Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. (Nguồn: TTXVN) |
Trên mạng xã hội hiện nay, chỉ cần khéo bắt "hot trend," không cần biết đúng sai, thực hư là thông tin đó sẽ được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, miễn là không vi phạm những quy chế cộng đồng của mạng xã hội đó.
Những thông tin kinh tế, liên quan đến doanh nghiệp cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Rất nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nặng về kinh tế bởi những tin đồn, tin sai sự thật từ mạng xã hội. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến có những doanh nghiệp thu mình trước các kênh thông tin, kể cả báo chí chính thống.
Câu hỏi được đặt ra là báo chí chính thống đã làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp trước "sự bủa vây" của tin đồn, tin sai sự thật? Mối quan hệ giữa doanh nghiệp với báo chí còn những rào cản gì cần tháo gỡ?
Nhân dịp 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam xoay quanh chủ đề nói trên.
- Trong rất nhiều nguồn thông tin mà người đọc tiếp cận được từ các trang mạng xã hội, báo chí..., ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí chính thống hiện nay, thưa ông?
Ông Lê Quốc Minh: Theo nghiên cứu mới, tỷ lệ người dùng lên mạng xã hội tìm kiếm thông tin cao hơn tìm kiếm trên báo chí chính thống đặc biệt là các bạn trẻ. Báo chí chính thống như báo in, truyền hình, phát thanh dường như chỉ thu hút người lớn tuổi.
Bên cạnh đó, tình trạng tin giả, tin xấu, độc tràn lan trên mạng xã hội ngày càng phổ biến với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi lo rằng sự phát tán của tin giả sẽ còn diễn ra ở quy mô lớn hơn rất nhiều nên khi người dùng lên mạng xã hội nhiều hơn với mong muốn tìm kiếm thông tin, khả năng rất cao họ sẽ phải trả giá khi vấp phải những tin giả, tin xấu, độc như vậy. Sẽ có người do vô tình hoặc cố ý lan truyền, share, comment những nội dung này và hậu quả là vô cùng nghiêm trọng.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Báo chí chính thống vì thế không thể đứng yên, một mặt cần giành lại niềm tin của độc giả bằng cách đưa thông tin chính thống, chính thức hơn, mặt khác báo chí cũng đã hiện diện trên mạng xã hội nhiều hơn, không chỉ trên Facebook, Youtube mà cả Zalo, Twitter, TikTok...
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng dù có làm mạnh hơn nữa thì báo chí chính thống vẫn chưa đủ mạnh so với luồng thông tin trên khoảng 7 tỷ kênh thông tin trên internet và hàng tỷ thông tin trên mạng xã hội mỗi ngày.
- Ông có cho rằng sự đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn trước những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt sau những tác động của dịch bệnh cũng như biến động phức tạp của kinh tế thế giới hiện nay?
Ông Lê Quốc Minh: Trong lịch sử hoạt động của báo chí, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là quan hệ tương hỗ, 2 bên đều rất cần nhau. Ngay từ khi internet và mạng xã hội chưa phát triển, báo chí vẫn cần đến doanh nghiệp như những nhà quảng cáo, những bên hỗ trợ cho chi phí hoạt động của báo chí. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần báo chí như một kênh truyền thông chính thức đưa thông tin chính xác đến với độc giả.
Đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo nhấn mạnh vai trò cầu nối của báo chí kết nối doanh nghiệp với độc giả, khán, thính giả. Chúng ta cũng thấy nỗ lực này khá hiệu quả trong thời gian vừa qua. Tư duy về mối quan hệ một chiều là doanh nghiệp cần báo chí chứ báo chí chưa chắc cần doanh nghiệp đã thay đổi trong thời gian gần đây.
Sự gắn kết báo chí doanh nghiệp càng cần hơn nữa trong bối cảnh kinh tế báo chí càng ngày càng khó khăn. Báo in ngày càng suy giảm về quảng cáo, ngay cả phát thanh truyền hình, báo điện tử, doanh thu quảng cáo cũng ngày một sụt giảm. Do đó, báo chí hiện cần doanh nghiệp ở những phương thức khác ngoài quảng cáo như các nội dung cần tài trợ, các cách thức kinh doanh trả tiền, thậm chí là làm e-commerce phối hợp giữa báo chí và doanh nghiệp... Đây là những cách thức rất phổ biến hiện nay, cho thấy sự linh hoạt trong phản ứng, phối hợp giữa báo chí và doanh nghiệp để 2 bên có thể hỗ trợ nhiều hơn.
