Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Quản lý, bảo vệ rừng tại Gia Lai thiếu sự phối hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian qua, các ngành và địa phương đã quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Dù vậy, sự phối hợp giữa chủ rừng, UBND các xã và kiểm lâm địa bàn chưa thực sự gắn kết nên công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Quyết liệt ngăn chặn vi phạm
Gia Lai có 741.253,56 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng 596.659,71 ha (543.579,2 ha rừng tự nhiên, 53.080,51 ha rừng trồng), đất chưa có rừng 144.582,90 ha. Phần lớn diện tích đất lâm nghiệp do 22 ban quản lý rừng phòng hộ, 11 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp và 2 ban quản lý rừng đặc dụng quản lý nhưng vẫn còn 236.226,5 ha rừng chưa có chủ thực sự giao cho UBND cấp xã quản lý.
 Lực lượng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng xã Ia Kreng (huyện Chư Pah) tổ chức tuần tra. Ảnh: N.D
Lực lượng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng xã Ia Kreng (huyện Chư Pah) tổ chức tuần tra. Ảnh: N.D
Năm 2017, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chương trình hành động số 38-CTr/TU để triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy và UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã, lực lượng vũ trang và các đơn vị chủ rừng triển khai các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương. Để gắn kết các lực lượng tham gia bảo vệ rừng ở cơ sở, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương xây dựng Phương án số 22/PA-SNN về sự phối hợp giữa kiểm lâm địa bàn, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng và cán bộ xã trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, Sở chủ động tham mưu UBND tỉnh ký kết quy chế phối hợp về quản lý, bảo vệ rừng với các tỉnh giáp ranh như Kon Tum, Bình Định, Phú Yên và Đak Lak. Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh trong 2 năm trở lại đây đã có những chuyển biến tích cực. Như năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện 476 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 44 vụ so với năm 2018.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Theo đánh giá của các địa phương và đơn vị chủ rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Đặc biệt, diện tích rừng các vùng giáp ranh giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh do các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp và UBND các xã quản lý còn bị xâm hại. Theo ông Siu Sứ-Chủ tịch UBND xã Ia Tul (huyện Ia Pa), diện tích rừng trên địa bàn xã quá rộng và cách trở nên công tác quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn. Xã cũng đã tổ chức tuần tra, truy quét nhưng do lực lượng mỏng và không có công cụ hỗ trợ nên việc bảo vệ rừng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Còn ông Phạm Chí Hùng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Kdăm (huyện Ia Pa) cho biết: “Công tác phối hợp giữa kiểm lâm địa bàn, chủ rừng với lực lượng của xã trong thời gian qua chưa được nhịp nhàng. Khó khăn hiện nay là lực lượng của xã mỏng nên chưa đảm bảo được công tác quản lý, bảo vệ rừng. Không những vậy, điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn nên ý thức bảo vệ rừng chưa cao. Bên cạnh đó, rừng cách xa trung tâm xã, địa hình phức tạp nên rất khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ. Để công tác quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn, xã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan, kết hợp trồng rừng; tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Xã cũng xây dựng một nghị quyết chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn để bảo vệ tốt hơn trong những năm tới”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Huân-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh-thông tin: “Thời gian qua, lãnh đạo Chi cục đã xuống các xã Ia Kdăm, Ia Tul (huyện Ia Pa), Chư Rcăm (huyện Krông Pa), Sró, Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro)… tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để tạo sự phối hợp đồng bộ và gắn kết giữa kiểm lâm địa bàn, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng và cán bộ xã theo Phương án số 22-PA/SNN của Sở Nông nghiệp và PTNT. Cách làm này mang lại những tín hiệu tích cực hơn. Vì vậy, thời gian tới, Chi cục sẽ tổng kết việc thực hiện quy chế phối hợp giữa kiểm lâm địa bàn, nhân viên bảo vệ rừng, cán bộ xã trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá những mặt đã làm được, những tồn tại, hạn chế để kịp thời chấn chỉnh, tìm các giải pháp phù hợp với thực tế, hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp”.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm