Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 21-11, UBND tỉnh Gia Lai  tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) và phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh; Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Dự hội nghị có đồng chí Trần Nhật Lam-Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương.
Những kết quả ấn tượng
Qua 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh ta đã đạt được nhìều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Theo ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo trước hội nghị, đến nay, Gia Lai đã đạt bình quân 12,8 tiêu chí/xã, có 58/184 xã đạt chuẩn NTM, 2 đơn vị cấp huyện có 100% xã đạt chuẩn NTM là TP. Pleiku và thị xã An Khê. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng NTM được hơn 32.699 tỷ đồng (28,65% vốn huy động để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn; 52,2% vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thực hiện các mô hình sản xuất theo chuỗi, đổi mới tổ chức sản xuất, phát triển hợp tác xã, phát triển ngành nghề nông thôn; 19,15% vốn hỗ trợ phát triển giáo dục nông thôn, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa người dân nông thôn, giữ vững an ninh quốc phòng). Huy động được hơn 1,1 triệu ngày công và người dân hiến hơn 816.445 m2 đất để xây dựng NTM. Kiên cố hóa 8.535 km đường trục xã, trục thôn, làng, ngõ xóm, nội đồng; kiên cố hóa 401 km kênh mương và xây mới, cải tạo 167 công trình thủy lợi; nâng cấp, xây mới 729 trường, điểm trường các cấp; xây mới, nâng cấp 43 chợ, 135.508 nhà ở và xóa được 3.208 nhà tạm, nhà dột nát. Có 77 xã có thu nhập trên 35 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 12,89%... 
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 bìa trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (thứ 2 bìa phải) xem sản phẩm OCOP của HTX Mật ong Phương Di (huyện Ia Grai) trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Lê Nam
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 bìa trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (thứ 2 bìa phải) xem sản phẩm OCOP của HTX Mật ong Phương Di (huyện Ia Grai) trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Lê Nam
Đặc biệt, nét nổi bật trong chương trình xây dựng NTM ở Gia Lai đó là đầu năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, đến nay, toàn tỉnh có 14 làng đạt chuẩn NTM thuộc 10 huyện, thị xã. Tổng kinh phí các địa phương đã huy động để triển khai thực hiện xây dựng làng NTM là 70,5 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ có thêm 69 thôn, làng đạt chuẩn NTM...
“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng còn một số khó khăn, đó là xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí hạn chế, còn nhiều tập quán lạc hậu. Nhu cầu kinh phí để xây dựng NTM là rất lớn trong khi nguồn ngân sách hỗ trợ còn hạn hẹp. Sự đóng góp của doanh nghiệp cho xây dựng NTM chỉ chiếm 3,1% trong tổng số cơ cấu nguồn lực chương trình. Ngoài ra, còn 67,4% số xã chưa đạt chuẩn NTM, đây là những xã còn nhiều khó khăn và khó đạt chuẩn; còn 28.506 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 89,6% hộ nghèo khu vực nông thôn)…”-ông Trương Phước Anh nói.
 Phát huy vai trò chủ thể của người dân
Chia sẽ những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng NTM, ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: Với xuất phát điểm là một huyện khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo hơn 51,8%, thu nhập bình quân chỉ đạt 10,8 triệu đồng/người/năm, việc huy động sự đóng góp của doanh nghiệp là rất hạn chế, sản xuất nông nghiệp chịu nhiều tác động của thiên nhiên…“Song, nhờ có quyết tâm cao, có kế hoạch cụ thể, chủ động, sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và phát huy vai trò chủ thể của người dân đó là yếu tố quyết định đến sự thành công của chương trình. Huyện đã đẩy mạnh lồng ghép các chương trình, dự án và lựa chọn những tiêu chí dễ, ít kinh phí để làm trước. Đến nay, huyện đã có 3 xã đạt chuẩn NTM và phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM cấp huyện”-Chủ tịch UBND huyện Kbang chia sẻ.
Cùng chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP.Pleiku cho hay: Năm 2018, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Có được kết quả đó, ngoài sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp còn phải phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư với tinh thần người dân phải là chủ. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, theo cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”, huy động để xây dựng theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách là cần thiết”… 
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Lê Nam
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Lê Nam
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung xác định rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn. Đối với các cấp ủy, các đoàn thể chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở phải xác định rõ về trách nhiệm của từng tổ chức, từng nội dung nhiệm vụ phải thực hiện, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy phong trào xây dựng NTM. Đối với chính quyền cơ sở phải nắm chắc tình hình sản xuất và đời sống người dân để thực hiện tốt công tác định hướng, hướng dẫn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, nhận thức đúng và đẩy đủ về trách nhiệm vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM.
Xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng
10 năm qua, tỉnh ta đã nỗ lực rất lớn, quyết tâm cao và đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Song, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cũng nhấn mạnh: Kết quả 10 năm chỉ là bước đầu, do đó các địa phương không được chủ quan, phải nhất quán quan điểm xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Giai đoạn 2021-2025, chúng ta phấn đấu ít nhất mỗi xã phải có 1 sản phẩm OCOP. Tiếp tục nhân rộng các phong trào trong xây dựng NTM và phải có chiều sâu. Đối với các xã đã “về đích” không được bằng lòng, thỏa mãn, chủ quan mà phải phấn đấu quyết liệt hơn để xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. “Xây dựng NTM là sự nghiệp lâu dài, thường xuyên, liên tục, không có điểm kết thúc và luôn luôn phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng từng bước hiện đại, nông dân tiến tới khá giả, giàu có, nông thôn văn minh. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế nhất định đòi hỏi cần có định hướng đúng đắn, giải pháp đồng bộ, sát thực tế để thời gian tới có thể hoàn thành và vượt kế hoạch đã đề ra”-Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Nhật Lam-Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương cho biết: Trung ương đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Gia Lai đã đạt được. Tuy nhiên, địa phương vẫn phải tiếp tục tập trung chỉ đạo các cấp, ngành để sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2020; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương để nâng cao thu nhập cho người dân; triển khai hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình OCOP. Đặc biệt, cần tập trung rà soát lại hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ để đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với giai đoạn tiếp theo.  
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị và phát động phong trào thi đua Gia Lai chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Lê Nam
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị và phát động phong trào thi đua Gia Lai chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Lê Nam
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Gia Lai phấn đấu có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM (Chư Sê, Chư Pưh), thêm 40 xã đạt chuẩn NTM; có ít nhất 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 80% số thôn, làng đạt chuẩn NTM; bình quân đạt 17 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. “Ở giai đoạn này, tỉnh ta tiếp tục coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là mục tiêu phát triển, triển khai nhiệm vụ xây dựng NTM. Xây dựng NTM không phải chỉ làm từ xã mà phải từ thôn, làng, hộ gia đình. Tiếp tục phát huy mô hình quân đội chung tay xây dựng NTM. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đẩy mạnh phát huy vai trò chủ thể của người dân và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho xây dựng NTM”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.  
Cũng trong đị này, Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 2 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM. Đồng thời, công bố quyết định tặng cờ thi đua của UBND tỉnh cho 8 tập thể; tặng Bằng khen cho 41 tập thể, 77 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020.
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm