Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Những quê hương nhỏ bé của Quỳnh Lê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm cuốn sách của tác giả - dịch giả Quỳnh Lê mang những tâm tư về tình yêu thương với quê hương của mình.

Năm cuốn sách của tác giả - dịch giả Quỳnh Lê mang những tâm tư về tình yêu thương với quê hương của mình. (Ảnh: Huy Thông)


Những quê hương bé nhỏ

Quỳnh Lê từng là phóng viên của thông tấn xã AFP tại Hà Nội. Cô cũng được được biết đến qua nhiều tác phẩm sách như Kinshasa – không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ, San San chân to đi xốp, Pho mát và Đậu bắp: Làm trẻ con ở Thụy Sĩ . Cô cũng là dịch giả của cuốn sách Ba áng mây trôi dạt xứ bèo (Nuage Rose) và mới đây là Quê hương bé nhỏ (Gael Faye, Goncourt Thiếu niên 2016).

Với Quỳnh Lê, mỗi nơi cô đi qua và sinh sống đều là một quê hương. Những quê hương ấy nhỏ bé thôi trên bản đồ thế giới nhưng luôn khiến cô thổn thức mỗi khi nhớ về. Quê hương ấy là nơi cô sinh ra tại Hà Nội, nơi cô từng sống ở Congo, hay là nơi cô đang cùng chồng và hai người con có những tháng ngày hạnh phúc tại Thụy Sĩ…


 

Bìa cuốn sách "Quê hương bé nhỏ".



Và mỗi cuốn sách cô viết hay dịch, những tình cảm ấy đều chất chứa một Hà Nội xa xôi của thời nhỏ, với những kỷ niệm thời thơ ấu ở San San chân to đi xốp, là tình yêu ở miền đất Congo loạn lạc trong Kinshasa - không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ, là niềm yên bình với cuộc sống bình dị, nuôi dạy con ở xứ Thụy Sĩ (Pho Mát và Đậu bắp: Làm trẻ con ở Thụy Sĩ).

Đặc biệt, hai cuốn sách dịch Quê hương bé nhỏ (Gael Faye, từng đoạt Giải Goncourt Thiếu niên 2016) và Ba áng mây trôi dạt xứ bèo (Nuage Rose – Hồng Vân), với tâm huyết và tình cảm đặc biệt dành cho quê hương, Quỳnh Lê mang tới những giọng điệu mềm mại và giàu cảm xúc. Chiến tranh bom đạn loạn lạc xúc động của ba chị em người Hà Nội trong Ba áng mây trôi dạt xứ bèo.

Còn Quê hương bé nhỏ lại là hành trình hồi hương của cậu bé Gaby (12 tuổi) - một hành trình đan xen giữa những ký ức đẹp đẽ và đau thương bởi chiến tranh và các cuộc xung đột sắc tộc đẫm máu ở Burundi và nước láng giềng Rwanda. Câu chuyện trải dài từ những cảm xúc trong trẻo tới những đớn đau và cảm xúc dữ dội.


 

Tác giả Quỳnh Lê ký tặng cho bạn đọc tại buổi ra mắt sách.



Năm câu chuyện đều là câu chuyện xuyên suốt về những người xa xứ, có những kỷ niệm với Việt Nam và những nước nói tiếng Pháp. “Tôi muốn gửi thông điệp rằng, cho dù chúng ta có ở đất nước nào đi nữa, nói tiếng gì đi nữa thì tình cảm quê hương vẫn là tình cảm sâu nặng", cô tâm sự.

Những câu chuyện mang tính giáo dục

Các cuốn sách đều có những vấn đề mang tính thời sự của ngày hôm nay. Đơn cử, cuốn sách Quê hương bé nhỏ dù kể về hành trình tìm lại ký ức của cậu bé Gaby nhưng thực tế là cuốn sách gián tiếp nói về cuộc diệt chủng đẫm máu và những cuộc xung đột sắc tộc ở Burundi cách đây 20 năm. Đã có nhiều người chết và những câu chuyện tàn diệt. Nhưng phía sau đó là câu chuyện cảm động, khi người dân Burundi đã có cuộc hòa giải dân tộc. Và sau 20 năm, đất nước này đã trở thành đất nước phát triển nhất ở Châu Phi.

Điều đặc biệt, 5 cuốn sách này không chỉ dành cho các phụ huynh mà còn cho các em nhỏ. Trong văn phong viết và dịch, tác giả Quỳnh Lê chú ý tới những chi tiết hài hước để độc giải nhí cảm thấy thích thú hơn. Có cả những bài học đáng yêu như trong cuốn San San chân to đi xốp,  các bạn nhỏ có thể hiểu rằng, là một đứa trẻ có thể dại dột, không nhất thiết phải học giỏi nhất lớp hay phải thực hiện những tham vọng của bố mẹ.

Pho Mát và Đậu bắp: Làm trẻ con ở Thụy Sĩ là cuốn sách giành được nhiều sự quan tâm của độc giả khi tác giả Quỳnh Lê kể lại câu chuyện của hai con mình trong cuộc sống ở Thụy Sĩ. Dưới con mắt của một người mẹ, câu chuyện của hai bạn nhỏ sống ở một thành phố Thụy Sĩ hiện lên đầy sinh động. Những câu chuyện về cách dạy trẻ làm quen với thế giới xung quanh của nền giáo dục nơi đây, những câu hỏi hóc búa bằng chính trải nghiệm thực tế của tác giả trong một không gian giáo dục tiên tiến.


 

Bìa cuốn sách "Pho Mát và Đậu bắp: Làm trẻ con ở Thụy Sĩ".



Đó là những điều mơ ước của bất cứ trẻ em nào: không áp lực điểm số, không bài tập về nhà bắt buộc, nhưng rất nhiều hoạt động ngoại khóa: từ âm nhạc, mỹ thuật, thể thao, tìm hiểu lịch sử và tự nhiên… cốt sao khơi dậy được hứng thú của trẻ. Triết lý giáo dục vẫn là tôn trọng những lựa chọn của trẻ và không làm thay, không định nghĩa thế giới thay trẻ. Điều quan trọng nhất là mọi điều bắt đầu bằng tình yêu thương tuyệt đối. 

Theo nữ tác giả, Thụy Sĩ là đất nước “vô địch” về dạy nghề. Những đứa trẻ lớn lên có thể làm thợ bánh, làm giáo sư trường đại học… Chúng trở thành ai đều không quan trọng bằng việc chúng sống hạnh phúc như thế nào. Đó cũng là lý do tỉ lệ người thất nghiệp ở Thụy sĩ rất thấp bởi sau khi 15 tuổi, 2/3 các bạn nhỏ đều đi học nghề.

“Tôi cũng muốn gửi gứm điều này tới các bậc phụ huynh ở Việt Nam. Hiện nay, giáo dục ở Việt Nam đang đặt quá nhiều kỳ vọng, áp lực vào các con em mà ít khi hiểu được tâm tư thực sự của các em là muốn làm gì. Các phụ huynh cần hiểu rằng, để các con làm theo điều chúng đam mê sẽ tốt hơn rất nhiều. Bởi nếu có đam mê thì các con sẽ thành công”, Quỳnh Lê chia sẻ.

Hồ An (baogiaothong)

Có thể bạn quan tâm