Báo xuân

"Quà nào bằng gia đình sum họp, Tết nào vui bằng Tết đoàn viên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: 30 năm qua, bác sĩ Bùi Đình Lĩnh-Giám đốc Trung tâm Y tế Quân dân y huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đã không còn khái niệm đi và về mà luôn ý thức về trách nhiệm của người thầy thuốc trong việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân trên đảo Phú Quý. Mới đây, ông được mời tham gia buổi giao lưu với các điển hình tiên tiến tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9. Nhân dịp Xuân Bính Thân, Báo Gia Lai trích đăng bức thư của cô con gái gửi cho người chú kể về hoàn cảnh và công việc của bố mình.

 


Chú kính mến, tuy đã 29 tuổi, nhưng số lần cháu được đón Tết đoàn viên nếu dùng 10 đầu ngón tay để đếm cũng còn dư.

Khi cháu còn chưa chào đời, bố cháu nhận công tác ở đảo Phú Quý-hòn đảo cách đất liền 6 tiếng đường biển, cách nhà cháu 2.000 cây số. Trong 29 năm qua, cháu chỉ được có bố qua những dòng thư, những cuộc điện thoại, và hiếm hoi là những đợt nghỉ phép 1 lần/năm, tình cảm giữa bố con cháu được xây dựng dựa trên đó, dựa vào nỗi nhớ và nước mắt.

Thưa chú, khi MC Tạ Bích Loan hỏi cháu suy nghĩ về “Những thời khắc bỏ lỡ khi một người công tác xa nhà 30 năm?” Những gì nhỉ??? Nếu sau 8 tiếng làm việc chú trở về nhà với gia đình, sống cuộc sống của riêng mình với tiếng cười và tình yêu thương, lúc đó mới gọi là cuộc sống thực sự. Còn bố cháu, một ngày của bố thiếu mất 2/3 đó, tức là trong 30 năm qua bố cháu như là không có cuộc sống. Cuộc đời một con người có được bao nhiêu cái 30 năm hả chú?

Nếu đã là một người cha, chắc hẳn chú không thể quên những thời khắc hạnh phúc ngắm con mình lần đầu biết lật, biết bò, chập chững tập đứng-tập đi, bi bô nói những tiếng đầu tiên, sau này là khi con vào đại học, tròn 20 tuổi và rồi tốt nghiệp đại học... Bố cháu thì chỉ được nghe kể lại những thời khắc đó mà thôi! Còn nhớ một lần bố về phép gặp cháu ngoài ngõ, cháu cầm gói kẹo bố cháu cho mà chạy vào khoe với mẹ: “Mẹ ơi, có bác kia cho con kẹo này!”. Khi ấy còn quá nhỏ nên cháu không nhớ được những giọt nước mắt của bố.

Cháu chưa từng được bố tổ chức sinh nhật một lần nào trong suốt 29 năm qua. Điều ước của cháu trong ngày sinh nhật chỉ là được có bố ở nhà, cháu cứ ước như vậy từ năm này qua năm khác, nuôi hy vọng sinh nhật năm sau bố sẽ về phép đúng ngày sinh nhật...

Cháu được mẹ đưa ra đảo ở với bố 2 năm, điều kiện ngoài đó rất thiếu thốn: không điện, thiếu thốn nước ngọt, thực phẩm phụ thuộc vào những chuyến tàu từ đất liền, mỗi khi trời gió tàu không ra được thì chẳng còn có đủ thức ăn. Khó khăn như vậy nên việc học cũng bị hạn chế, mẹ buộc phải đưa cháu về quê để đi học. Suốt những năm sau đó, cuộc sống của cháu là chuỗi ngày chờ đợi, đếm lùi từng ngày chờ bố về, bố về rồi thì lại tiếc nuối đếm từng ngày sợ bố lại đi. Cháu vốn là đứa bé bướng bỉnh không hiểu chuyện, dù biết trước kết quả nhưng mỗi lần bố đi lại gào khóc, túm áo, ôm chặt chân đòi bố mua vé cho đi cùng (thậm chí có lần cháu còn lén đóng gói sẵn quần áo). Một đứa bé 8 tuổi còn có thể làm gì khác để đòi thứ nó muốn nhất trên đời? Có lần cháu đòi chui vào vali vì bố nói chưa mua vé không đi được, nhưng vali của bố nhỏ quá!... Những ngày bố trở về đảo, đi học về cháu không vào nhà mà chỉ đứng ngoài cửa khóc, cháu sợ bước vào nhà sẽ không thấy bóng dáng bố đâu nữa, cháu rất sợ khoảnh khắc đó!

