Báo xuân

Phố núi nhìn từ đỉnh Hàm Rồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ở độ cao hơn 1.000 mét so với mặt nước biển, trên đỉnh Hàm Rồng quanh năm lộng gió, ít người biết được ở đây có những “đôi mắt thần” đang canh giữ bầu trời Tây Nguyên.    

Trên điểm cao 1.000 mét

Chiều cuối năm trời se se lạnh. Từ đỉnh Hàm Rồng nhìn về TP. Pleiku, phố đã lên đèn, dòng người, xe qua lại nhộn nhịp, bất chợt cơn gió lạnh thổi qua cho ai đó khẽ kéo dài tay áo. Đây cũng là lúc các chiến sĩ làm nhiệm vụ canh trực bầu trời bắt đầu thay ca gác. Ngồi bên bàn trà, Trung úy Trần Đức Trung-Tổ trưởng tổ canh trực trên đỉnh Hàm Rồng tâm sự: “Tổ quan sát bầu trời của chúng tôi có nhiệm vụ theo dõi tất cả các vật thể bay trong vùng trời đơn vị quản lý, độ cao hướng bay và chủng loại máy bay. Sau đó, chúng tôi đối chiếu nếu mục tiêu không có trong thông báo bay tức là mục tiêu lạ lập tức điện báo Sở chỉ huy Lữ đoàn và báo động sẵn sàng chiến đấu”.

 

Tổ canh trực trên đỉnh núi Hàm Rồng. Ảnh: V.H
Tổ canh trực trên đỉnh núi Hàm Rồng. Ảnh: V.H

Trạm quan sát bầu trời của Lữ đoàn 234 ở độ cao hơn 1.000 mét so với mặt nước biển, đây chính là những con mắt thần trên đỉnh Hàm Rồng bảo vệ vùng trời Tây Nguyên. Quanh năm, những người lính nơi đây đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nước sinh hoạt, nhiệt độ chênh lệch giữa đêm và ngày, thế nhưng họ vẫn vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Để bớt đi sự cô đơn, anh em trong tổ đã nuôi mấy con chó và một đàn gà. Tiếng chó sủa, tiếng gà gáy làm cho nhịp sống trên cao bớt… chông chênh.

Quay sang chiến sĩ Lê Minh Đoan khi anh vừa rời vọng gác, tôi hỏi quanh năm nhìn trời vậy có chán không? Anh cười: “Trên trời có nhiều thứ vui lắm, cũng có mây mưa, mặt trăng, cầu vồng muôn vàn sắc thái như con người mình vậy đó. Chỉ cần nghe tiếng động cơ là mình biết được máy bay loại gì. Đôi lúc trời đầy mây, chúng tôi có các thiết bị để “vén mây” nhận dạng chính xác mục tiêu bay, quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ trên không”.

Chuyện những người không đón Giao thừa

Đêm xuống đỉnh Hàm Rồng trời bắt đầu lạnh. Chúng tôi ngồi bên bàn trà cùng những chiến sĩ đã hết ca trực, họ kể cho tôi nghe nhiều chuyện vui nơi điểm cao chênh vênh này. Anh em nói đùa rằng, trên này bốn mùa “tóc bay cùng gió” nên mau dài lắm, chừng 3 tuần là phải làm đẹp mái đầu của mình. Ngoài cắt tóc, mỗi ngày quân nhân ít nhất “hạ sơn” một lần để tắm giặt. Để rồi lúc “thượng sơn” áo quần, đầu tóc lại nhễ nhại mồ hôi, mắt lại hướng lên trời xanh. Bộ đội mong sớm có nguồn nước dồi dào tại chỗ để tiện sinh hoạt và tăng gia”.

 

Thiết bị đo xa. Ảnh: V.H
Thiết bị đo xa. Ảnh: V.H

Càng về khuya, hương cà phê và hương trà cùng  những câu chuyện vui đã xua đi cái lạnh đêm cuối năm. Như muốn cho tôi hiểu thêm về nhiệm vụ của mình, Trung úy Trần Đức Trung nhấp ngụm chè xanh và kể: “Một ngày tháng 3-2015, khi đang canh trực, anh em đã phát hiện một vụ cháy rừng trên núi Hàm Rồng lập tức điện báo Sở chỉ huy, sau đó hơn 100 cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã tham gia dập lửa cứu rừng. Hay như cuối năm 2011, bộ phận canh trực phát hiện mục tiêu bay không có trong thông báo bay vào hướng vùng trời đơn vị quản lý. Tất cả anh em căng mình phân tích độ cao, hướng di chuyển, tình hình trở nên căng thẳng. Lệnh Sở chỉ huy tiếp tục bắt, bám mục tiêu cung cấp các thông số cho bộ phận tác chiến ở trận địa. Và tất cả thở phào nhẹ nhõm khi mục tiêu ấy chỉ là cái đèn trời ai thả. “Với chúng tôi, tất cả các mục tiêu bay vào vùng trời mình quản lý đều phải có hợp đồng bay và đều được theo dõi, quản lý và ghi chép rất chặt chẽ, có như thế thì Tổ quốc mới không bị bất ngờ từ trên không”-Trung khẳng định.

Câu chuyện đang sôi nổi thì có thông báo đi nghỉ vì đêm đã về khuya. Khi bình minh hửng sáng, chia tay những người lính canh trời, tôi “hạ sơn” xuôi về Sở chỉ huy Lữ đoàn. Dẫn tôi ra trận địa, Trung tá Trần Duy Hải-Phó Lữ đoàn trưởng, kiêm Tham mưu trưởng bồi hồi: “Đêm Giao thừa, thời khắc đất trời giao hòa cũng là lúc đơn vị chúng tôi phải canh trực, sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Để vùng trời bình yên, anh em ăn Tết trên trận địa. Nhiều anh em trên đỉnh cao canh trời thời phút Giao thừa đến lại nhớ quê hương, nhớ gia đình, họ quay ống kính quan sát về hướng TP. Pleiku nhìn những ánh đèn, thấy pháo hoa phần nào nguôi đi nỗi nhớ nhà. Nhưng  rồi cũng vội vã hướng lên trời để làm nhiệm vụ.

Tết đã cận kề, đâu đó những chậu mai vàng đã bung cánh. Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh Hàm Rồng, hình ảnh những chiến sĩ Phòng không vẫn hiên ngang giữa chênh vênh đỉnh núi để bảo vệ bình yên vùng trời, lòng tôi lại ấm hơn.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm