(GLO)- Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều hộ dân xã Ia Bă (huyện Ia Grai, Gia Lai) đã chủ động chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết, cà phê năng suất kém sang trồng cây ăn quả, trồng dâu nuôi tằm.
Năm 2015, khi hơn 4 ha cà phê của gia đình cho năng suất thấp do già cỗi, anh Đặng Văn Tâm (thôn Chư Hậu 6, xã Ia Bă) đã mạnh dạn phá bỏ toàn bộ để trồng hơn 2.000 cây chanh tứ quý, 300 cây chôm chôm, 500 cây bơ, 300 cây sầu riêng, 200 cây mít, 100 cây bưởi và 100 cây na Thái. Đến nay, mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình anh thu lời gần 400 triệu đồng từ diện tích chanh tứ quý. Ngoài ra, một số cây khác như: bơ, sầu riêng, chôm chôm cũng bắt đầu cho thu bói, mang về cho gia đình gần 100 triệu đồng/năm. Anh Tâm cho biết: Các loại cây ăn quả rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Hiện tại, gia đình tôi đang trồng các loại cây ăn quả xen với nhau, chỉ một phần cây chanh tứ quý là trồng thuần. Mục đích là để có nguồn thu nhập quanh năm. Ngoài ra, khi trồng nhiều loại cây, nếu cây này bị rớt giá, mất mùa thì sẽ có thu nhập từ cây khác bù lại. “Nếu so sánh với cây cà phê thì cây chanh tứ quý ít tốn công chăm sóc hơn nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn rất nhiều lần. Đặc biệt, cây chanh tứ quý cho thu hoạch quanh năm và đang có thị trường khá ổn định. Hy vọng vài năm tới, các loại cây ăn quả khác bước vào thu hoạch chính sẽ giúp gia đình nâng cao thu nhập hơn nữa”-anh Tâm bộc bạch.
Anh Đặng Văn Tâm (thôn Chư Hậu 6, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) bên vườn chanh tứ quý của gia đình. Ảnh: L.N |
Để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăm sóc cây trồng, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ia Bă đã thành lập các tổ liên kết. Điển hình như Tổ liên kết trồng dâu nuôi tằm có 25 hộ tham gia với diện tích hơn 6 ha. Các hộ trong tổ không chỉ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu, nuôi tằm mà còn liên kết trong khâu thu hoạch và bán sản phẩm cho Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang (huyện Mang Yang). Hay như Tổ liên kết trồng cây ăn quả thôn Thanh Bình có 16 hộ tham gia với diện tích hơn 28 ha. Anh Lê Văn Lực-Tổ trưởng Tổ liên kết trồng cây ăn quả thôn Thanh Bình-cho hay: Ngoài việc hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, tổ liên kết còn tạo chuỗi sản phẩm có quy mô lớn, chất lượng đồng đều, đáp ứng được những đơn hàng có giá trị lớn với các doanh nghiệp. Hiện nay, tổ đang tiến tới việc thực hiện đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu và gắn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. “Riêng gia đình tôi đang trồng các loại cây ăn quả như: sầu riêng, bơ, mít, na, bưởi, cam xen trong vườn cà phê hơn 3 ha của gia đình. Đến nay, một số cây ăn quả đã cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cây cà phê. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có thu nhập hơn 200 triệu đồng”-anh Lực chia sẻ.
Ngoài phát triển cây chanh tứ quý, trồng dâu nuôi tằm, nhiều hộ dân xã Ia Bă đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng ổi Thái Lan, cà tím Nhật Bản, chanh dây, sa chi, khoai lang. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã còn có một số mô hình trồng cây ăn quả xen trong diện tích cà phê. Theo thống kê của UBND xã Ia Bă, toàn xã hiện có hơn 153 ha cây ăn quả (7 ha trồng thuần và hơn 146 ha trồng xen), 30 ha khoai lang, 27 ha chanh dây. Người dân đã chuyển đổi khoảng 57 ha hồ tiêu bị chết sang cây trồng khác… Ông Puih Hláo-Phó Chủ tịch UBND xã-cho biết: Những năm qua, xã Ia Bă đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập. Đến nay, cơ bản các loại cây trồng mà người dân chuyển đổi phát triển tốt, đã có một số diện tích cho thu hoạch và đạt hiệu quả kinh tế cao. “Thời gian tới, xã tiếp tục hỗ trợ người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau củ quả thông qua việc liên kết với một số công ty, doanh nghiệp như Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Bơ Mỹ Hoàng Gia, Hợp tác xã Trường Xuân...”-ông Hláo cho biết thêm.
LÊ NAM