Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: Ngành Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường công tác xây dựng thể chế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 31-12, Tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành dự và chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành TN-MT trong cả nước đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ. Theo đó, các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, hoàn thành việc lập 8,63 triệu hồ sơ địa chính điện tử, số hóa thông tin địa chính của 42.984 thửa đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất hơn 20 ngàn ha; khai hoang phục hóa, đưa vào sử dụng gần 11 ngàn ha. Ngoài ra, cấp 0,5 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất lần đầu, thực hiện gần 6 triệu thủ tục đăng ký biến động…

Công tác bảo vệ môi trường đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị được thu gom, xử lý đạt 94,71%, khu vực nông thôn đạt 83%; chất thải nguy hại được xử lý đạt 85%, nước thải được xử lý đạt 13%; tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống nước thải tập trung đạt 90,69% (tăng 13,34% so với năm 2016). Cả nước đã xử lý triệt để 370/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (đạt 85%); tỷ lệ các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường giảm 4% so với năm 2020. Đến nay, có 62% số xã đạt tiêu chí chuẩn nông thôn mới về môi trường. Toàn ngành cũng đã thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển 11 khu dự trữ sinh quyển, 172 khu bảo tồn trên cạn, 16 khu bảo tồn biển; bảo vệ nguồn gen, hệ động thực vật đặc hữu... 

Phó CHủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên và đại diện các sở ngành dự Hội nghị tại điểm cầu Gia lai. Ảnh: Hồng Thương
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên và đại diện các sở ngành dự Hội nghị tại điểm cầu Gia lai. Ảnh: Hồng Thương
Tại Gia Lai, ngành TN-MT đã tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn, hoàn thiện thể chế; tăng cường thanh-kiểm tra, giải quyết kịp thời các đơn thư, khiếu nại; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác. Kết quả, đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của 17 huyện, thị xã và thành phố. Toàn tỉnh đã thu hồi 262,82 ha đất; giao đất không thu tiền sử dụng đất 9.637,03 ha; cho thuê đất 1.428,70 ha; chuyển mục đích sử dụng 667,01 ha. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đạt 98,11% (lũy tiến tính đến tháng 11-2021).
Công tác thanh-kiểm tra đã phát hiện 80 trường hợp vi phạm liên quan tới đất đai, khai thác trái phép khoáng sản, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh và các huyện xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng, tịch thu các tang vật liên quan. Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng. Đến nay tỉnh đã đưa vào vận hành 2 trạm quan trắc nước mặt tự động, liên tục; 3 trạm quan trắc không khí xung quanh tự động, liên tục; có 10/25 cơ sở, doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương ngành TN-MT đã nỗ lực vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ngành TN-MT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải nỗ lực khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới, đặc biệt là về quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và thủ tục hành chính. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành TN-MT cần tập trung cao cho công tác xây dựng thể chế, tăng cường quy hoạch, quản lý không gian biển, vùng bờ; chủ động triển khai các nhiệm vụ về quy hoạch sử dụng đất trong 5 năm tới; đẩy mạnh công tác điều tra đánh giá trữ lượng khoáng sản, đặc biệt là chú trọng việc quy hoạch vật liệu phục vụ cho triển khai các dự án trọng điểm quốc gia. Đồng thời, nâng cao năng lực dự báo, cảnh bảo để đầu tư công nghệ phù hợp; tổ chức thực hiện hiệu quả luật bảo vệ môi trường; thực hiện tốt kiểm soát xả thải và xử lý nghiêm minh đúng quy định pháp luật các cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường…
Hội nghị đã công bố và trao tặng các quyết định khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao hiệu lựu hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia giai đoạn 1999-2019….
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm