM thì ai cũng biết độ phát triển cỡ nào rồi. Còn Phú Quốc đông khách du lịch nhu cầu cao, cuộc sống người dân cũng đang đà phát triển", Nghĩa nhận định.
"Sau lần thất bại đầu tiên, mỗi khi muốn làm gì tôi đều đặt câu hỏi cho mình là sản phẩm đó có đáp ứng nhu cầu thị trường không, làm sao để sản phẩm của mình được khách hàng tin tưởng, và mình có gì đặc biệt để cạnh tranh với đối thủ.
Tôi có lợi thế cho riêng mình. Việc cạnh tranh nếu không về giá cả thì sẽ là giá trị gia tăng. Tôi luôn theo dõi sát sao chất lượng, tăng cường các dịch vụ chăm sóc khách hàng, ưu đãi dành cho đại lý", Nghĩa tâm sự.
Sau khó khăn đầu tiên, nhờ đi lại đúng hướng mà anh nông dân trẻ đã có thành công nhất định, cải thiện đáng kể kinh tế gia đình, đặc biệt là gỡ khó được đầu ra cho nông dân và lan tỏa khởi nghiệp đến nhiều thanh niên quê mình. Măng tây hiện rất được ưa chuộng tại hai thị trường trên, thỉnh thoảng hàng còn không đủ bán. Để quảng bá thương hiệu, Nghĩa còn nhờ bạn bè ở TP.HCM chạy quảng cáo.
Không chỉ nhắm đến hai thị trường hiện tại, Nghĩa còn tham vọng mở công ty sản xuất nông sản, đưa măng tây đến bếp ăn các bệnh viện trong nước và xuất khẩu sang Campuchia thông qua kết nối giao thương.
"Măng tây có công dụng trong y học như ngăn ngừa ung thư, tim mạch, hỗ trợ điều trị đường hô hấp, tăng khả năng miễn dịch... Tôi đang định hướng vào bếp ăn bệnh viện nhưng còn một số vấn đề giấy tờ và thiếu người kết nối", anh tâm sự nhưng tin rằng rồi mình sẽ làm được.
Nghĩa nói thêm: "Thời điểm này tôi tập trung đầu tư, giải quyết những gút mắc trước mắt và thay đổi chiến lược sao cho hợp thị trường. Tôi đặt mục tiêu trong vòng ba năm sẽ thành lập công ty, lúc đó sản lượng đủ đáp ứng thì mở rộng sang thị trường Campuchia".
Để mở rộng nguồn cung trên đất Bình Thủy, Nghĩa cũng đang thử nghiệm giống măng tây Grande của Mỹ trên mảnh đất 3.000m2 mới lên liếp. "Thử giống mới là đang "đốt tiền" đó", Nghĩa nửa thật nửa đùa khi đã đổ gần 200 triệu vào vụ này.
"Hi vọng sẽ thành công nhưng cũng lo lắm! Không biết khi trồng xong có được khách hàng chuộng hay không. Nói chung cũng... hên xui", anh nông dân 28 tuổi lại nửa thật nửa đùa. Nhưng Nghĩa đã chia tay tôi với câu nói chắc nịch rằng tuổi trẻ thì phải dấn thân, không làm thì sao biết được khả năng mình thế nào và thất bại hay thành công...
Tại sao cứ phải lên TP.HCM? Tại sao cứ phải ly nông, ly hương mới đổi đời được? Chàng kỹ sư trẻ miền Tây đã tự trả lời các câu hỏi này và quyết định lội ngược dòng...
Làn gió mới cho quê hương Ông Trương Minh Quyền, chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thủy, cho biết xã hiện có một hợp tác xã và sáu hộ dân trồng măng tây. "Để phát triển rộng vùng trồng cây giá trị kinh tế cao này đòi hỏi phải có nhiều công ty tham gia, chủ yếu để cạnh tranh giá, nhận bao tiêu sản phẩm, khuyến khích nông dân trồng theo tiêu chuẩn sạch, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng", ông nói. Những người trẻ trở ngược về với ruộng vườn như Lương Trung Nghĩa đang đem lại làn gió mới cho hướng phát triển nông nghiệp hiện đại có giá trị kinh tế cao. |
Tại sao cứ phải lên TP.HCM? Tại sao cứ phải ly nông, ly hương mới đổi đời được? Chàng kỹ sư trẻ miền Tây đã tự trả lời các câu hỏi này và quyết định lội ngược dòng...
Kỳ tới: Chàng kỹ sư bỏ phòng lab về ruộng
DIỆU QUÍ (TTO)