Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Phấn đấu đưa Kbang thành huyện nông thôn mới vào năm 2020

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai tại buổi làm việc ngày 5-3 của Thường trực Tỉnh ủy với Thường trực Huyện ủy Kbang về tình hình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện.
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Đặng Phan Chung-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Mới có 3/13 xã đạt chuẩn NTM
Báo cáo với đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy, ông Võ Văn Phán-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Kbang là một trong 5 huyện trên cả nước được Trung ương chọn làm điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, là một trong những địa phương đặc biệt khó khăn của tỉnh nên khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Kbang đã gặp nhiều khó khăn như: tỷ lệ hộ nghèo chiếm 29,5%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 19,8 triệu đồng/năm… Vì vậy, đến cuối năm 2015, huyện chỉ có 1 xã đạt chuẩn NTM (Đak Hlơ), không hoàn thành chỉ tiêu Trung ương giao.
Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Thường trực Huyện ủy Kbang. Ảnh: Q.T
Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Thường trực Huyện ủy Kbang. Ảnh: Q.T
Trong giai đoạn 2016-2020, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cùng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, chương trình xây dựng NTM ở huyện Kbang đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 11,85% (giảm 17,65% so với giai đoạn 2011-2015); thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng… Đến nay, huyện đã có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM (xã Đông và Nghĩa An); số tiêu chí đạt bình quân là 13,3 tiêu chí/xã; không có xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Tuy nhiên, để Kbang trở thành huyện NTM vào cuối năm 2020 thì bên cạnh sự đồng lòng, chung tay của người dân còn đòi hỏi các cấp, các ngành, chính quyền địa phương phải nỗ lực hơn nữa. Bởi hiện vẫn còn nhiều tiêu chí, nhiều địa phương đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong thực hiện. Cụ thể, huyện đang rất khó khăn trong thực hiện tiêu chí nhà ở bởi hiện còn đến 760 hộ gia đình có nhà tạm bợ. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học… chưa được đầu tư đồng bộ do thiếu nguồn kinh phí. Toàn huyện còn 3.832/17.354 hộ gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, trong đó phần lớn là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề vệ sinh môi trường, chậm thay đổi tập quán sinh hoạt… Đặc biệt, xã Đak Rong (hiện đạt 9 tiêu chí) và Krong (đạt 10 tiêu chí) là 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện, rất khó có khả năng đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2020 nếu không có giải pháp thực hiện cụ thể.
Theo ông Trương Văn Đạt-Bí thư Huyện ủy Kbang: Mía hiện là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Kbang. Tuy nhiên, 2 vụ vừa rồi, người trồng mía gặp khó khăn, thậm chí nợ nần do giá mía xuống thấp. Vì vậy, mục tiêu nâng thu nhập bình quân đầu người đạt từ 41 triệu đồng/năm trở lên (tiêu chí NTM về thu nhập giai đoạn 2016-2020) là khó đạt được. Do đó, đề nghị tỉnh và các sở, ngành làm việc với Nhà máy Đường An Khê để đánh giá lại vùng nguyên liệu mía tại huyện Kbang nói riêng và khu vực phía Đông nói chung về diện tích, việc thu mua, giá cả, chữ đường, cơ chế chính sách đầu tư… nhằm có hướng giải quyết khó khăn cho người trồng mía. Bên cạnh đó, Kbang là địa phương có lợi thế phát triển cây dược liệu, tỉnh cũng xác định đây là vùng trọng điểm để thực hiện. Do đó, tỉnh cần có quy hoạch, chính sách hỗ trợ cũng như có cơ chế cụ thể để người dân phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của huyện…
Nhiều giải pháp hỗ trợ huyện "về đích
Thảo luận tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ huyện Kbang trong thời gian tới, phấn đấu đưa Kbang trở thành huyện NTM vào cuối năm 2020. Ông Hồ Văn Điềm-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho rằng: Kbang là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số khá lớn, trình độ dân trí thấp nên nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Phần lớn người dân địa phương còn sống phụ thuộc vào rừng, phương thức sản xuất lạc hậu nên thu nhập chưa cao, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Do đó, để giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn phải vào cuộc quyết liệt nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Đồng thời, huyện cần nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, dựa vào đặc điểm, tình hình của từng vùng để có những định hướng cụ thể trong công tác tuyên truyền, vận động cũng như đề ra những chính sách hỗ trợ hợp lý... Từ đó, lựa chọn những chương trình, dự án, mô hình phù hợp nhằm giúp bà con phát triển kinh tế gia đình hiệu quả nhất.
Đồng quan điểm, ông Văn Phú Bộ-Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh-cũng cho rằng: Huyện Kbang cần tính toán hết sức cụ thể để có giải pháp hỗ trợ thiết thực cho người dân phát triển sản xuất, tiến tới nâng cao thu nhập cũng như giảm tỷ lệ hộ nghèo. Bên cạnh đó, huyện cần quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan môi trường ở khu dân cư; tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân về việc phấn đấu đưa Kbang trở thành huyện NTM bởi người dân là chủ thể trong xây dựng NTM. Đồng thời, huyện cần tiến hành rà soát lại từng tiêu chí, từ đó xác định được nguồn lực thực hiện và phân công công việc cụ thể cho các địa phương, tổ chức, đoàn thể phụ trách và định kỳ đánh giá kết quả những mặt đạt được, không đạt được để có những giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời…
Một góc trung tâm huyện Kbang. Ảnh: internet
Một góc trung tâm huyện Kbang. Ảnh: internet
Để giải quyết vấn đề người dân thiếu nhà tiêu hợp vệ sinh, ông Nguyễn Hoàng Phong-Bí thư Tỉnh Đoàn đề xuất, lực lượng đoàn viên, thanh niên tỉnh sẽ chịu trách nhiệm phối hợp xây dựng nhà tiêu cho các hộ dân bằng cách hỗ trợ ngày công. Đồng thời, Đoàn Thanh niên sẽ chủ động liên hệ, hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kbang đi làm việc ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh hoặc đi xuất khẩu lao động nhằm tăng thu nhập. Ngoài ra, Tỉnh Đoàn sẽ đảm nhận công tác tuyên truyền, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên, người nghèo trên địa bàn huyện, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nguồn vốn vay giảm nghèo có hiệu quả.
Qua kiểm tra thực tế tại xã Đak Rong ngày 4-3 và nghe báo cáo của huyện, ý kiến thảo luận của các sở, ngành trong buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang biểu dương Đảng bộ và nhân dân huyện Kbang mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có những cố gắng trong xây dựng NTM. Đồng thời, đề nghị tỉnh, huyện Kbang trong thời gian tới cần tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, phấn đấu đến cuối năm 2020 huyện Kbang cơ bản trở thành huyện NTM. Để làm được điều này, huyện cần khẩn trương xây dựng thêm đề án, kế hoạch đạt chuẩn NTM trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện. Cả hệ thống chính trị tỉnh, huyện, xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân tự nguyện tham gia xây dựng NTM từ làng, xã đến huyện.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cũng giao nhiệm vụ cho huyện Kbang lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn người dân biết cách làm ăn, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích; tuyên truyền cho người dân biết cách sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo có hiệu quả, làm sao để 100% hộ nghèo trên địa bàn được sử dụng vốn vay trong năm 2019. Huyện cũng phải nhanh chóng lãnh đạo, chỉ đạo nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao như trồng rừng, cây mắc ca, cây dược liệu, trồng dâu nuôi tằm… để tăng thu nhập của người dân. Ngoài ra, huyện Kbang cần có cơ chế chính sách mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực như chế biến nông sản, dược liệu cũng như phát triển du lịch… Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành cần rà soát lại diện tích đất quy hoạch vùng mía nguyên liệu cho Nhà máy Đường An Khê, những diện tích không phù hợp thì chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Huyện cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục về công tác quản lý, bảo vệ rừng, không để mất thêm rừng… Qua đây, Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương bố trí kinh phí năm 2019 đã được phân bổ và lập dự trù xin ứng kinh phí của năm 2020 để huyện Kbang triển khai thực hiện. Riêng kinh phí xây dựng NTM của huyện Kbang sẽ tiếp tục được thảo luận vào cuối năm 2019 để có những điều chỉnh phù hợp, tạo thuận lợi cho huyện trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM…
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm