Báo xuân

Những sự kiện nổi bật năm Bính Thân-2016 ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai đã bầu 7 đại biểu Quốc hội, 80 đại biểu HĐND tỉnh, 606 đại biểu HĐND cấp huyện, 5.985 đại biểu HĐND cấp xã; trước đó, ngày 24-3, khi còn là Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã đến thị sát tình hình và chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng-chống hạn tại Gia Lai... là những sự kiện nổi bật năm Bính Thân-2016

1. Cùng với cả nước, ngày 22-5, đông đảo cử tri trong tỉnh tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Kết quả, Gia Lai đã bầu 7 đại biểu Quốc hội, 80 đại biểu HĐND tỉnh, 606 đại biểu HĐND cấp huyện, 5.985 đại biểu HĐND cấp xã.

 

Lãnh đạo tỉnh bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Đức Thụy
Lãnh đạo tỉnh bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Đức Thụy

2. Trong 2 ngày (17 và 18-12), đồng chí Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt và tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh. Trước đó, ngày 24-3, khi còn là Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã đến thị sát tình hình và chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng-chống hạn tại Gia Lai.

3. Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã trực tiếp đến làm việc với các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc để nắm tình hình và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như tìm các giải pháp thiết thực để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển và đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn. Việc đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là một bước cụ thể hóa phương châm hành động của Chính phủ: kiến tạo, hành động, liêm chính, phục vụ nhân dân.

4. Từ ngày 7 đến 9-12, tại Hội trường  2-9 (TP. Pleiku) đã diễn ra kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XI. Sau khi thảo luận sôi nổi và thẳng thắn, các đại biểu đã nhất trí thông qua 39 nghị quyết tờ trình và 1 nghị quyết chung. Theo đó, kỳ họp thống nhất các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2017: tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 7,52%; tổng thu ngân sách trên địa bàn là 3.613,6 tỷ đồng (tăng 2% so với năm 2016); GRDP bình quân đầu người là 41,5 triệu đồng/người; có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,35%; tỷ lệ che phủ của rừng là 46,25%...

 

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2017. Ảnh: Đ.T
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2017. Ảnh: Đ.T

5. Ngày 18-12, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Gia Lai-Tiềm năng-Hợp tác-Phát triển”. Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 5.700 tỷ đồng. Cùng với đó,  lãnh đạo tỉnh và các nhà đầu tư đã ký bản ghi nhớ cam kết hợp tác đầu tư cho 12 dự án với tổng số vốn đăng ký lên đến 15.320 tỷ đồng.

6. Ngày 17-8, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2015 của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, chỉ số cải cách hành chính của Gia Lai xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố và tăng 38 bậc so với năm trước. Đạt được kết quả này là nhờ công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính đã được người đứng đầu các cấp, các ngành quan tâm và trực tiếp chỉ đạo thường xuyên, đồng bộ trên cả 6 lĩnh vực cải cách hành chính, đảm bảo các tiêu chí theo quy định.

 

Bộ phận một cửa tại TP. Pleiku. Ảnh: Đ.T
Bộ phận một cửa tại TP. Pleiku. Ảnh: Đ.T

7. Tuy gặp không ít khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự quản lý, điều hành của UBND tỉnh, các chỉ tiêu chủ yếu năm 2016 đều đạt so với nghị quyết đề ra. Trong số 21 chỉ tiêu cơ bản, có 19 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết.

8. Cuối năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã ký quyết định công nhận 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

9. Năm 2016, Gia Lai là một trong những tỉnh chịu nhiều thiệt hại do hạn hán và lũ lụt. Theo thống kê, hạn hán kéo dài trong vụ Đông Xuân vừa qua đã làm cho hơn 4.580 ha cây trồng bị mất trắng, trên 12.000 ha cây trồng bị giảm năng suất 30-70%, hơn 2.100 ha giảm năng suất dưới 30% và gần 3.500 ha cây trồng bị thiếu nước. Tổng thiệt hại do hạn hán lên đến 374 tỷ đồng. Cùng với đó, đợt lũ trong tháng 12 đã gây thiệt hại cho khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh gần 50 tỷ đồng.

10. Ngày 31-10, tại TP. Pleiku, UBND tỉnh phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Thời đại đồ đá cũ ở Việt Nam trong bối cảnh khu vực”. Việc phát hiện, khai quật và nghiên cứu nhóm di tích thời đại đá cũ ở An Khê có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử quốc gia. Trong một diễn biến khác, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Viện sĩ Thông tấn Phan Huy Lê-Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã đến thăm, khảo sát và thu thập tư liệu tại một số điểm di tích lịch sử-văn hóa thuộc các địa phương phía Đông tỉnh Gia Lai nhằm phục vụ cho việc biên soạn Bộ Quốc sử Việt Nam.

 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang tặng quà cho GS.VS. Anatoly Derevianko- Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tại Hội thảo Khoa học quốc tế “Thời đại đồ đá cũ ở Việt Nam trong bối cảnh khu vực”. Ảnh: P.L
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang tặng quà cho GS.VS. Anatoly Derevianko- Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tại Hội thảo Khoa học quốc tế “Thời đại đồ đá cũ ở Việt Nam trong bối cảnh khu vực”.   Ảnh: P.L

Duy Lê (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm