Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Phú Thiện cần xây dựng quy hoạch cụ thể để phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch trong chuyến khảo sát và làm việc với UBND huyện Phú Thiện về các dự án cấp thiết cần đầu tư trên địa bàn huyện. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh và các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo.


Nhiều dự án mang tính cấp thiết

Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện Trịnh Văn Sang, nhằm phát triển du lịch cũng như hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, huyện triển khai nhiều dự án mang tính cấp thiết như: Dự án đầu tư Khu di tích lịch sử-văn hóa quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ); Dự án bố trí, sắp xếp hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Ia Sol giai đoạn 2021-2025; Dự án kè bờ Đông sông Ia Sol; Dự án đầu tư một số hạng mục Trung tâm Y tế huyện và 2 trường THPT trên địa bàn.

uang cảnh buổi làm việc của đoàn công tác với UBND huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi
Quang cảnh buổi làm việc của đoàn công tác với UBND huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Theo đó, việc đầu tư hạ tầng Khu di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch của địa phương về cảnh quan, các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó khai thác loại hình du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử-văn hóa nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Dự án gồm các hạng mục: đường vào khu di tích với tổng mức đầu tư dự kiến 37 tỷ đồng; mô hình làng du lịch cộng đồng Plei Ơi với tổng mức đầu tư 89,3 tỷ đồng bao gồm chi phí phục dựng, tập huấn, xây dựng bảo tàng văn hóa các dân tộc kết hơp sử dụng làm nhà điều hành chung, đường nội bộ, tái hiện khung cảnh người dân các nơi mang lễ vật tới để thực hiện nghi lễ cầu mưa, trạm bơm nước, tái hiện 33 ngôi nhà sàn xưa, hệ thống điện chiếu sáng, bãi đậu xe và chi phí xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu.

Trong khi đó, Dự án bố trí, sắp xếp hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Ia Sol giai đoạn 2021-2025 sẽ tổ chức di dời, bố trí nơi ở mới cho 38 hộ/172 khẩu đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực Suối Cạn nhằm đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho các hộ này. Đây là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở, sống ở vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu. Khu tái định cư mới tại thôn Thắng Lợi 3 có diện tích 3,8 ha với tổng mức đầu tư 15,74 tỷ đồng; dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2022-2025.

Nhằm chỉnh trang đô thị, đảm bảo an toàn cho 56 hộ dân với 235 khẩu sinh sống dọc theo bờ Đông của sông Ia Sol trước nguy cơ sạt lở vào mùa mưa, Dự án kè bờ Đông sông Ia Sol có tổng mức đầu tư dự kiến 75 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Dự án đầu tư thêm cơ sở vật chất Trung tâm Y tế huyện và 2 trường THPT trên địa bàn cũng mang tính cấp thiết để huyện Phú Thiện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2025.

Cần đầu tư các hạng mục một cách hợp lý

Trên cơ sở báo cáo của UBND huyện Phú Thiện, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp với địa phương xung quanh các dự án cấp thiết cần đầu tư.

Góp ý với Dự án đầu tư Khu di tích lịch sử-văn hóa quốc gia Plei Ơi, ông Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho rằng: “Vua Lửa là truyền thuyết độc đáo, chỉ có ở Tây Nguyên. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng khu di tích là cần thiết để bảo tồn và phát triển nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc tại chỗ. Tuy nhiên, sau 29 năm hình thành khu di tích, công tác tuyên truyền của huyện về hình ảnh Vua Lửa chưa nhiều; hầu hết các báo cáo của huyện không đề cập đến việc thay đổi tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trên mảnh đất này; diện tích quy hoạch khu di tích bị thu hẹp; công năng một số hạng mục chưa phát huy hết hiệu quả”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đi khảo sát thực tế tại dự án kè bờ đông sông Ia Sol. Ảnh: Vũ Chi
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đi khảo sát thực tế tại Dự án kè chống sạt lở bờ Đông sông Ia Sol. Ảnh: Vũ Chi


Theo ông Tuệ, để khu di tích thực sự phát huy giá trị, tại nhà trưng bày, huyện nên bổ sung các tài liệu, hình ảnh, đồ vật cổ xưa nhằm thu hút du khách tới tham quan; nên tiếp cận khu di tích từ góc độ dân gian, tránh bê tông hóa quá nhiều làm mất đi tính huyền bí, linh thiêng của một khu di tích lịch sư. Huyện cũng nên quan tâm đầu tư thêm các hạng mục để khu di tích có thể chia làm 2 khu vực. Trong đó, một khu vực để thanh niên, người dân có thể đến vui chơi, cắm trại, picnic; khu vực còn lại dành cho những người thích khám phá, tìm hiểu lịch sử, tránh việc khu di tích bị bỏ không cả năm, chỉ tổ chức lễ cúng cầu mưa vào dịp 30-4, gây lãng phí.

Với Dự án đầu tư cơ sở vật chất Trung tâm Y tế huyện và 2 trường THPT, đại diện các sở, ngành cho rằng: Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện được xây dựng từ năm 2010 với quy mô 50 giường bệnh, hiện đã tăng lên 110 giường. Tuy nhiên, công suất sử dụng giường bệnh hiện còn thấp. Tỉnh đang có chủ trương đầu tư phát triển bệnh viện khu vực nên vấn đề đầu tư thêm cơ sở vật chất cho Trung tâm Y tế huyện cần xem xét kỹ. Trong khi đó, để 2 trường THPT của huyện đạt chuẩn quốc gia, huyện cần tính đến phương án sáp nhập thành trường phổ thông 2 cấp THCS và THPT, trên cơ sở đó, tính toán kỹ lộ trình đầu tư. Đây cũng là định hướng của Sở Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đánh giá cao khát vọng, trăn trở của lãnh đạo huyện Phú Thiện trong phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ, phối hợp cùng địa phương biến khát vọng đó thành hiện thực.

Đối với Khu di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Phú Thiện cần nhìn nhận lại cách quản lý di tích theo đúng Luật Di sản; kiểm kê, công bố, thành lập ban quản lý theo phân cấp, khoanh vùng rõ ràng để có hướng đầu tư hợp lý. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần tổ chức hội thảo, tập hợp toàn bộ tư liệu, lập hồ sơ khoa học về khu di tích; đồng thời, rà soát lại toàn bộ, đề xuất hạng mục nào cần bảo tồn theo hướng di sản, hạng muc nào cần nhà nước đầu tư để kích cầu doanh nghiệp tư nhân tham gia bỏ vốn xây dựng. Trước mắt, huyện cần khôi phục cảnh quan khu di tích như trồng cây xanh, tập trung các sự kiện văn hóa của huyện về đây. Ủy ban nhân dân huyện cung cần xây dựng phương án khơi dậy niềm tự hào về truyền thuyết Vua Lửa cho người bản địa; trong quy hoạch nên mở rộng diện tích gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn để tạo thành chuỗi du lịch thu hút du khách. Tỉnh sẽ chú trọng bố trí kinh phí đầu tư cho khu di tích trong giai đoạn 2023-2025 nhằm phát triển nơi đây thành di tích quốc gia đặc biệt.

Đối với Dự án bố trí, sắp xếp dân cư khu vực Suối Cạn, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, huyện cần tranh thủ nguồn vốn đầu tư để khẩn trương ổn định cuộc sống người dân. Với các dự án còn lại, các sở, ngành cần hướng dẫn huyện chuẩn bị hồ sơ đầy đủ để khi có nguồn vốn thì có thể triển khai ngay, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.

VŨ CHI

 

Có thể bạn quan tâm