Phát động hiến tặng mô, tạng "Chung tay vì sự sống"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngày 2-10, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã tổ chức phát động chương trình “Chung tay vì sự sống” nhằm tôn vinh những người hiến tặng, kêu gọi sự chung tay góp sức, sẻ chia sự sống của cộng đồng xã hội, nhằm giúp đỡ những bệnh nhân suy tạng trong cả nước.
 

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nhu cầu ghép mô, tạng hiện nay ở Việt Nam là rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 6.000 người bị suy thận mãn đang cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người bị mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc; hàng trăm người đang chờ được ghép tim, phổi. Nhiều bệnh nhân đã phải chết trong thời gian chờ ghép trong khi nguồn mô, tạng từ hàng chục ngàn ca chết não, chết ngưng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh là một sự lãng phí lớn…

Xuất phát từ nỗi khát khao cuộc sống, niềm hy vọng mà hàng chục ngàn bệnh nhân suy tạng, mù giác mạc và sự nhân ái, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế; các tầng lớp, giới chức xã hội, các tổ chức, cá nhân trong cả nước hãy hưởng ứng và tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời để cứu giúp những bệnh nhân đang trông chờ nhận được món quà của sự sống.

Theo Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), tính đến tháng 6-2016, Việt Nam đã thực hiện được 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim, 8 ca ghép tủy, 1 ca ghép khối thận - tụy và 1 ca ghép khối tim - phổi. Hiện ngành Y tế có 16 cơ sở ghép tạng được cấp ghép hoạt động, có trang thiết bị hiện đại, trình độ đã tiếp cận được với quốc tế.

Theo dự thảo về tổ chức hoạt động và giá dịch vụ khám-chữa bệnh theo yêu cầu do Bộ Y tế vừa công bố để lấy ý kiến, mỗi bác sĩ không được khám quá 35 người bệnh trong một ngày làm việc 8 tiếng. Phòng điều trị không được kê quá 4 giường và đủ diện tích theo quy định, đồng thời đảm bảo nhân lực và các trang thiết bị y tế kèm theo. Quy định này nhằm giảm thời gian và lưu lượng người chờ khám bệnh tại khoa khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định các bệnh viện được tự quyết định mức giá khám chữa bệnh theo yêu cầu với các yếu tố cấu thành gồm: chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý, khấu hao, tích lũy mở rộng phát triển kỹ thuật. Riêng giá khám bệnh, ngày giường không được vượt quá mức giá tối đa do Bộ Y tế quy định. Cụ thể, giá trần khám bệnh theo yêu cầu được áp dụng theo các mức sau: tại Hà Nội và TP. HCM 200.000 đồng; tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ là 150.000 đồng và các tỉnh thành còn lại 100.000 đồng. Tương tự, giá ngày giường cũng dao động trong khoảng từ 300.000 đồng đến 2,4 triệu đồng theo 3 nhóm địa phương trên và theo số giường bệnh trong một phòng. Dự thảo cũng đề xuất, không để người bệnh nằm ghép, đảm bảo đủ số giường cho người không sử dụng phòng điều trị theo yêu cầu. Trường hợp bệnh viện đã kê thêm giường bệnh nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho người bệnh BHYT và luôn có từ trên 10% số giường bệnh phải nằm ghép 2, không được tổ chức các buồng bệnh theo yêu cầu tại các khoa điều trị hiện có.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm