(GLO)- Bằng tấm lòng thương yêu người bệnh, các cán bộ y tế xã Ia Rsiơm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đang hàng ngày cần mẫn giúp đồng bào nghèo nơi đây xua đuổi bệnh tật và chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho người dân.
Đi ngược gần 20 cây số từ Trung tâm Y tế huyện trên quốc lộ 25 đầy ổ voi, ổ gà và bụi mịt mù, chúng tôi tới Trạm Y tế trung tâm (YTTT) xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa khi mặt trời vừa đứng bóng. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Triều-Phó Trưởng trạm Y tế và bác sĩ Nông Thúy Hương đang trong ca trực. Cất vội bữa cơm ăn dở, họ niềm nở ngồi tiếp chuyện chúng tôi. Bác sĩ Triều nói: “Như nhiều xã khác, mô hình bệnh tật của 4 xã phía Bắc huyện chủ yếu là các bệnh: lỵ, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, cảm cúm, sốt siêu vi và sốt rét. Đặc biệt, 2 năm nay tình hình sốt rét gia tăng đột biến, năm 2013 có 291 bệnh nhân sốt rét”.
Bác sĩ Nông Thúy Hương thăm khám cho bệnh nhân tại Trạm YTTT xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa. Ảnh: Đức Phương |
Xã Ia Rsươm mang dáng dấp của một thị tứ bên quốc lộ 25, nơi tập trung dân cư sinh sống và các dịch vụ hàng hóa buôn bán khá sầm uất. Trạm YTTT xã Ia Rsươm được xây dựng trên cơ sở sáp nhập Phòng khám Đa khoa khu vực Lệ Bắc với Trạm y tế xã Ia Rsươm. Đây là cầu nối đưa các dịch vụ chăm sóc y tế giữa tuyến huyện về với gần 22 ngàn đồng bào của 5 xã phía Bắc huyện Krông Pa gồm: xã Ia Rsươm, Ia Rsai, Uar, Chư Rcăm và một phần xã Chư Drăng. Biên chế gồm 16 cán bộ y tế trong đó 3 bác sĩ (1 bác sĩ chuyên khoa 1) và 1 dược sĩ đại học. Đội hình này thực sự là một ngạc nhiên lớn ở một xã của huyện nghèo Tây Nguyên.
Nhờ đội ngũ cán bộ có chuyên môn vững, Trạm YTTT xã Ia Rsươm là địa chỉ tin cậy của người dân trong xã, trong vùng mỗi khi đau ốm. Trung bình mỗi năm thực hiện khám-chữa bệnh cho trên 7330 lượt người, trong đó thu dung điều trị nội trú gần 500 lượt người bệnh. Được biên chế 10 giường bệnh và bổ sung nhiều trang thiết bị y tế cần thiết như bàn đẻ, nồi-tủ hấp sấy dụng cụ, máy hút đờm, cụm kính xét nghiệm… chu cấp cơ số thuốc đầy đủ, Trạm YTTT đã đáp ứng về cơ bản các nhu cầu khám sơ-cấp cứu ban đầu và điều trị nội, ngoại trú các bệnh thông thường của người dân.
Hàng tháng, các thầy thuốc ở Trạm Y tế xã Ia Rsươm lại phân công nhau vào tận nhà rẫy để khám bệnh, cấp thuốc và giám sát dịch tễ sốt rét. Ảnh: Đức Phương |
Ở các xã vùng xa, việc cán bộ y tế thay phiên nhau xuống làng giám sát, điều tra dịch tễ, khám bệnh, cấp thuốc và ăn ngủ lại làng là chuyện thường. Ngay như bác sĩ Chuyên khoa I Nay Rê-Trưởng trạm và các bác sĩ Nguyễn Ngọc Triều, Nông Thúy Hương, dược sĩ Bùi Công Điệp mỗi tháng ít nhất cũng có 4-5 đêm ngủ tại làng. Đặc biệt 2 năm nay tình hình sốt rét gia tăng đột biến, Trạm phải phân công từng tổ cán bộ vào tận rẫy sản xuất của người dân trong rừng sâu để giám sát dịch tế và điều trị sốt rét cho họ.
Tối đó, chúng tôi theo các bác sĩ của Trạm đi bộ hơn 30 sây số lên vùng rẫy suối Ia Soãi, thuộc xã Ia Rsai để khám bệnh và giám sát dịch bệnh sốt rét. Đây là vùng rẫy sản xuất của buôn Du xã Chư Rcăm. Buôn Du có 236 hộ dân với hơn 1.000 người Jrai có tập quán đi rừng, ngủ rẫy. Nhất là những ngày trước và sau Tết Nguyên đán, khi mùa thu hoạch mì đang rộ thì thời gian ngủ rẫy của bà con càng kéo dài hơn. Vì thế trong năm qua làng có đến 115 bệnh nhân sốt rét. “Làng cứ 2 hộ dân thì có 1 người sốt rét. Tỷ lệ ký sinh trùng cao đến mức báo động nên chúng tôi phải tích cực đêm hôm lặn lội đến với đồng bào; nếu không thì diễn biến của dịch khó lường”- bác sĩ Triều nói.
Được nhân viên y tế thôn Rô H’Chéo thông báo trước nên dân làng tập trung đông đủ từ sớm tại nhà rẫy của trưởng thôn. Anh Rê và Triều nhanh tay soạn phích thuốc, dụng cụ hành nghề, lần lượt thăm hỏi khám bệnh cho từng người. Bóng những chiếc Blu trắng hòa lẫn trong đám đông.
Đêm lạnh, vòng người khép lại bên bếp lửa nguội dần. Trưởng thôn buôn Du-ông Hiao Phem ghé tai tôi nói nhỏ: “Nhà báo à! Nhờ các cán bộ y tế về làng thường xuyên để chỉ bảo cho dân làng cách phòng-chống bệnh tật nên dân làng mình không sợ con ma bệnh như trước nữa. Người trong làng đã bỏ hẳn việc mời thầy mo thầy cúng về bắt bệnh rồi. Dân làng mình tin và nghe theo các cán bộ y tế thôi!”.
Không ồn ào, náo động, những thầy thuốc ở Trạm YTTT xã Ia RSươm cứ cung cúc làm việc, hết ngồi trực ở Trạm lại xách phích thuốc xuống làng khám bệnh cho dân. Nhờ đó, trong 3 năm lại đây, tất cả các trường hợp bị sốt rét đều tự giác về Trạm để xin thuốc điều trị, nhờ đó không xảy ra trường hợp sốt rét ác tính và không có người bệnh tử vong vì sốt rét. Các dịch bệnh nguy hiểm khác cũng bị đẩy lùi. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cũng được quan tâm hơn trước, (không xảy ra trường hợp tai biến sản khoa; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm xuống còn 25,4%;...). Xã Ia Rsươm đang phấn đấu xây dựng chuẩn quốc gia về công tác y tế.
Ngồi tâm sự với các cán bộ y tế ở đây, tôi thấy họ vẫn còn phân vân rằng, không biết, Gia Lai lấy mô hình từ đâu để xây dựng Trạm Y tế trung tâm (Trạm chồng lên trạm-N.V) vì Bộ Y tế không có mô hình này? Lúc trước còn là Phòng khám Đa khoa khu vực Lệ Bắc thì đơn vị được phép dùng thuốc tương đương bệnh viện huyện; còn bây giờ trở về mô hình Trạm Y tế xã thì cơ cấu thuốc được sử dụng giảm đi, chẳng hạn thuốc Cefotaxim là loại kháng sinh thông dụng được chỉ định dùng thay cho thuốc Penicillin trước đây, giờ không được dùng. Vì vậy thiệt thòi thuộc về phía người dân…
…Chia tay nhưng người thầy thuốc nơi đây, lòng thầm nhủ rồi sẽ để ý hỏi giùm, mà vẫn chưa có dịp giải đáp. Nhưng dẫu sao, tôi vẫn tin tưởng rằng, người dân các xã cánh Bắc huyện Krông Pa rồi sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Đức Phương