Kinh tế

Nông nghiệp

Công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel: Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trước tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán xảy ra liên tục và dự báo sẽ còn kéo dài trong những năm tới, việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp trở thành xu thế tất yếu và là nhiệm vụ cấp thiết được đặt ra cho các cấp, các ngành của tỉnh Gia Lai.
Ưu điểm vượt trội
Sáng 2-4, tại TP. Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức Hội thảo công nhệ tưới nhỏ giọt cho cây trồng của Israel tại tỉnh Gia Lai. Tham dự hội thảo có ông Doron Lebovich-Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam, bà Nguyễn Bảo An-cán bộ Hợp tác phát triển (Đại sứ quán Israel), ông Ram Lisaey-chuyên gia nông học Israel. Về phía tỉnh có ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành, các tổ chức khoa học, tổ chức chính trị và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: L.N
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: L.N
Theo Phó Đại sứ Doron Lebovich, Hội thảo công nghệ tưới nước nhỏ giọt cho cây trồng của Israel tại Gia Lai là sáng kiến giữa Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai và Đại sứ Israel. Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với biến đổi khí hậu, do đó phải tìm ra giải pháp để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. “Israel là nước có hơn một nửa diện tích là sa mạc, rất khó khăn về nguồn nước nên chúng tôi đã phải nghiên cứu những giải pháp và đã phát minh ra công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây trồng. Với công nghệ này, chúng tôi đã đảm bảo được nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ đời sống người dân. Chúng tôi hứa sẽ chia sẻ những kinh nghiệm này cho các bạn, giúp các bạn đối phó được với tình trạng thiếu nước hiện nay do biến đổi khí hậu”-Phó Đại sứ Doron Lebovich chia sẻ.
Cũng tại hội thảo, chuyên gia nông học Ram Lisaey đã thông tin về các giải pháp tưới nhỏ giọt và sự cần thiết khi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Đồng thời, hướng dẫn việc cung cấp và kiểm soát dinh dưỡng cho cây trồng qua hệ thống tưới nhỏ giọt; hướng dẫn bảo trì hệ thống tưới, các bước thực hiện một dự án tưới nhỏ giọt; chia sẻ những kinh nghiệm thực hiện dự án hệ thống tưới cộng đồng có sự hỗ trợ của nhà nước Ấn Độ.
Cũng theo chuyên gia nông học này, tưới nhỏ giọt là hình thức đưa nước, chất dinh dưỡng trực tiếp đến vùng gốc cây trồng một cách liên tục. Việc cung cấp nước đều đặn giúp khắc phục được hiện tượng bạc màu, rửa trôi đất trên đồng ruộng. Tưới nhỏ giọt cũng giúp tiết kiệm 30-50% lượng nước. Công nghệ này cũng tạo điều kiện để cơ giới hóa, tự động hóa một số khâu khác như bón phân hóa học kết hợp tưới nước. Việc thực hiện tưới nhỏ giọt thực tế rất ít phụ thuộc vào các yếu tố thiên nhiên (độ dốc, thành phần và cấu trúc đất, mực nước ngầm ở nông hay sâu). Kỹ thuật tưới nhỏ giọt sử dụng cột nước áp lực làm việc thấp và lưu lượng nhỏ nên tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí quản lý vận hành. Tưới nhỏ giọt còn góp phần ngăn chặn được sự phát triển của cỏ dại quanh gốc cây và sâu bệnh. Lượng nước tưới có thể được khống chế và điều khiển dễ dàng để bảo đảm phân bố đều trong vùng đất có bộ rễ hoạt động, duy trì chế độ ẩm thích hợp theo nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây trồng, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển nhanh, đạt năng suất cao…
Đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước
Gia Lai là tỉnh mà kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Hiện tổng diện tích cây trồng của tỉnh khoảng 535.364 ha, gồm: gần 40.000 ha mía, hơn 46.179 ha bắp, 69.579 ha mì, hơn 100.000 ha cao su, 94.900 ha cà phê, 16.278 ha hồ tiêu, 18.848 ha điều, 19.775 ha đậu các loại và nhiều loại cây trồng khác.
 Các đại biểu tham quan mô hình tưới nhỏ giọt trên cây hồ tiêu của hộ ông Võ Việt Hùng (làng Trek, xã Kdang, huyện Đak Đoa). Ảnh: L.N
Các đại biểu tham quan mô hình tưới nhỏ giọt trên cây hồ tiêu của hộ ông Võ Việt Hùng (làng Trek, xã Kdang, huyện Đak Đoa). Ảnh: L.N

Chiều cùng ngày, các đại biểu đi thực tế và tham quan mô hình ứng dụng tưới nhỏ giọt trên cây khoai lang của doanh nghiệp Tuyết Hội (xã Ia Glai, huyện Chư Sê), trên cây cà phê của hộ ông Nguyễn Tấn Đức (thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) và trên cây hồ tiêu của hộ ông Võ Việt Hùng (làng Trek, xã Kdang, huyện Đak Đoa).


Những năm qua, người dân trong tỉnh đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Hiện nay, tổng diện tích cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước khoảng 23.571 ha (vượt 124,8% so với kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 243/QĐ-UBND ngày 23-3-2017). Trong đó, tưới phun mưa 17.946 ha, tưới nhỏ giọt 4.283 ha, tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân 1.341 ha.
Về việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cho biết: Gia Lai có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là đối với cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều và nhiều loại cây ăn quả. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, thiếu nước trên cây trồng ngày càng diễn ra phức tạp và có chiều hướng tăng lên đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Do đó, việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trên cây trồng là một xu hướng tất yếu và là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho các cấp, các ngành của tỉnh. Thời gian tới, các địa phương, các ngành cần tiếp tục tăng cường công tác phổ biến và khuyến khích người dân áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước và triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.
“Trong những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông sản hàng hóa có thế mạnh của địa phương luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Hội thảo về công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel sẽ là cơ hội cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp và nông dân cùng nhau trao đổi về thực trạng tưới nước cho cây trồng ở tỉnh ta; những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng; đồng thời thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích nông dân tích cực áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm.
 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm