Phóng sự - Ký sự

Nô lệ tình dục thời hiện đại - Mafia, tiền và máu - Kỳ 5: Thủ đoạn kinh doanh thân xác tàn độc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ án mạng đến khoan hồng: Câu chuyện Cyntoia Brown là tựa đề bộ phim tài liệu Mỹ dài 96 phút được công chiếu trên mạng cuối tháng 4-2020.

Cyntoia Brown trong lễ tốt nghiệp Đại học Lipscomb năm 2015. Bốn năm sau cô mới được ân xá - Ảnh: NBC
Cyntoia Brown trong lễ tốt nghiệp Đại học Lipscomb năm 2015. Bốn năm sau cô mới được ân xá - Ảnh: NBC
Xung đột, bất ổn, kém phát triển, hệ thống tư pháp hình sự yếu kém là các yếu tố khiến người dễ tổn thương bị lợi dụng.
ILIAS CHATZIS
Cyntoia Brown trốn khỏi gia đình cha mẹ nuôi đến sống với bạn trai 24 tuổi ở Nashville (bang Tennessee). Nào ngờ tên bạn trai đốn mạt đã ép Brown làm gái lầu xanh.
Sống trong cảnh nô lệ tình dục, Brown đã gặp nhiều vấn đề về tâm thần ngoài hội chứng nghiện rượu nơi thai nhi (mẹ bị nghiện rượu). Tháng 8-2004, Brown bắn chết khách hàng lúc mình mới 16 tuổi. Cô bị xét xử như người trưởng thành và phải nhận án tù chung thân.
Năm hình thức buôn người
Trong tù, Cyntoia Brown liên tục kêu oan rằng mình chỉ giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Các luật sư chạy ngược chạy xuôi cố chứng minh cô bị mắc bẫy bọn buôn người. Phải 13 năm sau ngày Brown bị bắt, vụ án mới có chuyển biến khi nhiều nhân vật nổi tiếng kêu gọi trả tự do cho Brown với hashtag #FreeCyntoiaBrown trên mạng xã hội. Hồ sơ Brown được xem xét lại. Cuối cùng, Thống đốc bang Tennessee Bill Haslam ân xá cho cô.
Brown được trả tự do vào tháng 8-2019 sau 15 năm ngồi tù. Hai tháng sau, cuốn sách kể lại chuyện thật đời mình của Brown với tựa đề Cyntoia được tự do: Tìm kiếm cứu chuộc của tôi trong hệ thống nhà tù Mỹ được xuất bản. Ra tù, cô nỗ lực vận động cải cách tư pháp hình sự và bảo vệ các nạn nhân buôn người.
Hiện nay, cô gái trẻ 32 tuổi Cyntoia Brown đã kết hôn với nhạc sĩ Jaime Long. Ngày 11-7, cô là khách mời đặc biệt trong sự kiện trực tuyến của Dự án giáo dục tư pháp (Đại học Illinois) do cô đã nỗ lực hoàn thành chương trình đại học trong lao tù.
Luật pháp cũng thay đổi đáng kể từ phiên tòa đầu tiên của Cyntoia Brown. Năm 2011, bang Tennessee không còn buộc tội mại dâm đối với người dưới 18 tuổi và xem nạn nhân là nạn nhân kinh doanh tình dục trẻ em. Năm 2012, Tòa án tối cao Mỹ phán quyết án tù chung thân đối với người chưa thành niên là hình phạt tàn nhẫn và bất thường.
Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) xác định những trường hợp bị ép buộc làm nô lệ tình dục như Cyntoia Brown rất phổ biến và là một trong năm hình thức buôn người hiện nay.
* Buôn phụ nữ để bóc lột tình dục: Nạn nhân thường là phụ nữ và trẻ em các nước đang phát triển hoặc người dễ bị tổn thương ở các nước phát triển. Họ bị lừa có việc làm tốt và được cung cấp giấy tờ du lịch giả, sau đó bị ép làm nô lệ tình dục, bị giam giữ trong điều kiện vô nhân đạo, liên tục bị khủng bố về tâm lý và thể xác.
* Buôn người để cưỡng bức lao động: Nạn nhân chủ yếu đến từ các nước đang phát triển. Họ được bọn buôn người tuyển, sau đó bị ép buộc làm việc như nô lệ trên đồng ruộng, trong hầm mỏ, cơ sở đánh cá, công trường xây dựng hoặc làm các nghề khác cần lao động tay chân.
* Buôn người để cưỡng bức phạm tội: Nạn nhân bị ép buộc tham gia các hoạt động mang lại thu nhập phi pháp cho các băng nhóm tội phạm như trộm cắp, trồng cần sa, bán hàng giả, đi ăn xin. Các nhóm vũ trang hoặc tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Boko Haram còn buôn người để tăng thêm thu nhập, bổ sung quân số hoặc khống chế dân địa phương.
* Buôn người di cư: Vấn đề di cư lậu liên quan mật thiết đến nạn buôn người vì nhiều người di cư có nguy cơ bị cưỡng bức lao động. Trong chuyến đi, bọn đưa người có thể ép người di cư làm việc trong điều kiện vô nhân đạo để thanh toán tiền vượt biên trái phép.
* Buôn người để lấy nội tạng: Sức khỏe và tính mạng các nạn nhân luôn bị đe dọa vì họ phải chịu phẫu thuật trong điều kiện bí mật, không đầy đủ dụng cụ và thiếu thốn nhân viên y tế.
Gây tội ác chỉ vì đồng tiền
Chuyên gia Ilias Chatzis - trưởng bộ phận Buôn bán người và buôn lậu người di cư của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC) - đánh giá buôn người là tội ác xảy ra trên khắp thế giới. Báo cáo gần nhất về buôn người của UNODC công bố vào tháng 1-2019 ghi nhận số nạn nhân buôn người vẫn tiếp tục tăng. Đáng lưu ý, lần đầu tiên số nạn nhân buôn người trong nội địa (không đưa qua biên giới) tăng hơn số nạn nhân xuyên quốc gia, từ 27% tăng lên 58% trong năm 2016.
UNODC đã nhận diện từ năm 2012-2014 có 500 đường dây buôn người kết nối các khu vực, trong đó có Nam Á với Trung Đông, châu Phi cận Sahara với Tây Âu, Nam Mỹ với Đông Á và Thái Bình Dương. Từng khu vực có hình thức buôn người phổ biến khác nhau. Bóc lột tình dục là hình thức buôn người phổ biến nhất ở châu Âu, Trung Mỹ, Bắc Mỹ, Đông Á và Thái Bình Dương. 
Ở Nam Á và Trung Á, bóc lột tình dục và cưỡng bức lao động có tỉ lệ gần ngang nhau. Ở châu Phi và Trung Đông, số vụ cưỡng bức lao động nhiều hơn bóc lột tình dục. Ở Bắc Phi, nạn ăn xin trẻ em lại phổ biến hơn hết.
Dù sao chăng nữa, nạn buôn người để bóc lột tình dục là hình thức buôn người phổ biến nhất hiện nay, chiếm 59% tổng số nạn nhân buôn người và xảy ra trong mọi khu vực. Phụ nữ và trẻ em gái không chỉ chiếm đa số nạn nhân buôn người nói chung (72%), mà còn chiếm đa số nạn nhân buôn người để bóc lột tình dục (94%). UNODC ước tính buôn người mang lại doanh thu hằng năm hơn 32 tỉ USD, chỉ thua kém buôn ma túy và làm hàng giả. Số liệu này thấp hơn thực tế bởi lẽ buôn người luôn hoạt động trong bí mật.
Buôn người và buôn lậu người di cư là hai hình thức tội phạm riêng nhưng luôn kết hợp với nhau. Buôn người không được nạn nhân đồng tình trong khi trong buôn người di cư, nạn nhân ban đầu đồng ý song cuối cùng có thể rơi vào bi kịch do bị lạm dụng, bị bóc lột, hãm hiếp, bắt cóc đòi tiền chuộc, bị bắt làm nô lệ.
Buôn người di cư thường đòi hỏi trình độ tổ chức cao và có thể liên quan đến các quan chức tham nhũng. Do đó, muốn chống buôn lậu người di cư phải chống tham nhũng. Các đường dây buôn người di cư hoạt động ở hầu hết các khu vực với mức độ tổ chức và quy mô khác nhau. Ở Bắc Phi chỉ có các nhóm nhỏ địa phương hợp tác lập đường dây. Còn ở Mỹ Latin, các băng nhóm ma túy kiểm soát hoạt động buôn người di cư. UNODC nhận diện có 30 tuyến trong năm 2016 liên quan đến buôn 2,5 triệu người di cư. Năm 2019, buôn lậu người di cư mang lại 5-7 tỉ USD.
"Chiều" 40 khách một ngày!

Mại dâm là yếu tố thu hút bọn buôn người để bóc lột tình dục. Trong ảnh: cảnh mồi chài mại dâm trên đường phố Pattaya (Thái Lan) - Ảnh: PATTAYA ONE
Mại dâm là yếu tố thu hút bọn buôn người để bóc lột tình dục. Trong ảnh: cảnh mồi chài mại dâm trên đường phố Pattaya (Thái Lan) - Ảnh: PATTAYA ONE
"Không thể tưởng tượng nổi các cô gái lại bị khai thác thân xác kinh hoàng như thế. Nhiều cô một ngày phải tiếp đến 40 khách mua dâm" là những ghi nhận thực tế của phóng viên quốc tế khi tìm hiểu nạn mua bán dâm ở Trung Quốc, đặc biệt là ở thành phố thương mại - công nghiệp Đông Quảng. Hầu hết các cô đến từ những nước nghèo Đông Nam Á, một số ít từ Đông Âu và Nam Á.
Khoảng 90% các cô gái bị bóc lột tình dục này bị lừa vào các đường dây buôn người như hứa gả chồng Trung Quốc, phụ buôn bán, làm trang trại, nhưng thực chất là đến thẳng các ổ mại dâm trá hình ở khách sạn, nhà hàng, tiệm matxa...
Bọn đầu nậu ép buộc các cô bằng cách thu giấy tờ tùy thân, hét giá đã "mua" các cô khoảng 40.000-50.000 đô và các cô sẽ phải bán dâm đến tàn tạ vẫn không trả hết nợ. Nhiều cô kể họ phải "chiều" 40 lượt khách, thậm chí cao hơn nữa mỗi ngày, nếu không sẽ bị đánh hoặc bị bỏ đói. Đến nỗi kỳ "đèn đỏ" tháng, các cô cũng bị ép uống loại thuốc gì đó cho bặt kinh ngay sau một ngày để trở lại tiếp khách.
Nhưng kinh hoàng nhất là một số cô gái tự dưng "mất tích" và được cho rằng đã bị bán nội tạng.
QUỐC MINH
Miriam và Roda đã bị bọn buôn người lừa bán cho các "nhà máy đẻ" ở Nigeria. Bọn buôn người khoác bộ mặt thật như thế nào?
________________________
Kỳ tới: Mặt thật bọn ma quỷ
HOÀNG DUY LONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm