Multimedia

Emagazine

E-magazine Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đi tất yếu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 

(GLO)- Mấy năm trở lại đây, nhiều đơn vị, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào Gia Lai với mục đích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Kết quả ban đầu cho thấy, đây là hướng đi đúng đối với cả doanh nghiệp lẫn địa phương.

 

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng mà hiếm nơi nào có được, Gia Lai đang dần có những hướng đi phù hợp trong lĩnh vực nông nghiệp, mục tiêu là tham gia sâu vào chuỗi cung-cầu của thị trường trong nước và thế giới. Đặc biệt, chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang được tỉnh quyết liệt thực hiện. Theo đó, tỉnh đã có những định hướng đúng đắn và tích cực, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

 

Nắm bắt cơ hội, đầu năm 2021, hai đại gia Việt là tỷ phú Trần Bá Dương và ông Đoàn Nguyên Đức đã mang đến cơ hội cho Gia Lai trong thu hút đầu tư, góp phần đưa tỉnh định danh rõ ràng hơn trong bản đồ phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam cũng như khu vực Tam giác phát triển, thông qua việc hợp tác đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, 2 đại dự án của Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) được triển khai tại Gia Lai từ đầu năm 2021 gồm: Dự án chăn nuôi bò thịt tại xã Ia Púch (huyện Chư Prông) quy mô 35.000 con, công suất nuôi 140.000 con/năm với tổng vốn đầu tư khoảng 1.993 tỷ đồng; Dự án chăn nuôi heo thịt kết hợp chăm sóc và phát triển cây cao su ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) quy mô 160.000 con, công suất nuôi 400.000 con/năm với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, sự kết hợp của 2 “ông lớn” trong định hướng phát triển cũng không nằm ngoài chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ phát triển mạnh những vùng chuyên canh cây ăn quả không những phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi các thị trường lớn ở châu Á, châu Âu. Để cụ thể hóa định hướng này, ngành nông nghiệp tỉnh đang phát triển theo hướng hữu cơ, đầu tư công nghệ và gắn liền với chuỗi giá trị. Đây là cơ hội biến Gia Lai trở thành thủ phủ của nông nghiệp công nghệ cao cũng như phát triển công nghệ chế biến.

 
 

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 344 ha rau được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP và GlobalGAP tập trung tại 3 vùng chuyên canh rau của tỉnh là TP. Pleiku, thị xã An Khê và huyện Đak Pơ. Một số nông sản của tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như: Rau An Khê, Gạo Phú Thiện, chỉ dẫn địa lý Gạo Ba Chăm… 23 sản phẩm cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng và hơn 186.885 ha cây trồng được sản xuất theo các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance (đạt 34% diện tích gieo trồng toàn tỉnh).

 

Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại khu vực cánh đồng An Phú thuộc TP. Pleiku và huyện Đak Đoa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Chư Sê; thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư 15 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Đề án phát triển trên 120.000 ha rau quả, trên 25.000 ha dược liệu trên địa bàn tỉnh cũng đang được thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 231.000 ha cây trồng thực hiện liên kết sản xuất.

Ngoài ra, nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao cũng đã được hình thành. Toàn tỉnh hiện có 3 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú sản xuất rau an toàn ở xã An Phú (TP. Pleiku); Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn sản xuất 900 ha chè, cà phê, cây ăn quả; Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sản xuất 42 ha cà phê Organic USDA, EU, JAS, Korea, 2.799 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C và 1.235 ha cà phê theo tiêu chuẩn UTZ.

 

Năm 2020, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt trên 30 ngàn tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm sản đạt 515 triệu USD, tăng 14% so với năm 2019. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giá trị ngành nông nghiệp đạt hơn 41 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 5,99%/năm. Những con số ấn tượng trên là thành quả bước đầu khi tỉnh ta đang có những hành động quyết liệt nhằm tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị có tính cạnh tranh cao gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm địa phương.

 

 

Có thể bạn quan tâm