Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tiến độ thực hiện cũng như giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 đến thời điểm này vẫn chậm nhiều so với yêu cầu. Do vậy, tại hội nghị sơ kết công tác tháng 8, triển khai nhiệm vụ tháng 9 và những tháng cuối năm 2019 do UBND tỉnh Gia Lai tổ chức ngày 30-8, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo: Từ nay tới cuối tháng 9, nếu công trình nào tiến độ giải ngân không đạt 60%, ngoài việc xem xét kỷ luật chủ đầu tư thì vốn của công trình sẽ bị cắt và điều chuyển sang công trình khác.
Tiến độ giải ngân còn chậm
Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2019, kể cả nguồn vốn kéo dài từ năm 2018 sang là 3.598 tỷ đồng (nguồn ngân sách địa phương là 1.360,3 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu là 343 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia 379,2 tỷ đồng; vốn kéo dài từ năm 2018 sang năm 2019 là 603,2 tỷ đồng; số còn lại là vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ngân sách trung ương bổ sung). Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư tính số liệu giải ngân là 3.141,2 tỷ đồng (do số thu tiền sử dụng đất kế hoạch năm 2019 là 755 tỷ đồng nhưng dành cho đầu tư là 298,43 tỷ đồng, còn lại 456,57 tỷ đồng chi trích nộp quỹ phát triển đất, đo đạc, đền bù nên không tính vào số giải ngân của kế hoạch). 
Tính đến ngày 20-8, khối lượng thực hiện đạt 1.46,4 tỷ đồng, đạt 46,5% kế hoạch; khối lượng giải ngân là 1.255,7 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch. Một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên 60% như: An Khê (69%), Chư Sê (64,4%), Ia Pa (62,3%), Kông Chro (61%), Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (68%), Văn phòng Tỉnh ủy (82,2%), Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (97%). Bên cạnh đó, cũng còn nhiều chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp như: Krông Pa (26,4%), Ayun Pa (28,4%), Sở Nông nghiệp và PTNT (12%), Bệnh viện Đa khoa tỉnh (29%), Sở Y tế (22,2%)...
 Thi công đường liên xã Ia Kla-Ia Krêl-Ia Kriêng (huyện Đức Cơ). Ảnh: H.D
Thi công đường liên xã Ia Kla-Ia Krêl-Ia Kriêng (huyện Đức Cơ, Gia Lai). Ảnh: H.D
Theo đánh giá của UBND tỉnh, đến nay, hầu hết công trình khởi công mới đều có tiến độ thi công nhanh hơn so với cùng kỳ năm ngoái; các dự án chuyển tiếp cũng đã triển khai thi công và giải ngân vốn. Tuy nhiên, ở một số dự án quan trọng, chủ đầu tư vẫn triển khai chậm so với tiến độ đề ra như: dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú; dự án đường nội thị TP. Pleiku; dự án kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun đoạn qua thị xã Ayun Pa; dự án đường liên huyện Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông; dự án sửa chữa nâng cao an toàn đập.
Nói về nguyên nhân tiến độ giải ngân của địa phương chưa đạt yêu cầu, ông Nguyễn Văn Lộc-Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa-cho biết: Dự án kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun là dự án lớn nên việc giải ngân chậm đã gây ảnh hưởng chung tới tiến độ giải ngân của cả thị xã. Nguyên nhân dự án này chậm giải ngân là do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Thời gian qua, thị xã đã tích cực tuyên truyền cho những hộ có đất nằm trong vùng dự án, hiện bà con cũng đã đồng ý với phương án bồi thường. Chúng tôi đang thực hiện các thủ tục cần thiết để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Một nguyên nhân khiến các dự án do UBND xã làm chủ đầu tư triển khai chậm tiến độ là do năng lực hạn chế của đội ngũ cán bộ xã. Ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-cho hay: “Kế hoạch vốn của huyện năm 2019 là 107,97 tỷ đồng, hiện đã giải ngân đạt 48,8%. Dự kiến đến 30-9, huyện sẽ giải ngân được khoảng 70%. Một khó khăn chúng tôi đang gặp đối với các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia do xã làm chủ đầu tư là đội ngũ cán bộ xã còn nhiều hạn chế về năng lực nên công tác lập hồ sơ dự toán, công tác giám sát... vẫn còn nhiều lúng túng, gây chậm trễ tiến độ triển khai. Vì vậy, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình 135 hiện mới chỉ đạt 43%”.  
Sẽ kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu
Khó khăn của huyện Mang Yang (Gia Lai) cũng là vấn đề gặp phải của hầu hết các địa phương trong tỉnh. Vì thế, có địa phương đã đề nghị UBND tỉnh cho phép sử dụng ngân sách xã để thuê người lập hồ sơ dự toán, thuê giám sát độc lập nhằm đảm bảo chất lượng công trình (công tác giám sát chất lượng các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia hiện được giao cho Mặt trận xã). Song đối với vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo: “Nơi nào yếu thì huyện cử người xuống giúp chứ không thuê mướn vì trái với chỉ đạo của Chính phủ và làm mất đi ý nghĩa về trách nhiệm cộng đồng của các chương trình này”.
Tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn vẫn còn quá chậm là điều dễ thấy đối với công tác xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh cho tới thời điểm này. Việc chậm tiến độ, ngoài nguyên nhân khách quan do quy trình thủ tục triển khai các dự án khởi công mới kéo dài, các nhà tài trợ dự án vốn nước ngoài chậm có ý kiến thì còn do sự phối hợp giữa các địa phương, các chủ đầu tư với các sở, ngành từ khâu triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư đến thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán còn lúng túng, chưa chặt chẽ; công tác giải phóng mặt bằng chậm; việc lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công chưa đáp ứng yêu cầu; năng lực một số ban quản lý dự án yếu. Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư chưa phát huy hết trách nhiệm trong công tác quản lý dự án, giám sát tiến độ công trình, kể cả công tác phối hợp với các địa phương trong giải phóng mặt bằng, đôn đốc tiến độ thi công cũng như đôn đốc giải ngân theo tiến độ.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: “Yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 tính đến ngày 20-8 đạt dưới 40% kế hoạch phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm trễ tiến độ giải ngân công trình; đồng thời báo cáo các giải pháp khắc phục, kết quả kiểm điểm về UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) trước ngày 10-9. Đến ngày 30-9, đơn vị nào có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 dưới 60% kế hoạch thì người đứng đầu phải nhận trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất điều chuyển vốn cho các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý có tiến độ thi công nhanh, có khả năng thanh toán và hoàn thành trong năm 2019, không để các nguồn vốn đầu tư không được bố trí và giải ngân hết trong năm”.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương làm việc với các sở, ngành, địa phương có tiến độ giải ngân vốn thấp rà soát cụ thể các công trình, dự án chậm tiến độ, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và tập trung tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Và để tránh chậm trễ cho các công trình, dự án triển khai vào năm sau, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới năm 2020 và phải tiến hành song song công tác giải phóng mặt bằng, dự toán thiết kế, đảm bảo ngay từ đầu năm 2020 các dự án đủ điều kiện để khởi công.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm