Tổng thư ký NATO. Ảnh: Reuters |
Ông Stoltenberg khẳng định việc Phần Lan gia nhập NATO là một bước thắt chặt an ninh cho chính quốc gia này, đồng thời giúp khối quân sự củng cố sức mạnh.
Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia cuối cùng phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Phần Lan - sẽ trao các văn bản chính thức cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào ngày 4/4 tại Brussels. Theo đó, việc kết nạp Phần Lan vào NATO chính thức hoàn tất.
Phần Lan và Thuỵ Điển đã chấm dứt chính sách không liên kết quân sự kéo dài nhiều thập kỷ và quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO năm ngoái và đã được chấp thuận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6/2022.
Đơn xin gia nhập của hai nước phải được toàn bộ 30 nước thành viên NATO phê chuẩn. Trong khi Phần Lan được các nước trong liên minh đồng ý cho gia nhập thì Thụy Điển chưa được Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary ủng hộ. Điều này theo ông Stoltenberg, Thụy Điển “trở nên an toàn hơn” khi Phần Lan là thành viên chính thức của liên minh, và ông sẽ tiếp tục thúc đẩy để Thụy Điển gia nhập NATO.
Ông Stoltenberg cũng nói về khả năng gia nhập NATO của Ukraine – quốc gia đang xung đột với Nga. Tương lai, “Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh”- ông Stoltenberg nói, và rằng “Trọng tâm chính hiện nay là giúp Ukraine chiếm lợi thế trong cuộc chiến với tư cách là quốc gia độc lập, có chủ quyền ở châu Âu”.
Theo CNN, Nga đã nhiều lần phản đối việc Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO. Moscow cho rằng, khối quân sự lớn nhất thế giới do Mỹ lãnh đạo đang ngày càng bành trướng về phía Đông và đe dọa an ninh Nga.
Việc Ukraine theo đuổi gia nhập NATO cũng được cho là một trong các nguyên nhân khiến Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.
TS ( từ TTXVN,nguoiduatin,vn)