Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Quản lý hoạt động xe máy kéo nhỏ: Còn nhiều khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xe máy kéo nhỏ (xe công nông, xe máy cày tay) là phương tiện không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ngoài việc phục vụ sản xuất, người dân còn dùng loại xe này chở người, gây mất an toàn giao thông, đặc biệt nguy hiểm tới tính mạng người ngồi trên xe.

Đến bây giờ, nhiều người vẫn còn nhớ vụ tai nạn thảm khốc giữa xe tải và xe công nông xảy ra tại Km 1568+700 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua thôn Đại An, xã Ia Khươl, huyện Chư Pah) cuối năm 2015 khiến 5 người chết, 9 người bị thương. Trước đó, 1 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khác đã xảy ra với chiếc xe công nông chở hơn 30 người ở xã Ayun (huyện Mang Yang) đi thăm người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trên đường về, đến đoạn dốc ở xã Kdang (huyện Đak Đoa), chiếc xe công nông này bị lật nhào khiến 25 người ngồi trên xe phải vào viện cấp cứu.

 

Xe máy kéo nhỏ chở kềnh càng trên quốc lộ 19. Ảnh: H.D
Xe máy kéo nhỏ chở kềnh càng trên quốc lộ 19. Ảnh: H.D

Đây không phải là những tai nạn hy hữu liên quan tới xe máy kéo nhỏ. Bởi hiện nay, trên các tuyến đường từ thành phố đến nông thôn, không khó để thấy cảnh người dân dùng xe máy cày, máy nông nghiệp tự chế vận chuyển vật liệu xây dựng, phân bón, nông sản và cả chở người... nghênh ngang lưu thông. Các loại xe máy kéo nhỏ này hầu hết đều được người dân độ chế lại, hoàn toàn không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật thiết kế, lại lưu thông trên tuyến đường mật độ giao thông cao nên đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra. Thông tin từ Văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh cho biết, năm 2016, toàn tỉnh có 17 vụ tai nạn giao thông liên quan tới xe công nông, làm chết 12 người, bị thương 12 người. Còn năm 2017, xảy ra 13 vụ, làm chết 11 người, bị thương 5 người.

Đối với vùng sản xuất nông nghiệp nói chung, Gia Lai nói riêng thì xe máy kéo nhỏ là rất cần thiết bởi sự tiện dụng và đa năng. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 38.000 xe máy kéo nhỏ. Ngoài chức năng chính là vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp từ nhà đến đồng ruộng và ngược lại, người dân còn dùng loại xe này làm máy cày, máy bơm, máy tuốt lúa (khi lắp từng loại thiết bị theo nhu cầu vào động cơ) và lắp cả rơ-moóc phía sau để chở người. Nhiều xe, hệ thống lái được cải tạo, thay thế từ điều khiển bằng càng sang bằng vô lăng, không có còi, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng ban đêm, hạn chế về tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, thùng xe được đóng theo nhiều kích cỡ khác nhau. Khi chở người, nếu tai nạn xảy ra, rủi ro là vô cùng lớn.

Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh, cho biết: “Xe máy kéo nhỏ là loại xe không được phép chở người. Thực hiện quy định của pháp luật, chủ trương của Chính phủ, tỉnh cũng đã ban hành quy định về phạm vi hoạt động của xe máy kéo nhỏ, đồng thời liên tục tuyên truyền, vận động chủ các phương tiện ký cam kết không chở người, không lưu thông trên các quốc lộ, tỉnh lộ, trong đô thị và đã lắp đặt biển phản quang cho gần 30.600 xe trên tổng số gần 38.000 xe máy kéo nhỏ trên địa bàn tỉnh”.

 

Theo thống kê, trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên hiện có hơn 145.000 xe máy kéo nhỏ, trong đó Đak Lak có số lượng nhiều nhất với 78.800 xe, Gia Lai 37.747 xe, Đak Nông 19.814 xe, Kon Tum 4.000 xe và Lâm Đồng 4.000 xe. Hầu hết các phương tiện đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc; nhiều phương tiện người dân tự chế, tự lắp ráp phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, do điều kiện các tỉnh Tây Nguyên chưa có nhiều đường dân sinh, đường gom dành cho phương tiện này hoạt động, người dân từ nhà đến nương rẫy buộc phải lưu thông trên một số đoạn tuyến của quốc lộ, tỉnh lộ. Vì vậy, trong thực tế, xe máy kéo nhỏ vẫn lưu thông trên các tuyến đường bị cấm và việc xử lý cũng gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là nhắc nhở và cho viết cam kết không tái phạm. Công tác quản lý hoạt động của xe máy kéo nhỏ tới nay vẫn vô cùng gian nan. Việc làm thế nào vừa đảm bảo mục tiêu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân vừa đảm bảo an toàn giao thông trong vấn đề này là một bài toán khó.

“Trong thời gian sắp đến, để hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông do loại phương tiện này gây ra, các lực lượng chức năng thông qua công tác tuần tra kiểm soát sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi sử dụng máy kéo nhỏ tham gia giao thông”-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết thêm.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm