Kinh tế

Nông nghiệp

Buôn làng khởi sắc nhờ chuyển đổi cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người dân làng Krêl (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã từng bước nâng cao thu nhập.

Ông Nguyễn Hồng Tân-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân làng Krêl-cho hay: Làng hiện có 167 hộ, trong đó có 67 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, người dân trong làng đã tích cực tìm tòi các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao để thay thế cây trồng kém hiệu quả.

Cùng với đó, bà con cũng tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả cao hơn. Đến nay, làng đã phát triển diện tích cây trồng lên trên 158 ha gồm: cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn quả, lúa nước.

Gia đình bà Hồ Thị Hương có 3 ha cà phê đã già cỗi nên năng suất thấp, mỗi năm chỉ thu được hơn 7 tấn nhân. Năm 2017, bà bắt đầu chuyển đổi dần diện tích cà phê sang trồng hồ tiêu và sầu riêng. Đến nay, bà trồng được 1.500 trụ hồ tiêu và 250 cây sầu riêng. Bà sử dụng phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học nên vườn cây phát triển bền vững.

“Hiện vườn hồ tiêu mỗi năm cho thu hơn 2 tấn. Vườn sầu riêng cũng đã có 100 cây cho thu hoạch. Năm 2023, gia đình tôi thu gần 900 triệu đồng từ bán sầu riêng và hồ tiêu. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt hơn 600 triệu đồng”-bà Hương cho hay.

Gia đình bà Hồ Thị Hương nâng cao thu nhập nhờ chuyển sang trồng sầu riêng. Ảnh: N.H

Gia đình bà Hồ Thị Hương nâng cao thu nhập nhờ chuyển sang trồng sầu riêng. Ảnh: N.H

Tương tự, năm 2019, gia đình ông Nguyễn Ngọc Nguyên cũng đã chuyển đổi 3,8 ha cà phê già cỗi sang trồng 400 cây sầu riêng, 250 cây mít, cam, bưởi da xanh và 800 trụ hồ tiêu. Ông Nguyên cho biết: “Ngoài trồng trọt, tôi còn chăn nuôi bò và dê để có nguồn phân bón cho cây trồng. Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập hơn 800 triệu đồng từ vườn hồ tiêu và cây ăn quả”.

Gia đình ông Ksor Huynh cũng tăng thu nhập nhờ tái canh vườn cà phê bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao. Ông cho biết: Gia đình ông có 2 ha cao su và 1,5 ha cà phê. Thấy cà phê đã già cỗi, năm 2018, ông đã tái canh 4 sào bằng giống TR4.

“Nhờ tái canh, năng suất cà phê đạt cao hơn. Mỗi năm, gia đình tôi thu được 5 tấn cà phê nhân, cao hơn 1 tấn so với trước. Năm 2023, gia đình lãi hơn 200 triệu đồng từ vườn cà phê.

Ngoài ra, hàng năm, gia đình còn thu hơn 100 triệu đồng từ vườn cao su; đồng thời, duy trì nuôi hơn 20 con bò thịt và sinh sản. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình còn lãi hơn 300 triệu đồng”-ông Huynh nói.

Gia đình anh Ksor Huynh đã nâng cao thu nhập nhờ tái canh một phần diện tích cà phê già cỗi. Ảnh: N.H

Gia đình anh Ksor Huynh đã nâng cao thu nhập nhờ tái canh một phần diện tích cà phê già cỗi. Ảnh: N.H

Bà Lương Thị Thúy Hồng-Bí thư Chi bộ làng Krêl:Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của làng đạt 41,5 triệu đồng/năm và vẫn còn 22 hộ nghèo. Do đó, thời gian tới, Chi bộ sẽ chỉ đạo các chi hội, đặc biệt là Chi hội Nông dân tích cực tuyên truyền, vận động các hộ người Kinh hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là tái canh cà phê nhằm nâng cao thu nhập.

Chi hội trưởng Chi hội Nông dân làng Krêl cho biết thêm: Nhờ tích cực chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, thu nhập của nhiều hộ dân trong làng được nâng lên rõ rệt. Làng cũng đã thành lập được Tổ hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc sầu riêng với 27 hộ tham gia.

Ngoài ra, nhiều hộ còn phát triển chăn nuôi để nâng cao thu nhập cũng như lấy phân bón cho cây trồng. Năm 2023, làng có 55 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, 26 hộ có thu nhập từ 200 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm.

“Thời gian tới, Chi hội tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tái canh những vườn cà phê già cỗi và chuyển đổi các diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao kết hợp chăn nuôi để tăng hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập”-ông Tân cho hay.

Có thể bạn quan tâm