Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân Hbông phát triển vườn cây ăn quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, xã Hbông (huyện Chư Sê, Gia Lai) đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Đến nay, toàn xã đã có hơn 112 ha cây ăn quả, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.
Theo chân một cán bộ xã Hbông, chúng tôi đến thăm vườn nhãn lồng đang vào vụ thu hoạch của ông Lê Văn Sơn (làng Dek). Trước đây, cũng như nhiều hộ trong xã, ông Sơn chỉ tập trung trồng cây hồ tiêu. Cách đây 3 năm, cây hồ tiêu bị bệnh rồi chết hàng loạt, bao công sức đầu tư của gia đình bỗng chốc mất trắng. Nhận thấy trồng cây ăn quả ít rủi ro, ông cải tạo đất trồng hơn 300 cây nhãn. Đến nay, vườn nhãn bắt đầu cho thu bói. “So với cây hồ tiêu thì nhãn dễ trồng hơn, sâu bệnh cũng dễ kiểm soát và không xảy ra hiện tượng chết hàng loạt. Giá nhãn đầu vụ khá ổn định, khoảng 30.000 đồng/kg”-ông Sơn cho hay. Thấy cây ăn quả phù hợp thổ nhưỡng địa phương nên ông đã đầu tư trồng thêm 300 cây mít Thái, 250 cây hồng xiêm thay thế cho diện tích cây công nghiệp của gia đình.
Vườn nhãn của gia đình ông Lê Văn Sơn bắt đầu cho thu hoạch năm đầu tiên. Ảnh: P.L
Vườn nhãn của gia đình ông Lê Văn Sơn bắt đầu cho thu hoạch năm đầu tiên. Ảnh: P.L
Cách đây hơn 3 năm, thấy cây bắp và mì cho thu nhập bấp bênh, bà Đặng Thị Phùng (làng Kte) đã đầu tư trồng táo xanh giống Bắc Giang. Hiện vườn táo của bà đã cho thu hoạch, sản lượng khoảng 3 tấn/vụ. Bà Phùng chia sẻ: “Thấy nhiều gia đình chuyển sang trồng cây ăn quả, tôi cũng mạnh dạn làm theo. Cây táo khá dễ trồng, thích nghi tốt với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây. Táo cho thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 10 hàng năm, giá bán sỉ 10.000 đồng/kg, bán lẻ 15.000-20.000 đồng/kg. Thu nhập như vậy ổn định hơn so với cây lương thực. Tôi cũng không phải đem đi bán mà thương lái hay người dân tự đến tận vườn mua”.
Khoảng 5 năm gần đây, người dân xã Hbông đã phát triển mạnh diện tích cây ăn quả, đặc biệt là các loại cây trồng như: mít, bưởi, chanh, táo, nhãn, thanh long ruột đỏ… Đến nay, toàn xã đã có 112,6 ha cây ăn quả của khoảng 600 hộ, trong đó có khoảng 30% là hộ dân tộc thiểu số. Chỉ riêng trong năm 2019, xã Hbông đã định hướng cho người dân phát triển hơn 25 ha cây ăn quả. Xã đã đề nghị huyện cấp giống cây mít, mãng cầu gai, mãng cầu xiêm cho 115 hộ dân tộc thiểu số ở làng Kte, đồng thời cử cán bộ nông nghiệp đến hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc.
Ông Phạm Hữu Viên-Phó Chủ tịch UBND xã Hbông-cho biết: Khi cây hồ tiêu bị chết hàng loạt, bà con rất lúng túng trong việc chọn lựa cây trồng mới. Một số hộ mạnh dạn trồng thử nghiệm cây ăn quả và thu được hiệu quả rõ rệt. “Qua khảo sát, chúng tôi thấy vùng đất đá vôi của xã thích hợp với các loại cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi. Trong đó, cây mít có thể cho thu hoạch 70-90 tấn quả/ha/năm. Quả non, quả hỏng được tận dụng làm thức ăn cho gia súc. Các loại cây nhãn, táo, mãng cầu cũng phát triển rất tốt. Thời gian tới, xã tiếp tục hướng dẫn, khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có năng suất cũng như giá trị kinh tế cao để từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Vấn đề hiện nay là nguồn nước tưới khá khó khăn, bà con phải chủ động đào ao, hồ tích trữ để đảm bảo nước tưới cho cây trồng nên rất cần một giải pháp căn cơ hơn”-ông Viên cho hay. 
PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm