Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Những thay đổi địa giới, địa danh Gia Lai qua các thời kỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 24-5-1932, tỉnh Pleiku (Gia Lai ngày nay) chính thức được thành lập. Trải qua bao thăng trầm lịch sử trong 90 năm hình thành và phát triển, bộ mặt của tỉnh đã có sự đổi thay toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Về tên gọi Gia Lai, hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất Gia Lai là biến âm của từ Gia Rai (Jrai), tên của tộc người sinh sống lâu đời trên vùng cao nguyên Pleiku và vùng Cheo Reo. Trong công trình nghiên cứu “Sổ tay địa danh Việt Nam” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2002), tác giả Đinh Xuân Vịnh viết: “Đạo Gia Lai ở Tây Nguyên thành lập năm 1932, tách từ tỉnh Kon Tum ra, đầu tiên gọi là đạo Trà Cú, Pháp gọi là Pleiku, lấy tên lỵ sở đạo mà gọi, sau đổi tên là đạo Gia Lai, lấy tên dân tộc thượng Gia Rai”. Trước đó, trong “Kon Tum tỉnh chí”, in trong Tạp chí Nam Phong số 191, ấn hành năm 1933, Quản đạo Kon Tum Võ Chuẩn viết: “Ở phía Nam tỉnh Kon Tum có người Già-rài (Djarai) nên lấy tên Già rài đặt cho đạo Gia Lai”.

 Thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku) nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Quý
Thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku) nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Quý


Sự hình thành của tỉnh Gia Lai gắn liền với tiến trình xâm lược của thực dân Pháp và quá trình đấu tranh chống xâm lược của đồng bào các dân tộc Bắc Tây Nguyên. Sau khi chính thức đô hộ Việt Nam (bằng hòa ước Giáp Thân 1884) thực dân Pháp từng bước áp dụng chính sách “chia để trị” đối với Gia Lai và đặt Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên khác trực thuộc Trung Kỳ (miền cao nguyên Trung Kỳ). Việc chinh phục Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung của thực dân Pháp được xem như hoàn tất với sự kiện 16-10-1898, Khâm sứ Trung Kỳ là Boulloche đưa yêu sách buộc triều đình Huế phải để cho người Pháp phụ trách vấn đề kinh tế và an ninh toàn vùng Tây Nguyên. Triều đình nhà Nguyễn phải nhượng bộ. Từ đó, Tây Nguyên là vùng đất thuộc quyền bảo hộ trực tiếp của thực dân Pháp.

Ngày 4-7-1905, theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương, vùng núi phía Tây tỉnh Bình Định, Phú Yên bao gồm toàn bộ khu vực cư trú của đồng bào Xơ Đăng, Bahnar, Jrai được lập thành một tỉnh tự trị, lấy tên là Plei-Kou-Der. Tỉnh lỵ của Plei-Kou-Der được đặt tại một làng Jrai có tên là Pleiku. Nghị định Toàn quyền ngày 25-4-1907 đã xóa tỉnh Plei-Kou-Der. Đất đai của tỉnh này được chia làm 2 phần, một phần lập thành đại lý hành chính Kon Tum, nhập vào tỉnh Bình Định; phần còn lại lập thành đại lý hành chính Cheo Reo nhập vào tỉnh Phú Yên.

Ngày 9-2-1913, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định số 214 và 215, lập tỉnh Kon Tum trên cơ sở đất đai của tỉnh Plei-Kou-Der cũ gồm toàn bộ đại lý Kon Tum (tách ra từ tỉnh Bình Định), đại lý Cheo Reo (tách ra từ tỉnh Phú Yên) cộng thêm đại lý Đak Lak (nguyên là một tỉnh hạ xuống thành đại lý). Ngày 24-5-1925, theo Nghị định Toàn quyền, đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum được thành lập. Tiếp đến, Nghị định Khâm sứ Trung Kỳ, ngày 3-12-1929, thị xã Pleiku và thị xã Kon Tum được thành lập.

Ngày 24-5-1932, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định tách một phần đất phía Nam tỉnh Kon Tum (gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo) để thành lập tỉnh Pleiku. Tòa Đại lý hành chính Pleiku theo đó cũng được đổi thành Tòa Công sứ. Đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tỉnh Pleiku có: thị xã Pleiku, huyện An Khê, huyện Pleikli, huyện Chư Ty và huyện Cheo Reo. Ngày 12-12-1932, trên địa bàn tỉnh Pleiku, Vua Bảo Đại ra Chỉ dụ lập đạo Gia Lai (chủ yếu là đất đai của đại lý Pleiku cũ) và bổ nhiệm 1 Quản đạo, 1 Kinh lịch và 3 Thừa phái bên cạnh quan “Công sứ” của Pháp để quản lý bộ phận người Kinh.

Từ khi được thành lập đến Cách mạng Tháng Tám 1945, tên tỉnh giữ nguyên là Pleiku. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tên tỉnh được chính quyền cách mạng gọi là Gia Lai. Tháng 6-1946, thực dân Pháp tái chiếm vùng đất Gia Lai và đặt tên tỉnh là Pleiku. Đối với chính quyền Sài Gòn, từ năm 1954 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), tên tỉnh vẫn là Pleiku, nhưng diện mạo của tỉnh đã nhiều lần thay đổi. Ngày 1-9-1962, theo Sắc lệnh số 186, chính quyền Sài Gòn tách một phần phía Nam tỉnh Pleiku (thuộc Cheo Reo) và một phần phía Bắc tỉnh Đak Lak (huyện Thuần Mẫn) thành lập tỉnh Phú Bổn. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hậu Bổn (nay là thị xã Ayun Pa). Tỉnh Phú Bổn tồn tại cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Về phía ta, trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, tên tỉnh vẫn giữ là Gia Lai. Ngày 15-4-1950, theo Nghị định số 7/NĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ta, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum hợp nhất thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Gia-Kon. Sau Hiệp định Genève, tỉnh Gia-Kon lại được chia tách thành hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Những năm 1954-1975 vẫn giữ tên tỉnh là Gia Lai, nhưng địa giới hành chính của tỉnh có nhiều thay đổi qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 20-9-1975, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 245-NQ/TƯ về việc bỏ cấp khu, hợp tỉnh. Theo Nghị quyết này, tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành một tỉnh. Tên của tỉnh mới là Gia Lai-Kon Tum. Ngày 12-8-1991, theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII, Gia Lai-Kon Tum tách thành hai tỉnh: Gia Lai và Kon Tum. Sau lần chia tách này, tỉnh Gia Lai có 10 đơn vị hành chính gồm: thị xã Pleiku và các huyện Chư Păh, Chư Prông, Chư Sê, Mang Yang, Kbang, An Khê, Kông Chro, Ayun Pa và Krông Pa. Từ sau khi chia tỉnh, Gia Lai tiếp tục chia tách để lập thêm một số huyện mới. Đến nay, toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm TP. Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và các huyện Kbang, Kông Chro, Đak Pơ, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Prông, Krông Pa, Ia Pa, Phú Thiện, Chư Pưh. Đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn là 220, gồm 24 phường, 14 thị trấn và 182 xã.

TỐNG THỚI MỐC

Có thể bạn quan tâm