Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân Phú Túc thi đua sản xuất giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xác định phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập là một mục tiêu lớn trong phát triển kinh tế địa phương, nên hàng năm, Ban Chấp hành Hội Nông dân thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) đã tuyên truyền, phát động và tổ chức để hội viên đăng ký trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.

Và để phong trào thực sự phát huy được sức mạnh nội lực của nông dân cũng như khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Hội đã có nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền, vận động hội viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi…

 

 

Đồng thời, Hội Nông dân thị trấn cũng chỉ đạo các chi hội nắm chắc số hội viên nghèo của chi hội mình và tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân để có kế hoạch phân công cán bộ và các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi kịp thời động viên, hỗ trợ. Và tùy theo hoàn cảnh cụ thể của từng hội viên mà các chi hội sẽ có kế hoạch giúp đỡ, có thể giúp về vốn, giống, khoa học kỹ thuật hoặc kinh nghiệm sản xuất để từng bước giúp các hội viên nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ vậy, đến nay, toàn thị trấn đã có 650 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Đặc biệt, phong trào giúp đỡ hộ nghèo là dân tộc thiểu số tại tổ dân phố 13 theo tinh thần Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy thị trấn Phú Túc năm 2011 đã được cấp Hội triển khai một cách khá cụ thể. Riêng năm 2011, Hội Nông dân thị trấn đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tư vấn, giúp đỡ, thậm chí là “cầm tay chỉ việc” cho 10 hộ gia đình tại tổ dân phố 13 triển khai mô hình trồng mì cao sản.

Trong năm 2012, Hội tiếp tục xây dựng và triển khai mô hình này cho 15 hộ gia đình tại tổ dân phố 13. Cùng với đó, Hội cũng tổ chức phát động các phong trào thi đua, tổ chức sinh hoạt chuyên đề để các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trao đổi kinh nghiệm sản xuất cho các hộ nghèo, góp phần giảm số hộ nghèo và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Hơn thế, 5 năm qua, Hội đã tạo điều kiện cho gần 600 lượt hội viên nông dân vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh với số dư nợ đến nay gần 6 tỷ đồng. Với sự hoạt động tích cực của đội ngũ cán bộ Hội và các tổ trưởng tổ vay vốn đã tạo điều kiện thuận lợi cho người vay đồng thời nhắc nhở người vay sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Ngoài ra, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cũng đã chung tay giúp đỡ về vốn với số tiền 20 triệu đồng, cùng 2.200 con giống và hàng trăm ngày công lao động.

Khi được hỗ trợ về giống, vốn và nắm vững khoa học kỹ thuật, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất mang tính chất nhỏ lẻ sang mô hình kinh tế trang trại nông-lâm-ngư nghiệp kết hợp. Đặc biệt, nhiều mô hình kinh tế đã bước đầu cho thấy hiệu quả khi tận dụng diện tích đất đồi-rừng và giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Ông Lê Văn Thoát- Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Túc, cho biết: “Hiện thị trấn có 36 hộ đang xây dựng mô hình kinh tế trang trại. Và nhiều mô hình đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Năm 2005, gia đình ông Trần Xuân Diến-hội viên nông dân tổ dân phố 15 đã mạnh dạn bắt tay vào việc chuyển đổi mô hình sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang kinh tế trang trại hộ gia đình. Với 4 ha đất nông nghiệp, ông Diến đã bàn với gia đình vay thêm vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT để đào hồ thả cá và mua thêm 4 con bò sinh sản.

Với phương pháp “lấy ngắn nuôi dài” và áp dụng những khoa học kỹ thuật đã được tập huấn nên diện tích trang trại của gia đình ông ngày càng mở rộng, hiệu quả kinh tế mang lại đạt cao. Đến nay, trang trại của gia đình ông Diến có tổng diện tích 7 ha, hàng năm trồng 6 ha mì cao sản, kết hợp nuôi bò và thả cá mỗi năm thu về 120-200 triệu đồng.

Cũng theo ông Thoát, hiệu quả mà phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi mang lại đã góp phần khẳng định niềm tin của hội viên nông dân với cấp Hội đồng thời thu hút đông đảo hội viên vào Hội, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Hiện Hội Nông dân thị trấn có 950 hội viên, tham gia sinh hoạt ở 15 chi hội, trong đó có 155 hội viên người dân tộc thiểu số. Hơn nữa, khi đời sống của nông dân được cải thiện, họ sẽ có thêm điều kiện chung tay cùng địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm