Sự lỗi thời của luật Thuế thu nhập cá nhân kéo quá dài, trong bối cảnh đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19..., khiến sắc thuế này không chỉ ngày càng bất hợp lý mà còn cho thấy sự thiếu sẻ chia của chính sách với người đóng thuế.
Suốt gần 3 năm dịch bệnh, rất nhiều kiến nghị, đề xuất điều chỉnh các ngưỡng thuế đã quá lạc hậu nhưng cơ quan thuế đều bỏ qua. Trong khi ai cũng hiểu, ở thời điểm hiện nay, với 4,6 triệu đồng không thể nuôi một đứa trẻ ăn học, nhất là tại TP.HCM và Hà Nội.
Thế nhưng, mức khấu trừ gia cảnh hết sức vô lý này vẫn được giữ nguyên nhiều năm qua. Nghịch lý cá nhân phải đóng bậc cao nhất, tới 35% trong biểu thuế lũy tiến, gần gấp đôi thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng tồn tại bất chấp. Thậm chí, quy định người có thu nhập 1 triệu đồng/tháng không được xem là người phụ thuộc kéo dài cả thập kỷ nay một cách vô cảm dù mức này thấp hơn cả chuẩn nghèo đang áp dụng.
Ngay lúc này, hàng ngàn hàng vạn nhà đầu tư chứng khoán rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, lỗ cháy tài khoản nhưng cắt lỗ cũng phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Điều này cũng áp dụng với việc sang nhượng bất động sản. Chúng ta đều biết, thị trường chứng khoán và bất động sản đang ở giai đoạn sụt giảm mạnh nhất, kéo dài nhất từ trước đến nay khiến hầu hết các nhà đầu tư đều “âm” vốn. Nhưng âm thì âm, cắt lỗ thì cắt lỗ, thuế phải nộp đủ 2% trên giá trị giao dịch, không thiếu một đồng, theo quy định tính trên doanh thu của thuế TNCN hiện hành.
Những sự bất hợp lý này đã được nói rất nhiều lần, phân tích thấu đáo từ chính sách cho tới cuộc sống nhưng Bộ Tài chính, cơ quan cầm cân nảy mực trong vấn đề điều chỉnh các luật thuế, vẫn ngó lơ suốt mấy năm qua. Chưa dừng ở đó, trong một động thái mới đây, Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế rà soát, đánh giá toàn diện để đề xuất sửa đổi những bất cập của luật Thuế TNCN nhưng là đến… năm 2025.
Năm 2025 “sẽ hoàn thiện dự án luật Thuế TNCN sửa đổi để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua luật Thuế TNCN sửa đổi” thì có thể năm 2026 mới điều chỉnh.
Tại sao lại như vậy? Bộ Tài chính cần có câu trả lời thích đáng về việc kéo dài những sắc thuế đã lạc hậu, bất cập thêm 3 - 4 năm nữa. Đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, bối cảnh mà đời sống người làm công ăn lương ngày càng khó khăn vì giá cả tăng cao, lạm phát đe dọa, nhiều gia đình phải gánh thêm một, thậm chí vài người thất nghiệp. Nhìn ngược lại lịch sử, thuế TNCN là sắc thuế luôn bị “delay” việc điều chỉnh, kéo dài năm này qua năm khác. Trong khi họ - những người làm công ăn lương đóng góp lớn nhất cho sắc thuế này. Tỷ trọng thuế TNCN trong cơ cấu thuế cũng càng ngày càng lớn. Từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, số thu thuế TNCN lập kỷ lục từ trước đến nay... Vậy yếu tố “khoan sức dân” của thuế TNCN được thể hiện như thế nào?
Kinh tế đang đối mặt với một năm được dự báo hết sức khó khăn do cả yếu tố nội tại và tác động từ tình trạng lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chính sách nếu không thể hỗ trợ, chia sẻ thì ít nhất cũng phải hợp lý và công bằng với người nộp thuế. Kéo dài một sự bất hợp lý thêm tới 3 - 4 năm nữa, không chỉ khiến người nộp thuế bức xúc mà còn ảnh hưởng tới sức mua, ảnh hưởng tới tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng tới nỗ lực phục hồi, tăng trưởng kinh tế của cả đất nước.
Bộ Tài chính có tính đến điều này?
Theo Nguyên Khanh (TNO)