Ô nhiễm đại dương nghiêm trọng gây ung thư ở người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Giáo sư, Tiến sĩ Zaidi Embong thuộc Khoa Khoa học và Công nghệ ứng dụng, Đại học Tun Hussein Onn Malaysia (UTHM) vừa cho biết, hạt nhựa siêu nhỏ - vi nhựa (microplastics) và nước thải đã qua xử lý của các nhà máy hạt nhân được coi là những mối đe dọa lớn tiềm ẩn đối với sức khỏe con người- theo TTXVN.

Rác thải nhựa trôi nổi trên biển. Ảnh: Getty Images

Cả 2 loại ô nhiễm trên đều có khả năng phá hủy hệ sinh thái sinh vật biển và thậm chí ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu. Bản chất của nhựa là khó phân hủy kể cả sau nhiều năm, các sinh vật biển dễ bị nhầm lẫn là thức ăn và nuốt phải dẫn đến nhựa tích tụ trong cơ thể và mô. Điều tai hại hơn là khi các sinh vật trở thành nguồn thực phẩm ô nhiễm được con người tiêu thụ dẫn tới những nguy cơ về sức khỏe.

Dựa trên số liệu thống kê của trang “Our World in Data - OWD”, tổng cộng 8 triệu tấn (tương đương 3% chất thải nhựa toàn cầu) sẽ đổ ra đại dương thông qua nhiều nguồn thải khác nhau mỗi năm. Ở Malaysia, ước tính trung bình mỗi năm con người sử dụng tổng cộng 9 tỷ vật liệu nhựa và một phần lớn trong số đó sẽ đổ ra biển.

Giáo sư Zaidi cũng cho biết, nước đã qua xử lý thải ra biển từ các nhà máy hạt nhân vẫn có một số lượng lớn đồng vị tritium khó tách có thể phá vỡ các hệ sinh thái biển và chuỗi thức ăn dưới đại dương, thậm chí có thể sản sinh chất gây ung thư và qua chuỗi thức ăn dẫn tới nguy cơ tương tự ở người.

Hàng năm, thế giới có tới 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Riêng Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra 1,8 triệu tấn, phần lớn là túi nylon. Trung bình mỗi gia đình nước ta sử dụng khoảng 1 kg túi nylon mỗi tháng và hơn 80% số đó thải ra sau khi dùng một lần.

TS ( từ TTXVN, vtv.vn, moitruong.net.vn)

Có thể bạn quan tâm