(GLO)- Chiều 6-10, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết công tác 9 tháng và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2020. Đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan.
Đồng chí Hà Ngọc Chiến-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (thứ 3 từ trái sang) tham quan vườn ươm chanh dây của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang). Ảnh: Đức Thụy |
Thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành thông tin: Trong 9 tháng qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm như: tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội… vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng-chống dịch Covid-19 hiệu quả. Đặc biệt, vừa qua, Đảng bộ tỉnh đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025).
“Sau Đại hội, với đội ngũ nhân sự mới đủ tâm, đủ tầm, có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chúng ta vui mừng vì đã có một nguồn năng lượng mới để có thêm quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm 2020 cũng như của nhiệm kỳ mới”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Dung |
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, 9 tháng qua, tình hình kinh tế-xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Về lĩnh vực nông nghiệp, nhìn chung, diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng hầu hết các loại cây trồng đều đạt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ năm 2019. Tổng diện tích gieo trồng 9 tháng ước đạt 545.307 ha, đạt 101,7% kế hoạch.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho biết: Trong 9 tháng, toàn tỉnh đã tái canh 2.005 ha cà phê (đạt 80,7% kế hoạch); 6/17 huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện chuyển đổi 585,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao (đạt 234,2% kế hoạch); trồng mới hơn 2.724 ha rừng (đạt 54,5% kế hoạch). Đối với 27 xã đăng ký hoàn thành nông thôn mới hiện đã đạt bình quân 15,37 tiêu chí/xã; đã hoàn thiện hồ sơ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của thị xã An Khê và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Chính phủ xét, công nhận thị xã Ayun Pa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...
Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) trong 9 tháng ước đạt 15.337 tỷ đồng (bằng 66,92% kế hoạch, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2019). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng ước đạt 50.655 tỷ đồng (bằng 63,32% kế hoạch, tăng 1,91% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong 9 tháng, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 3.121,7 tỷ đồng (bằng 68,31% dự toán Trung ương giao, bằng 60,03% dự toán HĐND tỉnh giao)...
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh 9 tháng ước thực hiện 19.888 tỷ đồng (đạt 66,32% kế hoạch, tăng 10,29% so với cùng kỳ năm 2019). Tính đến ngày 30-9, khối lượng đầu tư công thực hiện đạt trên 2.466 tỷ đồng (bằng 68,1% kế hoạch).
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Dung |
Trong 9 tháng qua, các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm, phát triển; chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo được đảm bảo. Công tác cải cách hành chính được quan tâm; các vấn đề bức xúc xã hội được tập trung xử lý; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Công tác đối ngoại được tăng cường. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tập trung đẩy mạnh thu ngân sách
Tại hội nghị, lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đặt ra trong năm 2020. Bàn về giải pháp đẩy mạnh thu ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng chỉ rõ: Thu ngân sách trên địa bàn 9 tháng giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh các đơn vị, địa phương thu đạt và vượt kế hoạch thì vẫn còn 7 địa phương, đơn vị thu chưa đạt tiến độ như: An Khê, Chư Păh, Chư Pưh, Đak Đoa, Văn phòng Cục Thuế tỉnh…
“Để cải thiện mức thu, Sở Tài chính và các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách những tháng cuối năm 2020; rà soát, cập nhật thường xuyên, kịp thời tình hình hoạt động, đóng thuế của doanh nghiệp; bám sát nhiệm vụ thu để khai thác các nguồn thu trên từng địa bàn, từng khoản thu nhằm bù đắp các khoản giảm thu do ảnh hưởng dịch bệnh; tập trung xử lý nợ đọng thuế. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan để quản lý nguồn thu từ các dự án điện gió, điện mặt trời mái nhà…”-ông Dũng nêu giải pháp.
Cũng chung quyết tâm, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế cho hay: “3 tháng cuối năm, TP. Pleiku quyết tâm đẩy mạnh các giải pháp để thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch tỉnh giao. Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid-19. Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh tốc độ hoàn thiện các dự án khu đô thị để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố nói riêng và của tỉnh nói chung”.
Phát triển sản xuất nông nghiệp cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tại hội nghị. Ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-thông tin: “Bên cạnh việc hỗ trợ người dân phục hồi đàn heo sau dịch tả heo châu Phi, huyện Mang Yang đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất quy mô tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Phát triển ổn định các loại cây trồng như chanh dây, dứa, chuối… nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy đứng chân trên địa bàn”.
Để sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định và có bước tăng trưởng trong 3 tháng còn lại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho rằng: Sở sẽ cùng các địa phương tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; chuyển đổi giống cây trồng phù hợp, nhất là ở các vùng xảy ra hạn hán, thiếu nước; có giải pháp căn cơ xử lý các loại giống cây trồng thường xuyên bị dịch bệnh như mì, mía… Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nông-lâm nghiệp công nghệ cao để tạo cơ hội, điều kiện phát triển.
Hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh trong 9 tháng qua cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và dịch bạch hầu. Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Đức Hoàng cho biết, 9 tháng qua, có 436.500 lượt khách du lịch đến tỉnh (đạt 45% kế hoạch, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019); doanh thu du lịch ước đạt 245 tỷ đồng (giảm 33%).
Ông Hoàng nêu giải pháp: “Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm các quy định phòng-chống dịch Covid-19, dịch bạch hầu, chúng tôi sẽ cùng các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị; quản lý tốt các hoạt động tổ chức lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, thể thao; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc... Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chương trình kích cầu du lịch Gia Lai”.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Trần Dung |
Sau khi chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ 9 tháng qua, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu từng ngành, từng cấp, đơn vị phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; chủ động công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ; tập trung triển khai quyết liệt công tác thu ngân sách, tiết kiệm các khoản chi không thật sự cần thiết.
“Tỉnh xác định nông nghiệp vẫn là ngành chủ đạo, bởi vậy phải triển khai quyết liệt công tác phòng-chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; khẩn trương hoàn thành các đề án, chương trình lớn về bảo tồn và phát triển cây dược liệu, phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả, xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao. Song song với đó, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa vào hoạt động các dự án năng lượng tái tạo, các nhà máy chế biến; hướng dẫn, hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm 2020 và những năm tiếp theo”-Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cũng đề nghị các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công; nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát và đề xuất cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của các dự án chậm giải ngân, các dự án không có nhu cầu vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư.
“Dự lường được những khó khăn khi chỉ còn 3 tháng là kết thúc năm 2020, tôi đề nghị các sở, ngành, địa phương đề ra các giải pháp cụ thể và quyết liệt để tiếp tục tập trung phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020”-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh.
TRẦN DUNG