Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Nỗ lực hiện đại hóa nền hành chính công

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính công, tỉnh Gia Lai đã đầu tư trang-thiết bị và nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Nhờ đó, người dân và doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc thực hiện các TTHC.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Nhiều năm nay, thị trấn Chư Prông luôn nằm trong nhóm đứng đầu của huyện về công tác cải cách hành chính nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC. Ông Trần Hiếu-Chủ tịch UBND thị trấn-cho biết: “Hơn 90% số văn bản, TTHC của thị trấn đều được luân chuyển, xử lý trên hệ thống quản lý văn bản điều hành và các nền tảng điện tử khác. Không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí cho địa phương, điều này còn tạo thuận lợi cho cá nhân và tổ chức khi thực hiện các TTHC”.
Ở huyện biên giới Đức Cơ, nhiều TTHC cũng đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Nếu như trước đây, người dân phải đến “Bộ phận một cửa” của xã, huyện để nộp hồ sơ, nhận giấy hẹn thì nay họ chỉ cần sử dụng điện thoại, máy tính có kết nối internet là đã có thể thực hiện được. Ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho hay: Huyện đang thực hiện 39 TTHC công trực tuyến mức độ 3 và 4. Nhờ được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang-thiết bị hiện đại nên việc tiếp nhận, giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị rất nhanh gọn, đạt hiệu quả cao.
Hiện nay, từ tỉnh đến cấp xã đã sử dụng Hệ thống quản lý văn bản điều hành phục vụ công việc. Việc luân chuyển văn bản điện tử đã được thực hiện liên thông 4 cấp. Ban Cơ yếu Chính phủ hiện đã cấp hơn 4.500 chứng thư số cá nhân cho các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Nhờ đó, các văn bản điện tử đều được ký số để xác thực thông tin người gửi. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện gửi, nhận hơn 500.345 lượt văn bản, trong đó có khoảng 98% văn bản được gửi hoàn toàn dưới dạng điện tử.
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Để bộ máy hành chính công hoạt động hiệu quả, từ đầu năm đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 19 quyết định công bố danh mục TTHC và quy trình nội bộ giải quyết TTHC. Trong đó, công bố mới 9 thủ tục; sửa đổi, bổ sung 198 thủ tục; công khai bãi bỏ 20 thủ tục. Trong tổng số 1.888 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh thì có trên 35% được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đã trang bị đầy đủ máy tính kết nối mạng internet. Số lượng máy tính đạt 97% so với số cán bộ, công chức; 99% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thành thạo máy tính phục vụ công việc. Cùng với đó, một số địa phương đã đầu tư các trang-thiết bị như: máy chiếu, máy quét (scan) phục vụ cho việc số hóa tài liệu, văn bản. Trang-thiết bị công nghệ thông tin đã giúp cán bộ, công chức cấp xã thay đổi phương thức tổ chức lưu trữ, quản lý và khai thác thông tin điện tử.
Hướng tới sự hài lòng của người dân
Hiện có 20 sở, ban, ngành và 17 UBND cấp huyện và 220 UBND cấp xã đã triển khai mô hình “Một cửa điện tử liên thông” (đạt 100%). Trong tổng số 279 TTHC thuộc lĩnh vực giải quyết của cấp huyện thì có hơn 30% được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tương tự, cấp xã có 173 TTHC thì 15% được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để giải quyết thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai, chị Nguyễn Thị Thủy (tổ dân phố 6, phường Trà Bá, TP. Pleiku) cho biết: “Tôi rất ấn tượng với thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên ở đây. Họ hướng dẫn tận tình việc bổ sung đầy đủ hồ sơ, giúp tôi không phải đi lại nhiều lần. Không chỉ vậy, nhiều TTHC chỉ cần ở nhà sử dụng máy tính hay điện thoại thông minh cũng thực hiện được”.
Từ đầu năm đến nay, Văn phòng UBND tỉnh tiếp nhận 22 phản ánh, kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực: đất đai, đăng ký kinh doanh, hoạt động khuyến mại, căn cước công dân, đăng ký giấy phép kinh doanh… Đến nay, 18 kiến nghị, phản ánh đã được xử lý; 2 kiến nghị, phản ánh không thuộc lĩnh vực của tỉnh; 2 kiến nghị đang xử lý. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh của cá nhân, tổ chức trên Hệ thống thông tin dịch vụ công 1022 của tỉnh. Trong quý I, toàn tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 473 kiến nghị, phản ánh qua hệ thống thông tin này.
Trao đổi với P.V, ông Võ Quốc Hùng-Phó Giám đốc Sở Nội vụ-cho biết: “Năm 2022, tỉnh xác định 58 nhiệm vụ, sản phẩm trong cải cách hành chính cần đạt được. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 11/58 nhiệm vụ, các nhiệm vụ còn lại chưa đến thời gian hoàn thành. Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của nền hành chính công”.
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm