Ngộ độc thức ăn là bệnh cấp tính do ăn phải món chứa vi khuẩn hoặc chất độc nguy hiểm.
Việc sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, chế biến ở môi trường kém vệ sinh, nguồn nước ô nhiễm hay bảo quản thức ăn chín không đảm bảo vệ sinh; sử dụng thức ăn chứa độc tố, hóa chất... đều có thể gây ra ngộ độc. Tại buổi nói chuyện chuyên đề “Ngộ độc thức ăn ở trẻ em” mới đây, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng khoa Nội tổng quát, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chia sẻ ngộ độc thức ăn là vấn đề rất đáng quan tâm.
Từ đầu năm 2011 đến nay, ở nước ta đã có đến 98 vụ ngộ độc thực phẩm, với 4.600 người nhập viện, trong đó 16 ca tử vong. Ở trẻ em, do mẫn cảm hơn người lớn vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển đầy đủ nên thức ăn không thể tiêu hóa hoàn toàn. Thêm nữa, hệ miễn dịch ở trẻ cũng chưa hoàn thiện. Do vậy, trẻ em thường dễ bị ngộ độc và khi bị thì tình trạng nặng hơn người lớn.
Cần lưu ý chọn và chế biến thức ăn
Điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ em tại TP.HCM |
Bác sĩ Thoa lưu ý, khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thực phẩm cần đưa trẻ đi khám bệnh. Phụ huynh có thể tự sơ cứu bằng cách gây nôn ói (uống nước gừng, cạo lưỡi...) cho trẻ trong trường hợp ngộ độc không do chất độc tự nhiên, hóa chất và phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay sau đó. Lưu ý, không được cho trẻ uống nước mùn thớt và ngoáy lông gà, không tự ý dùng thuốc chống ói vì sẽ kéo dài thời gian bệnh.
Để phòng ngộ độc thực phẩm ở trẻ, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nếu dùng thức ăn chế biến sẵn thì nên mua tại những nơi có điều kiện vệ sinh tốt, chọn thức ăn được nấu chín, mới chế biến. Khi chế biến tại nhà, cần chọn mua thức ăn tươi sống, rửa sạch rau, củ, quả, dùng nước sạch nấu ăn. Nếu không sử dụng ngay, thức ăn phải được gói kín trong bao bì hoặc cho vào hộp đậy kín trước khi đưa vào tủ lạnh. Tuy nhiên, không được để quá 2 giờ để tránh vi khuẩn xâm nhập nhiều. Bốn điểm lưu ý là: chọn lựa, chế biến, bảo quản và sử dụng thức ăn để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Theo Thanhnien