Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Nông dân vùng Đông Gia Lai lãi lớn nhờ keo lai tăng giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người dân tại khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai rất phấn khởi khi giá gỗ keo lai lên gần 1,6 triệu đồng/tấn, đem lại lợi nhuận lớn, có nơi đạt 100 triệu đồng/ha. Đây là động lực để người dân và các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác trồng rừng.

Người trồng keo lai lãi lớn

Ông Văn Đình Lai (phường An Tân, thị xã An Khê) cho biết: “Vừa rồi, tôi khai thác 5 ha keo lai với năng suất đạt khoảng 100-110 tấn/ha. Lúc đầu bán được 1,3 triệu đồng/tấn, sau tăng lên gần 1,6 triệu đồng/tấn. Trừ chi phí, tôi còn lãi khoảng 100 triệu đồng/ha. So với những năm trước, giá gỗ năm nay cao hơn rất nhiều giúp người trồng rừng lãi lớn”.

Tương tự, ông Lê Công Khoa (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) phấn khởi cho hay: “Gia đình tôi trồng 30 ha keo lai tại xã Ya Hội (huyện Đak Pơ). Những năm trước, giá gỗ keo lai chỉ ở mức 1,1-1,2 triệu đồng/tấn, cao nhất là 1,3 triệu đồng/tấn nhưng năm nay đạt 1,5-1,6 triệu đồng/tấn. Mức giá này đã duy trì 3-4 tháng giúp người trồng rừng thu lãi cao. Bình quân mỗi héc ta lợi nhuận 60-80 triệu đồng”. Cũng theo ông Khoa, keo lai trồng khoảng 5-6 năm thì thu hoạch, chi phí đầu tư 15-25 triệu đồng/ha. Riêng vườn keo nhà ông năng suất bình quân đạt 100-120 tấn/ha. Năm nay, ông khai thác 10 ha, lãi hơn 1 tỷ đồng.

 Người dân huyện Kbang thu hoạch keo lai. Ảnh: Nguyễn Diệp
Người dân huyện Kbang thu hoạch keo lai. Ảnh: Nguyễn Diệp



Ông Võ Thanh Quang (phường An Phú, thị xã An Khê) chuyên thu mua gỗ keo lai ở khu vực phía Đông tỉnh để cung cấp cho các nhà máy chế biến tại tỉnh Bình Định. Theo ông Quang, chưa năm nào giá gỗ keo lai cao như năm nay. “Từ đầu năm đến nay, tôi đã thu mua của người dân khoảng 2.000 tấn gỗ keo lai cung cấp cho các nhà máy chế biến tại tỉnh Bình Định”-ông Quang cho biết.

Tạo đà cho nghề trồng rừng

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có khoảng 646.992,31 ha rừng, trong đó, rừng trồng khoảng 153.937 ha, rừng trồng chưa thành rừng 14.264 ha. Trong 9 tháng năm 2022, người dân và một số đơn vị trồng rừng đã khai thác được hơn 58.321 m3 gỗ rừng trồng, chủ yếu là keo lai và bạch đàn.

Ông Nguyễn Văn Hợi-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku (huyện Kbang) cho hay: Với giá duy trì ổn định như hiện nay thì trồng keo rất hiệu quả. Công ty đang tập trung chăm sóc diện tích rừng trồng và chuẩn bị trồng mới khoảng 100 ha.  

Còn ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro thì thông tin: Toàn huyện có khoảng 4.689 ha rừng trồng của người dân và các đơn vị. Năm nay, giá gỗ keo lai tăng cao là một điều rất đáng mừng, khuyến khích người dân đẩy mạnh công tác trồng rừng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là mức hỗ trợ trồng rừng còn thấp (2,5 triệu đồng/ha) nên khó thu hút được người dân tham gia. Bên cạnh đó, diện tích đất thuận lợi để mở rộng trồng rừng không còn nhiều. “Thời gian tới, các cấp, ngành nên điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho người dân trồng rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số để khuyến khích bà con tham gia. Đồng thời, hỗ trợ làm đường để đến chu kỳ khai thác vận chuyển thuận lợi; thu hút các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, mở các cơ sở thu mua, chế biến dăm gỗ keo lai, bạch đàn tại địa phương nhằm tạo đầu ra ổn định cho người dân yên tâm trồng rừng”-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro đề nghị.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Giá gỗ keo lai tăng cao giúp người trồng rừng có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên bán sớm mà tiếp tục đầu tư chăm sóc đến chu kỳ thu hoạch để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm”.

 

NGUYỄN DIỆP

 

Có thể bạn quan tâm