Kinh tế

Nông nghiệp

Nông sản thất thoát sau thu hoạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo số liệu công bố mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Chi nhánh Cần Thơ, hàng năm, thất thoát sau thu hoạch nông nghiệp ở nước ta lên đến 40-45%. Đối với một nước nông nghiệp như Việt Nam, đây là thất thoát quá lớn. Nhưng trong điều kiện của nông dân hiện nay, đó là những thất thoát bất khả kháng.
Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet
Cơ sự chỉ vì nông dân còn nghèo, thậm chí rất nghèo thì lấy đâu ra khả năng đầu tư các thiết bị công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch? Còn lực lượng thương lái thì cũng chỉ biết thu mua nông sản mới thu hoạch, nông sản “tươi” rồi mang ra chợ hay siêu thị để bán. Họ cũng không hề nghĩ tới chuyện đầu tư công nghệ, từ công nghệ lạnh-mát tới công nghệ chế biến. Bởi hàng của họ “thu mua thế nào thì bán thế ấy” và lâu nay thị trường cũng chấp nhận như vậy. Sự thất thoát do hư hỏng không chỉ người nông dân phải chịu, mà thương lái cũng phải “cùng gánh vác”. Nhưng mọi sự vẫn chưa thay đổi.
Trông chờ Nhà nước đầu tư nhà máy chế biến này, kho lạnh nọ, công nghệ bảo quản kia thì trong điều kiện hiện nay rất khó, nếu không muốn nói là không thể.
Vậy thì chỉ còn một đường xã hội hóa với sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân. Nhưng doanh nghiệp tư nhân chỉ đầu tư khi thấy rõ lời lãi. Vả lại, họ cần một cơ chế chính sách cho vay vốn ưu đãi, điều mà chúng ta chưa có hoặc có không rõ ràng. Đã có vài tập đoàn lớn đầu tư vào khâu chế biến nông sản, nhưng từng ấy vẫn chưa thấm tháp gì so với số lượng nông sản rất lớn thu hoạch hàng năm.
Vậy thì “nút thắt” từ đâu và “nghẽn” từ đâu? Đó chính là đầu ra của sản phẩm bảo quản sau thu hoạch, của sản phẩm chế biến ở dạng tinh. Nếu xuất khẩu được mà có lãi ở mức hấp dẫn, chắc rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư. Còn với thị trường nội địa, nếu các hệ thống siêu thị có nhu cầu và đặt hàng thật rõ ràng về chất lượng bảo quản nông sản sau thu hoạch, chắc chắn sẽ có những nhà cung cấp mạnh dạn vào cuộc để đầu tư công nghệ bảo quản và chế biến. Những điều này chưa thể đòi hỏi ở nông dân, vì thực ra, dù muốn, họ vẫn chưa có khả năng tiếp cận với công nghệ bảo quản đúng như thị trường mong đợi. Chỉ khi nào nông dân trở thành những “nhà sản xuất kiêm cung ứng” thì lúc đó, họ mới có khả năng về chất xám và tài chính để xây dựng những hệ thống bảo quản theo công nghệ.
Còn trong điều kiện hiện nay, chỉ cần những doanh nghiệp nhỏ, thậm chí những thương lái tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản, vì lợi ích của chính mình, quyết định đầu tư những thiết bị công nghệ ở mức trung bình và nhỏ để bảo quản nông sản mà họ thu mua thì mức thiệt hại sau thu hoạch sẽ giảm xuống. Dĩ nhiên, chỉ giảm ở mức độ nào đó, chưa thể đòi hỏi giảm sâu. Thay vì những nhà máy lớn thì những chuỗi thiết bị công nghệ nhỏ nhưng hiện đại sẽ giúp cho việc thu hoạch nông sản chống thất thoát tại ruộng và góp phần bảo quản sau thu hoạch.
Trong câu chuyện này, Nhà nước chỉ “cung ứng” chính sách vay vốn ưu đãi hoặc “đứng cửa giữa” tổ chức cho các nhà cung ứng và nhà tiêu thụ nông sản gặp nhau, cùng hợp tác với nhau trên tinh thần hai bên cùng có lợi. Nhà nước hiện có rất nhiều cơ quan chức năng có thể làm việc này, vấn đề chỉ còn là có làm hay không mà thôi.  
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm