Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: Cần cảnh giác với biến chủng mới Omicron

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiều 31-12, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai tổ chức họp Thường trực Ban Chỉ đạo để triển khai công tác phòng-chống dịch Covid-19. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì cuộc họp.

Tham gia cuộc họp có lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị, các Tổ truyền thông, Tổ chuyên môn giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh. Cuộc họp nhằm báo cáo chốt số liệu tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; rà soát quán triệt triển khai các nhiệm vụ phòng-chống dịch; việc triển khai phương án quản lý F1, F0; công tác phân tầng điều trị; đánh giá lại công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, số ca bệnh ở các tầng; số bệnh nhân điều trị Molnupiravir; đồng thời đề xuất tháo gỡ khó khăn khi dừng thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Quang cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo tỉnh chiều 31-12. Ảnh: Như Nguyện
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện


Ghi nhận trên 7.600 ca mắc Covid-19

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tỉnh, tính từ ngày 26-4-2021 đến chiều 31-12-2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 7.634 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; đã có 18 ca tử vong. Riêng số trường hợp đi từ vùng dịch về từ ngày 1-10 đến ngày 31-12-2021 phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 là 1.694 ca (1.558 ca dương tính mới và 136 ca tái dương tính). Ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế-thông tin: Đến chiều 31-12-2021, toàn tỉnh có 1.662 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đang điều trị tại 2 Bệnh viện dã chiến và 10 Bệnh viện điều trị Covid-19 của tỉnh. Trong đó, 1.628 là bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng, chiếm 97,95%; có 28 bệnh nhân trung bình, chiếm 1,68% và 6 bệnh nhân nặng, nguy kịch cần thở oxy, chiếm 0,36% (2 bệnh nhân thở oxy marsk, gọng kính, 4 bệnh nhân thở máy không xâm lấn). Đến thời điểm báo cáo đã có 661 bệnh nhân điều trị thuốc kháng vi rút SARS-CoV-2 (Molnupiravir).

Theo ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tổng số vắc xin đã nhận 1.707.612 liều/1.385.058 liều theo kế hoạch phân bổ vắc xin năm 2021. Tỉnh đã triển khai tiêm cho 1.807.205 người, trong đó: tiêm mũi 1 là 933.992 người, đạt 96,93%; mũi 2: 787.619 người, đạt 81,74%; mũi 3: 85.594 người đạt 3,82%. Các đơn vị y tế đang tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Đến thời điểm báo cáo tổng số vắc xin (Pfizer) triển khai tiêm cho trẻ em đã nhận 127.530 liều/174.730 trẻ, tỷ lệ 72,99%. Tổng số trẻ em từ 12-17 tuổi đã tiêm vắc xin 204.877; trong đó, mũi 1: 151.019 trẻ, tỷ lệ 90,72%; tiêm vắc xin mũi 2: 53.858 trẻ, tỷ lệ 32,35%.

Về cấp độ dịch, toàn tỉnh cấp độ 2 (mức nguy cơ trung bình). Cấp huyện có 8/17 huyện, thị xã cấp độ 1 (mức bình thường mới); 9/17 huyện: cấp độ 2. Cấp xã, phường, thị trấn: có 175/220 xã, phường, thị trấn cấp độ 1 (mức bình thường mới); có 35/220 xã, phường, thị trấn cấp độ 2; 9/220 xã, phường, thị trấn cấp độ 3 (mức nguy cơ cao) và có 1/220 xã, phường, thị trấn cấp độ 4 (mức nguy cơ rất cao) là xã Ia Rong (huyện Chư Pưh).

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Tuấn, khó khăn hiện nay là theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc “thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền ăn ở tại các cơ sở điều trị Covid-19, mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, quy định này sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12-2021. Hiện nay, nhiều bệnh nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn nếu không được hỗ trợ thì rất khó trong việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân; vì vậy cần quan tâm, tính toán sao cho hợp lý.

Khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện


Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, đơn vị đã có ý kiến đề xuất về công tác phòng-chống dịch trong thời gian tới. Trong đó, các ý kiến tập trung thảo luận về vấn đề tiêm vắc xin phòng Covid-19 một số địa phương quá thấp như huyện Ia Pa, Ia Grai… cần xem xét tháo gỡ nhanh; đề xuất việc cho thí điểm cách ly, quản lý F0 tại nhà; thành lập các Trạm Y tế lưu động quản lý, điều trị F0 tại nhà; mua sắm trang-thiết bị, vật tư, hóa chất phòng-chống dịch; một số kiến nghị duy trì hỗ trợ tiền ăn tại các cơ sở điều trị Covid-19 thêm một thời gian; vấn đề cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia về…

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Đối với công tác tiêm chủng, hiện có 2 địa phương đạt tỷ lệ dưới 70% là huyện Ia Pa và Ia Grai, chưa đạt được miễn dịch cộng đồng. Do vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Thông tin và Truyền thông rà soát nhập liệu; giao Công an tỉnh rà soát toàn bộ việc cấp mã định danh và nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc trong việc này. Đối với Sở Y tế, thành lập đoàn công tác trực tiếp xuống 2 huyện làm việc cụ thể, tháo gỡ khó khăn và rà soát 5 địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp hỗ trợ, hướng dẫn khẩn cấp, tiêm chủng kịp thời và có báo cáo về Ban Chỉ đạo tỉnh trong ngày 4-1-2022 về vấn đề vì sao tiêm chủng không đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh làm văn bản phê bình 2 địa phương có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp là huyện Ia Pa và Ia Grai, yêu cầu Chủ tịch UBND 2 huyện có báo cáo giải trình vấn đề này. Bên cạnh đó, công tác tiêm chủng cần tiếp tục khẩn trương triển khai đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, đảm bảo đến tháng 1-2022, hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm bổ sung xong mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên trong quý 1-2022. Các địa phương chủ động tham mưu, báo cáo đề xuất, nếu thiếu bơm kim tiêm trong triển khai tiêm chủng để mua kịp thời phục vụ công tác tiêm chủng.

Sở Y tế rà soát, báo cáo việc tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng trì hoãn tiêm chủng và lên phương án bảo vệ cho các đối tượng thuộc diện chống chỉ định tiêm chủng. Bên cạnh đó, ngành Y tế rà soát, đối chiếu toàn bộ nhu cầu vắc xin cho mũi 3 cũng như kế hoạch tiêm vắc xin năm 2022, 2023 theo chỉ đạo của Bộ Y tế; trong đó, cần làm rõ trách nhiệm nếu phải điều chuyển vắc xin.

Về ngừng hỗ trợ tiền ăn tại các cơ sở điều trị Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh thống nhất thực hiện đồng bộ Nghị quyết số 68 là dừng hỗ trợ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch giao Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện có điều trị F0, điều trị F1 rà soát và thực hiện chế độ hỗ trợ tạm thời đối với người nghèo, cận nghèo, thực sự có hoàn cảnh khó khăn có xác nhận của chính quyền địa phương và các đối tượng chính sách nếu có… từ nguồn xã hội hóa. Còn lại, các cấp, ngành tuyên truyền vận động để người dân chia sẻ cùng với tỉnh trong việc thực hiện theo đúng quy định. Các địa phương tiếp tục vận động nguồn lực hỗ trợ cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế để được chia sẻ chi phí trong điều trị Covid-19.

 

 Ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh báo cáo công tác tiêm chủng. Ảnh: Như Nguyện
Ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh báo cáo tình hình công tác tiêm chủng. Ảnh: Như Nguyện


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch giao Sở Y tế thay mặt Ban Chỉ đạo tỉnh ký hướng dẫn xác định F1, F0 và công tác xét nghiệm, sử dụng test nhanh trong xét nghiệm. Sở Y tế cụ thể hóa việc triển khai phương án mà tỉnh đã phê duyệt về việc cách ly, điều trị F0 tại nhà ở những nơi có điều kiện. Bên cạnh đó, Sở Y tế hướng dẫn triển khai các đội y tế lưu động ứng phó với các tình huống khẩn cấp và hướng dẫn về đường dây nóng cũng như phân tầng chuyển tuyến từ nhà F0 đến cơ sở y tế; báo cáo và trình UBND tỉnh trước ngày 10-1-2022. Sở Y tế xây dựng, thiết lập đường dây nóng, hê thống phản ứng nhanh, thiết lập phân tầng chuyển tuyến…, tránh tình trạng khi bệnh nhân chuyển nặng không biết chuyển đi đâu. Ngoài ra, Sở Y tế đánh giá lại phân tầng điều trị tại các bệnh viện hiện nay, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, trang-thiết bị máy móc, chủ động tham mưu xây dựng kinh phí chống dịch, mua sắm trang-thiết bị, hóa chất đảm bảo cho công tác chống dịch… Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Y tế có báo cáo đầy đủ về tình hình bệnh nhân Covid-19 thời gian qua để có cơ sở khoa học thực tiễn, từ đó tham vấn, khuyến cáo sâu về mặt chuyên môn cho toàn ngành Y tế.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cần chuẩn bị khu cách ly cho người nước ngoài nhập cảnh; chủ động nắm bắt tình hình ngoại biên để có thông tin kịp thời, chủ động cách ly người nhập cảnh về. Đối với lực lượng bộ đội Biên phòng tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép. Những bệnh nhân nhập cảnh về dương tính thì gửi mẫu cho Viện Pasteur Nha Trang để làm giải trình tự gen nhằm phát hiện biến chủng mới Omicron nếu có để có phương án xử lý kịp thời và luôn thường xuyên cảnh giác với biến chủng mới này... Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Y tế làm văn bản đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn thống nhất về việc ứng xử với những người nhập cảnh từ các quốc gia có ca mắc Omicron.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Hiện đã có tâm lý chủ quan, mất cảnh giác của một bộ phận người dân, vì vậy yêu cầu các cấp, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hạn chế tập trung đông người tránh tình trạng bùng dịch sau lễ. Các cấp, ngành liên quan khẩn trương cấp tiền hỗ trợ của Ban Chỉ đạo tỉnh để động viên kịp thời cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, không để thiếu vật tư, hóa chất, thiết bị phòng-chống dịch và khẩn trương tiêm mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

 

NHƯ NGUYỆN
 

Có thể bạn quan tâm