...Bố rất ít khi nghỉ phép Tết, một phần vì sóng gió, phần vì bố nhận trực Tết để nhường các cô chú khác trẻ hơn. Mỗi cái Tết có bố, bố con cháu sẽ gói bánh chưng, bố sẽ mua đào mua quất, mẹ mua mứt và bánh kẹo, khách đến nhà rất đông, cháu có quần áo mới và mẹ cười rất nhiều. Những năm còn lại mẹ buồn lắm, nhà sẽ chỉ mua những thứ thật sự cần thiết, khách đến nhà sẽ hỏi sao bố không về, cháu khóc và mẹ sẽ mắng bảo không được khóc kẻo xui cả năm.

Có mấy lần bố báo sắp chuyển về đất liền, rồi sẽ đón mấy mẹ con vào sống cùng, nhà cháu hân hoan vui suốt tháng... Thế rồi mãi không thấy bố về, bố bảo các cô bác ngoài đảo viết đơn kiến nghị, mấy trăm người ký tên xin bố ở lại... Những mấy trăm người, còn mẹ con cháu thì...

Cháu được hỏi có trách bố không? Sao cháu lại trách bố? Cháu không đồng ý với quyết định của bố, cũng không hiểu và cảm thông như có anh chị phóng viên nào đó viết trên báo đâu. Chỉ vì đó là cuộc sống, là con đường của bố, trách cứ chỉ làm bố buồn hơn. Cháu cũng biết nỗi buồn của mình chẳng là gì so với sự vất vả của mẹ và những khó khăn bố phải vượt qua.

Mới đây có một chuyện làm cháu khóc rất nhiều: Mẹ không liên lạc được cho bố nên lo lắng kể với cháu, cháu gọi rất nhiều lần bố mới bắt máy, lúc ấy mới biết bố sốt 2 ngày rồi, lúc đó đã nằm li bì một mình... Cảm giác của cháu lúc đó chẳng biết tả thế nào, cháu òa khóc gọi điện nhờ một người quen nấu cháo đem đến, cháu không làm được gì cả, muốn đến được với bố phải qua mấy chặng đường, mất mấy ngày trời...

Gần đây người ta hỏi cháu: Bố nổi tiếng rồi có thích không??? Cháu không hiểu câu hỏi này? Khoảng 2 năm trở lại đây bố cháu hay được hỏi tới, Nhà nước cũng bắt đầu ghi nhận sự cống hiến của bố. Như vậy thì sao? Thời gian đã mất đi, những tôn vinh này có thể cộng thêm thời gian cho bố con cháu không? Có thể làm bố mẹ cháu trẻ lại không? Sự tôn vinh ấy đơn giản là một tấm bằng ghi nhận cho cố gắng của bố cháu trong 29 năm qua. Nếu được lựa chọn, cháu không đời nào đổi 29 năm lấy tấm bằng ấy, cháu tin bố cũng vậy.

Cháu kể ra câu chuyện gia đình mình, không phải để kể lể, than trách hay khoe khoang. Chỉ vì cháu muốn chia sẻ với chú, với các cô chú khác đã dành sự cảm thông và chia sẻ với gia đình cháu. Và cháu hy vọng, sẽ có nhiều người sau khi nghe câu chuyện này sẽ biết rằng: Cuộc sống ngày nay vẫn còn những con người không ngại khó ngại khổ và vẫn còn những con người sống với những lý tưởng cao đẹp vượt ra khỏi lợi ích riêng của mình.

Điều ước bây giờ của cháu là bố được nghỉ hưu sớm và cả nhà cháu có thể sống quây quần bên nhau.

Có thể bạn quan tâm