Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại Diễn đàn Bác Ngao. Ảnh: Reuters |
Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc càng lớn khi nước này đề xuất giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của thế giới như giải pháp chấm dứt xung đột Nga- Ucraine, an ninh lương thực châu Phi, chính trị ở Trung Đông…Đây là lý do ngày càng nhiều lãnh đạo phương Tây và châu Âu có kế hoạch thăm Trung Quốc.
Trong tháng 4 tới, kế hoạch thăm Bắc Kinh có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Đại diện phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell…
Ngày 30/3, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc theo kế hoạch. Ông trở thành nhà lãnh đạo thứ hai của một quốc gia châu Âu đến thăm Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong đại dịch COVID-19, chỉ sau Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Thủ tướng Sanchez tham dự các hội nghị tại Trung Quốc tập trung vào các vấn đề thương mại trong Diễn đàn châu Á Bác Ngao tổ chức trên đảo Hải Nam trước khi tới Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 31/3.
Bộ trưởng phụ trách văn phòng tổng thống Felix Bolanos cho biết “khả năng hòa giải trong cuộc chiến Ukraine” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là lý do chính cho chuyến thăm của Thủ tướng Sanchez.
Bên cạnh Thủ tướng Tây Ban Nha, trong tháng 4, Trung Quốc đón thêm một số lãnh đạo châu Âu, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và nhà ngoại giao hàng đầu EU Josep Borrell, trong đó có nội dung đối thoại chiến lược với Ngoại trưởng Tần Cương trước khi sang Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh các ngoại trưởng G7 vào ngày 16/4.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cố gắng thuyết phục Trung Quốc không cung cấp vũ khí cho Nga, trong bối cảnh lục địa già lo ngại rằng một động thái như vậy có thể châm ngòi cho Chiến tranh Thế giới thứ III.
Giới quan sát chính trị châu Âu tin rằng việc Trung Quốc can thiệp quân sự sẽ vĩnh viễn làm nghiêng cán cân theo hướng có lợi cho Moscow, đồng thời nó cũng có thể dẫn đến một cuộc xung đột rộng lớn hơn liên quan đến Mỹ và NATO. Một số nhà ngoại giao Tây Âu nhận định kỳ vọng về các chuyến thăm khá thấp.
Một số chuyên gia phân tích việc chỉ trích kế hoạch hòa bình giữa Nga- Ucraine của Trung Quốc sẽ đẩy Bắc Kinh đến gần hơn với Moscow.
Vai trò của Trung Quốc trong việc giúp hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia đã khiến nhiều quan chức EU kinh ngạc. Chính vì vậy, một số người muốn thử thách khả năng hòa giải của Bắc Kinh.
Đối với các quốc gia thành viên EU, Ukraine là chủ đề duy nhất mà các nước tìm thấy sự thống nhất khi bàn về Trung Quốc. Tuy nhiên, các nước lại thể hiện quan điểm trái ngược.
Về phần mình, với chuyến thăm của Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Trung Quốc và Tây Ban Nha có mối quan hệ phát triển bền vững, lành mạnh và ổn định. Hai nhà lãnh đạo duy trì tốt liên lạc”.
Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Sanchez diễn ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow vào tuần trước nhằm thúc đẩy kế hoạch hòa bình 12 điểm đối với xung đột Ukraine. Mặc dù một số chính trị gia phương Tây cho không khả thi song Tổng thống Putin nhấn mạnh kế hoạch có thể là cơ sở để chấm dứt xung đột Ukraine khi phương Tây sẵn sàng chấp nhận.
Trong một diễn biến khác, phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao hôm 30/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nói với các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp quốc tế rằng, Trung Quốc có thể trở thành “mỏ neo” cho hòa bình và phát triển của thế giới, sẽ tiếp tục triển khai đổi mới và mở cửa.
“Trong thế giới không chắc chắn này, sự chắc chắn mà Trung Quốc tạo ra là mỏ neo cho hòa bình và phát triển thế giới. Trước đây như vậy và sau này cũng vậy”, ông Lý nhấn mạnh.
TS ( từ TTXVN, NLD,TPO)