Bên cạnh việc tạo ra nguồn thu và hỗ trợ kinh tế báo chí, sự phối hợp này mang lại những thông tin chính thống, chính thức đến cho độc giả, khán, thính giả. Đó mới là điều quan trọng.
Chúng tôi mong muốn một mối quan hệ minh bạch, cởi mở giữa 2 bên, tránh việc chỉ nêu những vấn đề tốt để báo chí đăng tải thông tin còn giấu những khó khăn đi. Vì càng minh bạch càng cởi mở thì khi gặp khó khăn càng dễ phối hợp với nhau để đưa những thông tin chính xác nhất đến với độc giả. Chúng ta thậm chí còn phối hợp với nhau để cảnh báo những khó khăn doanh nghiệp có thể mắc phải.
Đương nhiên, trong quá trình thông tin nếu không minh bạch cởi mở và phối hợp với nhau thì có khả năng báo chí sẽ đưa tin sai về doanh nghiệp. Những thông tin mang tính chất chính thức như vậy nếu không chính xác sẽ còn tác hại hơn rất nhiều khi lan tỏa. Chúng tôi hy vọng sự kết nối giữa báo chí và doanh nghiệp sẽ ngày càng chặt chẽ hơn nữa.
- Từ góc nhìn của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông thấy báo chí cần gì ở doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay và mối quan hệ đồng hành giữa báo chí với các bộ, ngành và doanh nghiệp cần được duy trì và phát triển ra sao trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Lê Quốc Minh: Không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà cả doanh nghiệp lớn, các bộ, ngành, địa phương, cách thức kết nối với truyền thông vẫn còn nhiều vấn đề. Chúng ta đã có nhiều cuộc tập huấn về người phát ngôn, truyền thông chính sách, nhưng sự thông hiểu về hiệu quả của báo chí, sự hợp tác với báo chí của các cấp bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa thực sự thấu đáo.
Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc không tạo được mối liên kết với báo chí và họ không biết bắt đầu từ đâu là việc rất dễ hiểu. Hội Nhà báo Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có rất nhiều cuộc tọa đàm và mong muốn có bước tiến hơn nữa, xây dựng cơ chế để doanh nghiệp nhỏ đưa thông tin đến báo chí một cách thuận lợi, dễ dàng nhất.
Đại biểu xem các ấn phẩm báo Trung ương và địa phương tại một Hội báo Xuân. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN) |
Ở nước ngoài, có những công ty truyền thông làm việc rất chuyên nghiệp nên nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ và vừa không có bộ phận truyền thông riêng hoàn toàn có thể thông qua đó để đẩy thông cáo báo chí, giới thiệu sản phẩm. Chúng tôi mong muốn các hiệp hội ngành nghề có thể xây dựng hệ thống thông tin để các cơ quan báo chí khi thấy thông tin về một doanh nghiệp nhất định, có thể tìm ra được thông tin cơ bản về doanh nghiệp đó.
Ngoài kênh báo chí, doanh nghiệp có thể chủ động xây dựng website, fanpage để giới thiệu, chủ động thuê công ty truyền thông, KOL (người có sức ảnh hưởng) để thông tin về sản phẩm, doanh nghiệp... Cần phải sử dụng rất nhiều kênh thông tin như vậy mới có thể đưa thông tin chính xác được. Nhưng dẫu sao, báo chí chính thống vẫn là kênh thông tin đáng tin cậy nhất. Thông tin đọc ở đâu đó có thể độc giả chưa tin tưởng nhưng nếu được một cơ quan báo chí chính thống đưa tin, đánh giá thì uy tín sẽ lên rất cao.
Do đó, có thể từng cơ quan báo chí lớn tự xây dựng những cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp nhưng vẫn cần sự chủ động của từng hiệp hội, sở ban ngành, địa phương để tạo nên kênh thông tin chính thống.
Không chỉ xây kênh mà còn cần cập nhật thường xuyên, chỉnh sửa những thay đổi nếu có, sáng tạo hơn từ các phía để đưa thông tin của doanh nghiệp đến báo chí và báo chí hướng dẫn doanh nghiệp cách thức đưa thông tin hiệu quả. Có vậy 2 bên mới giúp đỡ được nhau thay vì thái độ chờ đợi: một bên chờ doanh nghiệp đưa thông tin đến - một bên không biết cách làm sao để tiếp cận với báo chí.
Trong thời buổi thông tin kỹ thuật số phát triển rất mạnh mẽ như hiện nay, không có cách nào khác là phải hợp tác với nhau và tăng tính chủ động từ các phía để thông tin thông suốt và những thông tin chính thống chính thức có thể để với độc giả nhanh nhất, theo con đường thẳng nhất.
- Xin cảm ơn ông!