Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: Cần quản lý chặt người cách ly tại nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 1-9, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai tổ chức họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn để triển khai một số công tác phòng-chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì cuộc họp tại điểm cầu UBND tỉnh.

 Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Như Nguyện



2/6 chùm ca bệnh chưa xác định được nguồn lây

Báo cáo tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế-thông tin: Từ ngày 28-5 đến chiều 1-9, toàn tỉnh ghi nhận 472 ca nhiễm SARS-CoV-2; trong đó có 192 trường hợp đã xuất viện theo đúng quy định. Trong số các ca mắc có 8 ca dương tính sau cách ly tập trung; 13 ca là cán bộ, lực lượng làm nhiệm vụ. Trong số bệnh nhân xuất viện từ 28-5 đến 1-9, ghi nhận 25 trường hợp tái dương tính. Về các ổ dịch trong cộng đồng đã cơ bản khoanh vùng, phong tỏa kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trong diện rộng.

Công tác phòng-chống dịch thời gian qua trên địa bàn tỉnh liên quan đến 6 chùm ca bệnh. 4 chùm ca bệnh đã xác định được nguồn lây và cơ bản đã được kiểm soát gồm: Chùm ca bệnh thứ nhất liên quan chạy thận nhân tạo phát hiện ngày 20-8 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nguồn lây về từ tỉnh Bình Định. Qua đó ghi nhận có 8 ca bệnh, ngày phát hiện gần nhất 27-8. Chùm ca bệnh thứ 2 liên quan xe chở rau của Đà Nẵng, phát hiện ngày 22-8 tại cộng đồng, đã phát hiện 9 ca bệnh. Chùm ca bệnh thứ 3 liên quan đến Phòng khám Đa khoa Bình An, phát hiện ngày 26-8, nguồn lây là lái xe đường dài, có 1 ca bệnh. Chùm ca bệnh thứ 4 phát hiện ngày 28-8 tại Bệnh viện Quân y 211, nguồn lây liên quan lái xe đường dài, có 2 ca bệnh. Chùm ca bệnh tương đối phức tạp nhưng đã xác định được các mốc dịch tễ liên quan, nguồn lây nên đang tiếp tục truy vết để kiểm soát dịch.

2 chùm ca bệnh chưa xác định được nguồn lây liên quan đến K.G. và P.P.T. (22A1 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku), phát hiện ngày 27-8 tại cộng đồng, có 3 ca bệnh. Chùm ca bệnh chưa xác định được nguồn lây đã đề nghị Công an tỉnh hỗ trợ truy vết lại trước đó trong vòng 14 ngày để đánh giá. Chùm ca bệnh thứ 6 phát hiện ngày 28-8 tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, có 7 ca bệnh hiện vẫn chưa xác định nguồn lây và đang tiếp tục truy vết.

Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện
Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện


Thông tin tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho biết: Từ đầu tháng 8-2021 đến nay, 4 chốt kiểm soát dịch của tỉnh và của huyện đã tổ chức kiểm tra 109.582 lượt phương tiện vào địa bàn, tổ chức đo thân nhiệt 180.534 lượt người, tổ chức khai báo y tế 114.328 trường hợp và phun, khử khuẩn 5.814 lượt phương tiện. Đáng chú ý, lực lượng tại chốt đã kịp thời phát hiện, đưa đi cách ly tập trung 1.304 trường hợp từ vùng dịch trở về; phát hiện 13 vụ (huyện Kông Chro 1, TP. Pleiku 2, huyện Đức Cơ 1, huyện Chư Prông 1 và tại chốt cầu 110, huyện Chư Pưh có 8 trường hợp) là các phương tiện vận tải lợi dụng được cấp thẻ “luồng xanh” để vận chuyển người từ vùng dịch về địa bàn và đã đưa 31 người đi cách ly tập trung.

Ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-thông tin: Đến chiều 1-9, huyện Krông Pa phát hiện 7 trường hợp F0, 150 trường hợp F1, 1.110 trường hợp F2. Hiện thị trấn Phú Túc đang triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hàng hóa thiết phục vụ đời sống người dân đảm bảo thông suốt, đầy đủ. Hiện địa phương chưa xác định được nguồn lây và đang tiếp tục truy vết F1, F2 không để sót lọt.

* Không lơ là, chủ quan trong phòng-chống dịch

Cuộc họp ghi nhận nhiều ý kiến của các sở, ngành, địa phương trong triển khai phòng-chống dịch. Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Hiện nay, địa bàn tỉnh ghi nhận 6 chùm ca bệnh, trong đó có 2 chùm ca bệnh tại TP. Pleiku và thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) chưa tìm ra được nguồn lây, vì vậy cần tiếp tục truy vết và sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Hiện TP. Pleiku đã qua 72 giờ bóc tách F0, riêng thị trấn Phú Túc đang tiếp tục triển khai.

Về nguyên nhân chính xảy ra dịch trên địa bàn tỉnh, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh là đa số người từ vùng dịch về, đặc biệt là chuỗi do các lái xe vận tải đi ngang qua địa bàn tỉnh nhưng không chấp hành nghiêm quy định phòng-chống dịch. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, các cấp, các ngành, các địa phương không được lơ là, chủ quan, phải bằng mọi biện pháp để ngăn chặn dập dịch, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng-chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đánh giá, hiện nay, có 2 nguồn lây chính là xâm nhập từ Campuchia và người từ vùng dịch về. Việc cần làm hiện nay là khoanh vùng, phát hiện sớm, ngăn chặn dịch lây lan; cần đề cao cảnh giác và ngăn chặn kịp thời. Hiện TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và một số tỉnh phía Nam đang tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16; nhiều công dân của tỉnh Gia Lai gặp khó khăn muốn trở về tỉnh bằng mọi cách. Vì vậy, các địa phương cần chỉ đạo các xã, phường, thị trấn nắm danh sách, kịp thời động viên mọi người an tâm ở lại nơi mình đang cư trú phòng-chống dịch, không nên tự ý trở về tỉnh khi chưa có kế hoạch đón công dân của tỉnh.

Một địa điểm liên quan dịch tễ Covid-19 tại TP. Pleiku tạm thời khoanh vùng để phòng-chống dịch. Ảnh: Như Nguyện
Một địa điểm liên quan dịch tễ Covid-19 tại TP. Pleiku tạm thời khoanh vùng để phòng-chống dịch. Ảnh: Như Nguyện


Đối với vấn đề quản lý sau cách ly, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Vấn đề dương tính sau cách ly tập trung đã có, có tái dương tính sau điều trị. Vì vậy, cần quản lý các đối tượng sau cách ly tập trung, sau khi điều trị khỏi và đang thực hiện cách ly tại nhà một cách chặt chẽ. Các công dân về sau khi thực hiện cách ly tập trung thì địa phương ngoài dán bảng cảnh báo còn thực hiện giăng dây để mọi người biết. Đối với các chốt kiểm soát phòng-chống dịch cần kiểm soát thật chặt. Địa phương cần có sự hỗ trợ, quan tâm, động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt. Tại các chốt kiểm soát, thống nhất phân luồng giao thông, thống nhất quy trình và khẩn trương triển khai thực hiện kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào tỉnh. Đối với người về từ vùng thực hiện Chỉ thị 16 cần cách ly tập trung, vùng áp dụng Chỉ thị 15 thì thực hiện cách ly tại nhà. Đối với những trường hợp chưa xác định được yếu tố dịch tễ cần cách ly tập trung để tiếp tục xác định yếu tố dịch tễ ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao vấn đề cách ly tập trung do quân đội chủ trì điều hành. Trên cơ sở đó, lực lượng quân đội sẽ rà soát nơi cách ly tập trung để bố trí công dân cách ly phù hợp. Ngoài những đối tượng cách ly tập trung theo quy định, những đối tượng cách ly tại nhà nhưng không đảm bảo điều kiện cách ly thì thực hiện cách ly tập trung để đảm bảo an toàn phòng-chống dịch. Các khu cách ly tập trung đảm bảo các điều kiện an toàn phòng-chống lây nhiễm chéo. Vấn đề xử lý, thu gom rác thải phải thực hiện xử lý tại chỗ, không di chuyển ra ngoài để đảm bảo an toàn. Sở Y tế cần có hướng dẫn quy trình cụ thể trong việc xử lý rác thải tại các khu cách ly tập trung cũng như tại các nhà có đối tượng đang thực hiện cách ly cũng như tại các chốt kiểm soát để đảm bảo an toàn đúng quy trình.

Đối với việc quản lý giám sát tại cộng đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu các địa phương cần hết sức quan tâm, hướng dẫn tận tình các cấp chính quyền cơ sở trong vấn đề quản lý cách ly tại nhà, giám sát chặt di biến động công dân. Các cấp, các ngành, địa phương cần đánh giá lại phương án đáp ứng dịch một cách cụ thể hơn, xây dựng rà soát phương án đáp ứng với các cấp độ dịch; tính toán rà soát khả năng thu dung, điều trị các ca mắc Covid-19 tại địa phương. Đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần trực tiếp đi kiểm tra tại các Trung tâm Y tế, kiểm tra nhân lực, cơ sở vật chất, trang-thiết bị, phương tiện chống dịch để kịp thời trang bị phục vụ phòng-chống dịch. Đồng thời, nhanh chóng đánh giá lại toàn bộ công tác phòng-chống dịch trên địa bàn, vấn đề nào được, chưa được cần rút kinh nghiệm; tiếp tục điều chỉnh Ban chỉ đạo phòng-chống dịch theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã cần có sự cố gắng cao nhất là trong thời điểm này, vì nếu chủ quan, lơ là thì sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng trong công tác phòng-chống dịch. Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ này, cần hết sức đề cao cảnh giác thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo trong công tác phòng-chống dịch, không để dịch lây lan.

 

NHƯ NGUYỆN
 

 

Có thể bạn quan tâm