(GLO)- Ngày 19-10, Khối thi đua các cơ quan Đảng tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Về nguồn” cho chị em phụ nữ trong Khối nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10).
7 giờ, đoàn xe lăn bánh nối đuôi nhau đưa hơn 80 cán bộ, công chức, viên chức thuộc 10 đơn vị của Khối thi đua các cơ quan Đảng tỉnh khởi hành về với cội nguồn cách mạng. Điểm dừng chân đầu tiên là Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ (huyện Đak Pơ). Công trình văn hóa tâm linh này được khởi công xây dựng vào dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Đak Pơ (24-6-2014) và khánh thành hơn 1 năm sau đó nhằm tưởng nhớ 147 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 96 và 62 thanh niên xung phong, dân quân du kích, các đơn vị đã anh dũng hy sinh trong trận chiến oanh liệt được ví như “Điện Biên Phủ của Quân khu 5”. Dưới tiết trời xanh trong, với tâm trạng xúc động xen lẫn tự hào, các thành viên trong đoàn cùng nhau kính cẩn nghiêng mình dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ-những người đã không tiếc máu xương để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích lịch sử cách mạng Krong. Ảnh: Hà Phương |
Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang) là nơi tiếp theo đoàn đến thăm và cũng là mục đích chính trong chuyến hành trình về nguồn lần này. Khu di tích vốn là Căn cứ địa cách mạng Khu 10-nơi đứng chân của các cơ quan đầu não của tỉnh trong suốt 20 năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955-1975). Mặc cho quân thù dùng đủ mọi cách đánh phá, tiêu diệt, tập thể cấp ủy, cán bộ, đảng viên của tỉnh đã kiên cường bám trụ, dựa vào dân để gây dựng phong trào đấu tranh cách mạng, quyết tâm đánh đuổi kẻ xâm lăng.
Con đường từ trung tâm xã Krong dẫn vào Khu di tích giờ đây đã được đầu tư sửa sang sạch đẹp, dễ đi hơn. Cầu treo được thay thế bằng cầu bê tông cốt thép hay đập tràn vững chắc, ô tô có thể dễ dàng ra vào tận nơi. Dù thấm mệt vì phải di chuyển suốt quãng đường dài, thế nhưng, khi dừng chân trước Khu di tích, mọi mệt mỏi của các thành viên dường như tan biến; thay vào đó là một cảm giác khoan khoái khi được hòa mình vào không khí trong lành, mát mẻ giữa chốn núi rừng.
Sau khi dâng hương tại Nhà tưởng niệm, mọi người cùng nhau đi tham quan các công trình mô phỏng khác trong Khu di tích như: Lán Bí thư, Lán Phó Bí thư, Lán cơ yếu, Lán văn phòng, Hầm chữ A, Nhà ăn, bếp Hoàng Cầm, Nhà bia ghi sự kiện...
Ấp ủ mong muốn từ lâu nhưng mãi đến dịp này, chị Nguyễn Thị Ngọc Minh-phóng viên Báo Gia Lai mới có cơ hội “mục sở thị” Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong. “Cách đây 3 năm, tôi có đến trung tâm xã Krong trong một chuyến công tác, song vì thời gian không cho phép, cộng với đường sá vào Khu căn cứ khi ấy còn khó khăn nên đành ngậm ngùi ra về. Nay đến và thấy giữa không gian trong lành, hùng vỹ của núi rừng Krong, Khu di tích được tỉnh đầu tư phục dựng khá khang trang với nhiều công trình mô phỏng lại căn cứ làm việc của tỉnh ta thời cách mạng. Thông qua các mô hình này, những thế hệ đi sau như tôi có thể hình dung được phần nào sự vất vả, hy sinh của cha anh ngày trước”-chị Minh chia sẻ.
Tham quan Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Ảnh: Hà Phương |
Còn chị Nguyễn Thị Ánh Hồng-chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xúc động cho hay: Đã là lần thứ 4 tôi đến với Khu căn cứ cách mạng Krong này. Những lần trước đều là đi cùng với các bác lão thành cách mạng, lãnh đạo tỉnh để khảo sát, xác định vị trí để đầu tư xây dựng thành Khu di tích như bây giờ. Và để vào được đến khu căn cứ, chúng tôi phải đi bộ cả 9 cây số men theo đường rừng, đường suối, dù mệt nhưng rất ý nghĩa. Hôm nay, được về lại nơi đây khi mọi thứ đã khang trang, bản thân càng cảm thấy tự hào khi nhìn lại quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh. Tiếc là con gái bận đến lớp, nếu không, tôi cũng sẽ đưa con cùng đi để cháu có thể hiểu, ý thức được những gì mình đang thụ hưởng đã được đánh đổi bằng xương máu của bao người đi trước và qua đó thêm yêu đất nước, quê hương mình.
Rời Krong khi trời đổ cơn mưa lớn, đoàn tiếp tục đến chặng cuối của chuyến “Về nguồn” tại Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang). Tại đây, mọi người được nghe, thấy những câu chuyện, kỷ vật, tư liệu, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh của Box Núp và dân làng Stơr; qua đó, tưởng nhớ về những chiến công hiển hách của một vị anh hùng dân tộc.
Hành trình kết thúc đã để lại nhiều ý nghĩa và xúc cảm trong lòng những thành viên tham gia. Để rồi, dù là lần đầu hay đã nhiều lần được đặt chân tới những nơi ấy, ai ai cũng sẽ tự thấy rằng mình cần phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích; đồng thời cố gắng lao động, phấn đấu trong công việc hiện tại của mình sao cho thật xứng đáng với công lao của các thế hệ cha anh.
Cùng tham gia hành trình “Về nguồn” có các ông, bà: Rah Lan Chung-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Trần Thị Thanh Thủy-Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Trần Ngọc Chi-Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; Dương Dã-Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, Trưởng Khối thi đua các cơ quan Đảng tỉnh; Lương Văn Danh-Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai. |
Hồng Thi