(GLO)- Chưa dám khẳng định là thật sự tận tâm nhưng việc hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc người già, người bệnh của đội ngũ viên chức Phòng Phục hồi chức năng (Trung tâm bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh) thật đáng ghi nhận bởi đã vượt qua sự nhọc nhằn.
Chỉ với 10 chị, chia làm 2 ca, trực tiếp chăm sóc ngày đêm (2 chị nữa thuộc phòng làm bếp và tăng gia) lo ăn uống ngày 3 bữa, vệ sinh cá nhân từng người, phòng ốc, cảnh quan; theo dõi, thông báo tình hình sức khỏe cho y sĩ và điều dưỡng… cho 43 người già và người bệnh, trong đó có 13 người ở độ tuổi khác nhau, bệnh tình khác nhau phải phục vụ hoàn toàn, mới thấy ở các chị, nhất là các chị còn trẻ có tâm thiện, giàu lòng thương yêu con người như thế nào.
Bà Huệ bón cơm cho cháu Lượm. Ảnh: Đình Phê |
Trong gian nhà bếp hẹp, quan sát bữa cơm chiều chia theo suất cho vào cặp lồng còn có cả những suất cơm và thức ăn xay nhuyễn dành cho đối tượng không còn răng hoặc không có sức nhai. Họ không chỉ là người già mà thời gian, nỗi vất vả, buồn đau đã bòn rút tàn sức lực, còn có cả những trẻ mắc bệnh bại não chân tay co quắp hoàn toàn không làm chủ được hành vi, trẻ chậm phát triển, trẻ mắc bệnh down… được đưa vào đây từ nhiều năm tháng trước.
Nhìn chị Hoàng Thị Kim Thi, 45 tuổi, trưởng ca bế thốc một bệnh nhân nữ nằm bất động cho tựa phần lưng ngả đầu vào đùi mình, tay bón từng thìa cơm xay nhuyễn đến chừng 15 phút, mồ hôi lấm tấm mặt ửng đỏ mới biết chị đã phải gắng sức đến nhường nào! Các chị còn lại trong ca trực sau khi mang cơm đến cho từng người đều quay lại với việc bón cơm các bệnh nhân không tự phục vụ được.
Bên hành lang, tôi lặng nhìn cụ bà Nguyễn Thị Huệ, 90 tuổi, ngồi bón cơm cho cháu Lượm, 7 tuổi, mắc bệnh down đi lại chậm chạp, chưa biết nói luôn nở nụ cười ngây dại hồn nhiên mới thấy tuổi già cô đơn miên chảy vào cháu dại, dẫu không ruột thịt với mình! Nhìn tôi, chị Thi mỉm cười: “Đấy là việc của chúng tôi nhưng bà cháu mến nhau chia sẻ tình cảm cho nhau”.
Đứng trước cửa hai gian phòng dành cho người bệnh phải chăm sóc hoàn toàn bốc hôi mùi xú uế, tuy sàn nhà vừa được lau chùi, chị Lan, chưa đến 30 tuổi, tâm sự: “Tuy mỗi ngày có đến mấy lần dọn dẹp nhưng không tài nào cải thiện được tình trạng bốc mùi hôi vì người bệnh không làm chủ được việc đi vệ sinh. Chất thải dù gì cũng ngấm vào chăn mền, ra đệm. Thời gian đầu làm việc thay quần áo, tắm rửa khi họ đại, tiểu tiện ra quần em “ớn” đến nôn thốc nôn tháo nhưng dần rồi cũng quen. Nghĩ cho cùng, họ sống thực vật có biết gì đâu mà trách. Đã dấn thân vào công việc tự khắc nảy sinh tình cảm trong trách nhiệm nên dần đỡ tủi thân. Lo nhất là về nhà với con nhỏ nhạy cảm bệnh tật lây truyền”.
Trao đổi với chúng tôi điều dưỡng Đỗ Văn Bằng, 24 tuổi, túc trực 24/24 giờ tại Trung tâm, cho biết: “Khó khăn nhất là theo chế độ chỉ có 7.000 đồng/người/tháng tiền chăm sóc y tế bình quân cho mọi đối tượng. Không đủ điều trị ngay cả với bệnh thông thường, cho việc mua sắm vật tư y tế tối thiểu. Bù lại, người bệnh được nhận thuốc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh khi đưa đi thăm khám hoặc có sự hỗ trợ của Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội, từ các nhà hảo tâm. Như trong năm 2013, có một nhà hảo tâm đề nghị không nêu tên đã tặng bình oxy, máy hút đờm, máy tập đa chức năng cho người tàn tật. Người già thường mắc bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường cần phải ăn kiêng. Tuy bếp ăn cố gắng thực hiện chế độ trong phạm vi có thể, nhưng với những cụ có khoản tiền riêng lại tự gửi mua thức, ăn không theo lời khuyên của thầy thuốc nên rất khó khăn trong việc chăm sóc và điều trị”.
Với khẩu phần 23.000 đồng/ngày theo tiêu chuẩn thời buổi giá cả leo thang vẫn gói ghém có bát canh rau thịt, món ăn mặn. “Dù biết sinh-lão-bệnh-tử là quy luật đời người nhưng mỗi khi có đối tượng về cõi vĩnh hằng chúng tôi không cầm được nước mắt xót thương, nhất là với người không có họ hàng thân thích tiễn đưa”-chị Đoàn Thị Hường-Giám đốc Trung tâm đượm buồn tâm sự.
Vài điều tôi ghi lại chưa nói hết khó khăn trong công việc, nhưng tin rằng, vượt qua nó mỗi ngày hẳn các chị phải sẵn có từ tâm! Và rất có thể, dòng chữ ghi trước cửa văn phòng Trung tâm: “…Hãy dành một phần trái tim của chúng ta cho người tàn tật. Hãy chia sẻ một phần hạnh phúc của chúng ta cho các cháu đơn côi và như vậy trái tim của chúng ta sẽ thiện hơn và hạnh phúc của chúng ta sẽ tràn đầy hơn…” hiện ra trước mắt làm cho bất cứ ai cũng phải nhìn lại mình.
Đình Phê