Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Quyết liệt ngăn chặn dịch tả heo châu Phi lây lan ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ ổ dịch đầu tiên tại xã Chư Don (huyện Chư Pưh, Gia Lai), chỉ sau hơn nửa tháng, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 8 xã, thị trấn của 3 huyện: Chư Pưh, Chư Prông và Đức Cơ. Điều này cho thấy, dịch bệnh này đang diễn biến phức tạp ở tỉnh ta, có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Vì vậy, việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng-chống dịch, ngăn chặn sự lây lan đang là nhiệm vụ hết sức cấp bách.
Dịch lây lan nhanh
Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chuyên môn, đến ngày 8-6, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra ở 131 hộ chăn nuôi tại 24 thôn, làng của 8 xã, thị trấn thuộc 3 huyện: Chư Pưh, Chư Prông và Đức Cơ. Tổng số heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 795 con với tổng trọng lượng hơn 18,8 tấn. Phần lớn heo chết và mắc bệnh là heo bản địa, heo rừng lai được người dân nuôi theo hình thức thả rông.
Lực lượng chức năng phun hóa chất tiêu độc khử trùng phương tiện ra vào xã Ia Piơr (huyện Chư Prông). Ảnh: N.D
Lực lượng chức năng phun hóa chất tiêu độc khử trùng phương tiện ra vào xã Ia Piơr (huyện Chư Prông). Ảnh: N.D
Sau khi xuất hiện dịch, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để ứng phó, ngăn chặn dịch lây lan. Cụ thể, tỉnh đã thành lập 2 chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời trên quốc lộ 14 đoạn qua huyện Chư Pưh nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo ra vào địa bàn. Bên cạnh đó, huyện Chư Pưh cũng đã thành lập nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời tại các xã có dịch, vùng dịch uy hiếp và vùng đệm; tổ chức tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột nhằm hạn chế không để dịch lây lan trên diện rộng. Các huyện như Chư Prông, Đức Cơ cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dịch xâm nhiễm. 
Mặc dù chính quyền và ngành chức năng các địa phương đã có nhiều nỗ lực khống chế, ngăn chặn song dịch tả heo châu Phi vẫn xuất hiện ở các huyện Chư Prông, Đức Cơ. Ngày 27-5, sau khi có thông tin heo bị bệnh và chết tại 2 hộ gia đình ở làng Klah (xã Ia Mơr) và 1 hộ tại thôn Phù Yên (xã Ia Piơr), UBND huyện Chư Prông đã chỉ đạo các ban, ngành của huyện và các xã kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn heo này. Đến ngày 4-6, số heo chết tại 3 hộ trên đã lên đến 35 con. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã lập biên bản tiêu hủy heo theo đúng quy định, không để lây lan trên diện rộng; đồng thời đề xuất Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, các mẫu bệnh phẩm dương tính với dịch tả heo châu Phi. Tại huyện Đức Cơ, từ ngày 3-6 đến nay, ở 3 làng Sung Kép, Sung Le Kắt và Sung Le Tung (xã Ia Kla) có 34 con heo của 18 hộ gia đình có dấu hiệu mắc bệnh; kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng V, các mẫu bệnh phẩm dương tính với dịch tả heo châu Phi.
Quyết liệt dập dịch
Theo nhận định ban đầu của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân dịch tả heo châu Phi lây lan vào địa bàn tỉnh có thể xuất phát từ tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Tại huyện Chư Pưh, nơi có 4 xã và thị trấn Nhơn Hòa công bố dịch, đến nay, số heo mắc bệnh và chết vẫn xuất hiện rải rác ở xã Ia Le; riêng các xã, thị trấn còn lại, số lượng heo bệnh, chết không còn tăng. Các địa phương mới công bố dịch như Ia Piơr, Ia Mơr (huyện Chư Prông) và Ia Kla (huyện Đức Cơ) đang tập trung các giải pháp quyết liệt nhằm khống chế, không để dịch lây lan trên diện rộng. Ông Bùi Văn Phụng-Chủ tịch UBND xã Ia Piơr-cho biết: “Sau khi công bố dịch trên địa bàn xã, 3 chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời đã được thành lập và hoạt động 24/24 giờ để kiểm soát việc vận chuyển, tiêu thụ heo. Xã cũng đã tổ chức rắc vôi, tiêu độc khử trùng thường xuyên tại những khu vực chăn nuôi và vùng có nguy cơ cao. Đến ngày 9-6, trên địa bàn xã chưa phát hiện thêm heo bị bệnh và chết”.
 Vận chuyển heo chết và heo bệnh ra khu vực tiêu hủy tại xã Chư Don (huyện Chư Pưh). Ảnh: N.D
Vận chuyển heo chết và heo bệnh ra khu vực tiêu hủy tại xã Chư Don (huyện Chư Pưh). Ảnh: N.D
Chủ tịch UBND huyện Chư Prông Nguyễn Anh Dũng cho biết thêm: Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, thời gian qua, các cấp, ngành của huyện đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như thành lập 11 chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời tại các tuyến đường chính ra vào các xã Ia Mơr, Ia Piơr, Ia Lâu, Ia Vê và đường giáp ranh với các xã của huyện Chư Sê, Chư Pưh. Trong đó, các xã Ia Mơr, Ia Piơr, Ia Lâu đều có 3 chốt, xã Ia Vê 2 chốt để kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán heo vào địa bàn. Bên cạnh đó, huyện đã đề nghị 3 đồn Biên phòng Ia Mơr, Ia Púch và Ia Lốp tăng cường kiểm soát chặt chẽ các phương tiện trên tuyến quốc lộ 14C, đường biên giới, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, không cho phép mọi hình thức buôn bán, vận chuyển heo và các sản phẩm heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Đối với các xã có tuyến quốc lộ chạy qua như Ia Băng, Thăng Hưng, Bàu Cạn, Bình Giáo, huyện yêu cầu cán bộ nông nghiệp, thú y địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn kiến thức cho người dân về nhận biết heo bị bệnh, xử lý tiêu hủy khi phát hiện heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi...
Tại Đức Cơ, ông Trịnh Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho hay: Sau khi công bố dịch tả heo châu Phi tại xã Ia Kla, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành tiến hành tiêu hủy heo chết và bệnh, tổ chức tiêu độc khử trùng. Huyện cũng đã thành lập 2 chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời trên các trục giao thông chính ra vào vùng dịch.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xuất cấp 3.360 lít hóa chất Benkocid từ nguồn dự trữ của tỉnh cho các địa phương, các chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời để phun tiêu độc khử trùng; đồng thời triển khai tháng tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi từ ngày 10-6 đến ngày 10-7. Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Trước những diễn biến của dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng và các địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp phòng-chống dịch, ngăn chặn không để lây lan trên diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm