Báo xuân

Nông dân thời @

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công nghệ kết nối giữa điện thoại di động với hệ thống internet để theo dõi, quản lý cây trồng được xem là một trong những giải pháp mới trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin. Nhìn trên bình diện rộng, đây cũng là giải pháp hữu hiệu để đối phó với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới, nước sinh hoạt; khắc phục hệ quả của việc con người sử dụng nguồn nước lãng phí, kém hiệu quả.
 

 Ông Vũ Văn Dũng bên thiết bị kiểm tra độ PH của đất. Ảnh: N.D
Ông Vũ Văn Dũng bên thiết bị kiểm tra độ PH của đất. Ảnh: N.D

Công nghệ mới này được thực hiện bởi Công ty TNHH Mimosatek (TP. Hồ Chí Minh) dựa trên kết quả thu được từ các cảm biến đặt tại các vườn đất trồng để đo các thông số như: nhiệt độ, độ ẩm không khí, ánh sáng, gió, mưa và độ ẩm của đất. Sau đó, các thông số này được truyền qua internet về hệ thống máy chủ Mimosatek phân tích và đưa ra các giải pháp phù hợp nhất về thời gian tưới, lượng nước sử dụng. Hàng ngày, hệ thống phân tích, tính toán liên tục để biết được thời điểm cần tưới và lượng nước cần tưới cho từng loại cây trồng. Điểm nổi bật của giải pháp này còn ở chỗ, tất cả những thông tin được quản lý và điều khiển bởi chiếc điện thoại thông minh giúp các chủ vườn dù đang ở bất kỳ nơi đâu vẫn biết được hiện trạng vườn cây trồng của mình đang thiếu hay đủ nước cũng như các loại chất dinh dưỡng khác. Ngoài ra, nhật ký điện tử tích hợp trên phần mềm MGreen còn lưu trữ nhật ký nông vụ không giới hạn giúp người sử dụng có thể truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của cây trồng…

Ông Vũ Văn Dũng (thôn 5, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) là một trong số ít hộ đang áp dụng công nghệ tưới cảm biến mới trên vườn cây của mình. Đưa chúng tôi đi thăm vườn hồ tiêu rộng 2 ha, ông Dũng phấn khởi cho biết: Trước đây, gia đình đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel và tưới dí trên cây trồng. 2 năm nay được giới thiệu và tiếp cận công nghệ tưới cảm biến, tôi mạnh dạn sử dụng. Bộ định vị được lắp ở vườn hồ tiêu, sau đó cài đặt các thông số kỹ thuật, như tắt mở tự động, báo nhiệt độ ánh sáng, không khí, nhiệt độ đất, độ ẩm, cảnh báo tình trạng khô hạn hay ngập úng… vào chiếc điện thoại thông minh. Phương pháp tưới này rất tốt dù mình khi có việc cần đi xa vẫn có thể kiểm soát được hiện trạng vườn hồ tiêu có bị thiếu nước hay ngập úng. Ngoài ra, phương pháp tưới này còn giúp cho tôi tiết kiệm được nhân công, chi phí nước tưới, cảnh báo các vườn cây có bị sự cố hay không.

Cũng với điện thoại thông minh, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đak Đoa ngoài tưới nước còn có thể điều khiển từ xa việc bật, tắt điện thắp sáng ngay dưới cây hoặc có thể sử dụng thêm công năng còi báo động ngăn ngừa trộm cắp. Ông Mai Tấn Lợi (thị trấn Đak Đoa) cho hay: Việc lắp đặt hệ thống tưới nước thông minh từ điện thoại rất tiện lợi. Ngoài việc tưới còn có thể tự động bật, tắt máy bơm, hệ thống điện thắp sáng mà không cần xuống tận vườn… Có thể nói, công nghệ này thay thế sự có mặt của con người ở tại vườn, rẫy hàng ngày. Từ điện thoại thông minh được cài sẵn các thiết bị, chỉ cần chuyển một tin nhắn, mọi thứ đều thực hiện tự động ở ngoài vườn. Đặc biệt, lợi thế của việc tưới bằng công nghệ này là tránh được giờ cao điểm tưới nước trong mùa khô… Ông Nguyễn Xuân Tùng-Chủ tịch UBND xã Nam Yang, huyện Đak Đoa cho biết thêm: Trên địa bàn xã, ngoài những diện tích tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel từ những năm trước, hiện đã có 3 hộ nông dân mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước cho vườn hồ tiêu bằng công nghệ điện thoại thông minh rất hữu dụng với nhiều công năng khác nhau.

Với những kết quả thu được, giải pháp tưới chính xác thông minh MGreen đoạt danh hiệu quán quân cuộc thi khởi nghiệp Venture Cup 2015, trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được mời tranh tài tại Hội nghị Seedstart do các công ty khởi nghiệp trên toàn thế giới dự kiến được tổ chức tại Thụy Sỹ vào năm 2017. Nhưng quan trọng hơn, nhờ áp dụng giải pháp này, người nông dân đã thực sự trở thành những chủ thể, luôn chủ động nắm bắt công nghệ hiện đại, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần đắc lực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cũng như xây dựng nông thôn mới hiện nay.

 Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm