Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Quyết liệt ngăn chặn dịch tả heo Châu Phi ở Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là địa phương giáp ranh với vùng dịch Chư Pưh và Chư Prông, thời gian qua, huyện Chư Sê đã triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp nếu dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn.

 

Đẩy mạnh tuyên truyền

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Chư Sê đã triển khai khẩn cấp, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi, trong đó có công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bệnh dịch này. Thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, hàng ngày, ngành chức năng huyện tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng-chống dịch bệnh, các biểu hiện của bệnh và hình thức lây lan chủ yếu, mức độ nguy hiểm của bệnh và tác hại của việc vận chuyển, buôn bán heo sống, sản phẩm từ heo bất hợp pháp. Ngoài ra, huyện còn vận động người chăn nuôi trên địa bàn cam kết thực hiện “5 không”: không giấu dịch; không mua bán heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Anh Phạm Văn Bảo-cán bộ thú y xã Ia Pal-cho biết: “Toàn xã có hơn 140 hộ dân chăn nuôi heo. Là cán bộ thú y cơ sở, tôi thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi chủ động kiểm tra, giám sát đàn heo của gia đình; chủ động phun thuốc tiêu độc khử trùng và vệ sinh môi trường bằng vôi bột nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh; nếu phát hiện heo có triệu chứng bất thường thì phải báo ngay cho chính quyền cơ sở và cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn, xử lý kịp thời”.

 Huyện Chư Sê đã xuất ngân sách để tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại các xã giáp ranh với vùng dịch Chư Pưh. Ảnh: H.T
Huyện Chư Sê đã xuất ngân sách để tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại các xã giáp ranh với vùng dịch Chư Pưh, Gia Lai. Ảnh: H.T



Bên cạnh tuyên truyền về phòng-chống dịch bệnh, các địa điểm giết mổ, kinh doanh thịt heo đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… cũng được cập nhật lên trang thông tin điện tử của UBND huyện để người dân theo dõi, đáp ứng yêu cầu vừa phòng-chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Chủ động phòng-chống dịch bệnh

 


Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, tổng đàn heo của huyện khoảng 50.000 con. Huyện có gần 10 trang trại chăn nuôi lớn và 1 lò giết mổ gia súc tập trung với công suất trung bình khoảng 40 con/ngày. Thịt heo giết mổ ở đây được kiểm dịch theo quy định, chủ yếu cung cấp cho thị trấn Chư Sê và các xã lân cận.
 

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi huyện Chư Sê-cho hay: Trước tình hình bệnh dịch xuất hiện và diễn biến phức tạp tại Chư Pưh và Chư Prông, UBND huyện Chư Sê đã ban hành kế hoạch về hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm trên địa bàn; tổ chức kiểm tra nắm tình hình; thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng-chống bệnh dịch này ở các cấp; lập và công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin bệnh dịch tả heo châu Phi từ người dân. Đồng thời, huyện đã xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp nếu xảy ra dịch tả heo châu Phi trên địa bàn. “Huyện đã xuất ngân sách 76 triệu đồng để phun thuốc tiêu độc khử trùng 4 đợt (1 tuần/đợt) tại 4 xã giáp ranh với huyện Chư Pưh gồm: Ia Pal, Ia Blang, Ia Ko, Hbông với 224 lít hóa chất Benkocid; cấp 3 tấn vôi bột để rải trên các tuyến đường xung yếu tiếp giáp với vùng dịch. Ngoài ra, huyện cũng đang đề xuất tỉnh cấp thêm khoảng 300 lít hóa chất Benkocid để phun diện rộng tại 11 xã, thị trấn còn lại để phòng-chống bệnh dịch một cách đồng bộ. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện chưa phát hiện ổ bệnh dịch tả heo châu Phi”-ông Hợp thông tin.

Cùng với sự vào cuộc của chính quyền, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Chư Sê cũng chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng dịch tả heo châu Phi để bảo vệ tài sản của mình. Anh Bảo cho hay: “Gia đình tôi hiện nuôi khoảng 300 con heo các loại. Vì xã Ia Pal tiếp giáp với huyện Chư Pưh và có tuyến quốc lộ đi qua nên chúng tôi rất chú trọng đến vấn đề phòng dịch tả heo châu Phi; phối hợp với chính quyền thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi”.

Các trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn huyện cũng đã tự phong tỏa, nghiêm cấm người ra vào để tránh mầm bệnh xâm nhiễm. Ông Lê Văn Công-Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Gia Lai-cho biết: “Công ty đang ký kết hợp tác chăn nuôi với 5 trang trại tại huyện Chư Sê, tổng đàn heo khoảng 4.000 con. Với phương châm phòng là chính, ngoài cách ly tuyệt đối với các nguồn có thể lây nhiễm bệnh cho đàn heo, các trang trại còn tiến hành rải vôi bột và phun hóa chất tiêu độc khử trùng hàng ngày. Cùng với đó, chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật lực để kịp thời triển khai các biện pháp phòng-chống nếu dịch xảy ra”.

Cũng theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, công tác phòng-chống dịch tả heo châu Phi ở Chư Sê cũng gặp một số bất cập như: địa bàn huyện có tuyến quốc lộ đi qua nên vi rút gây bệnh dịch tả heo rất dễ phát tán, khó kiểm soát; nhiều người dân địa phương chăn nuôi heo theo tập quán thả rông, không nhốt tại chuồng trại nên rất khó khi triển khai phòng-chống dịch; lực lượng chuyên trách về lĩnh vực thú y ở cấp xã quá mỏng trong khi địa bàn quản lý tương đối rộng…

 HỒNG THI
 

Có thể bạn quan tâm