Nơi gởi gắm niềm tin của bệnh nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi mọi người đang chuẩn bị đón mừng thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ sang năm mới Bính Thân thì tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ê kíp mổ do bác sĩ Bùi Viết Hoàng-Khoa Ngoại tổng hợp làm trưởng kíp mổ đang thực hiện ca mổ nhằm cứu tính mạng của một thanh niên với vết thương do dao đâm gây thấu tim. Đây là một ca khẩn cấp và tính mạng của bệnh nhân đang nằm giữa lằn ranh sinh-tử.

 Y-bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp trong giờ giao ban. Ảnh: Như Nguyện
Y-bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp trong giờ giao ban. Ảnh: Như Nguyện

“Tình trạng bệnh nhân khi nhập viện bị choáng nặng, mất máu, ngưng tim ngưng thở… Sau hơn 3 giờ đồng hồ chạy đua với tử thần, sức gần như bị vắt kiệt nhưng thành quả của ê kíp là ca mổ đã thành công, bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân. Sau 10 ngày nằm viện điều trị, sức khỏe ổn định, bệnh nhân đã được xuất viện về nhà. Với chúng tôi, việc cứu sống bệnh nhân là hạnh phúc vô giá và vì thế bất kể giờ giấc nào, cứ bệnh nhân cần là chúng tôi có mặt…”-bác sĩ Nguyễn Đăng Bảo-Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ.

Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thành lập vào năm 2012 trên cơ sở tách ra từ Khoa Ngoại chung. Khoa được phân công phụ trách 5 mảng lớn gồm: tiêu hóa, gan mật, tiết niệu, lồng ngực và nhi. Toàn đơn vị hiện có 14 bác sĩ (trong đó 1 thạc sĩ, 2 bác sĩ được đào tạo chuyên khoa II còn lại là bác sĩ chuyên khoa I) và 45 điều dưỡng. Khoa được biên chế 70 giường bệnh nhưng có ngày điều trị trên 100 lượt bệnh nhân. Đội ngũ y-bác sĩ thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc; nhiều kỹ thuật mới được triển khai trong điều trị bệnh giúp hạn chế được việc chuyển tuyến trong thời gian qua.

Luôn trong tình trạng quá tải vì số bệnh nhân đông, công suất sử dụng giường bệnh thường xuyên đạt trên 200%/năm nên áp lực công việc đối với các y-bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh rất lớn. “Người bệnh đến đây hầu hết là bệnh nặng, có nhiều bệnh nhân gia cảnh khó khăn vì vậy không chỉ chăm sóc về mặt sức khỏe mà chúng tôi còn thường xuyên làm công tác tư tưởng cho bệnh nhân giúp họ giảm bớt áp lực, vững tin vượt qua bệnh tật. Có trường hợp bệnh nhân vào tới khoa trong tình trạng nguy cấp, do vậy chúng tôi nhanh chóng cấp cứu cho người bệnh còn viện phí thì tính sau. Nhiều ca bệnh trong tình huống nguy cấp, chúng tôi vận động y-bác sĩ trong khoa tình nguyện hiến máu cứu người. Ngoài ra, tại khoa có thành lập quỹ do các nhà hảo tâm ủng hộ tuy không nhiều nhưng cũng hỗ trợ một phần cho các bệnh nhân khó khăn giúp họ thêm vững tâm vượt qua bệnh tật”-bác sĩ Bảo cho biết.

Gần 20 năm công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và hiện đang làm điều dưỡng viên Khoa Ngoại tổng hợp, chị Mai Thị Hạnh chia sẻ: “Công việc nhiều khi làm không xuể nhưng mình tự nhủ phải vượt qua áp lực để phục vụ bệnh nhân một cách tốt nhất. Có lẽ vì vậy mà nhiều bệnh nhân khi xuất viện về nhà đã gửi thư, có người còn làm thơ rất hay để cảm ơn các y-bác sĩ”.

Trong hàng chục lá thư cảm ơn, các y-bác sĩ đặc biệt lưu tâm đến thư cảm ơn của bệnh nhân Lê Châu (66 tuổi, phường Hội Thương, TP. Pleiku). Trong thư, bà Châu chân thành cảm ơn tấm lòng phục vụ bệnh nhân chu đáo của các y-bác sĩ tại Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp sức giúp bà vượt qua bệnh tật. Bà có đề cập đến việc bỏ phong bì bồi dưỡng bác sĩ trực tiếp điều trị cho mình nhưng cả ba lần vị bác sĩ nọ đều từ chối. Đây là điều khiến bà và gia đình hết sức cảm động.

“Nghề y-một nghề đặc biệt bởi nó liên quan đến tính mạng con người và chỉ có nghề y người ta mới nói nhiều về vấn đề y đức… Nói tới y đức, người ta lại bàn về chuyện phong bì nhưng xin đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”. Đối với chúng tôi, bệnh nhân là trung tâm và việc cứu chữa đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho bệnh nhân là việc làm quan trọng nhất”-Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nguyễn Đăng Bảo nhấn mạnh.

 Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm