Báo xuân

Ra khỏi "ao làng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những cuộc xê dịch luôn rất bổ ích, nhất là với những người làm nghệ thuật, giúp họ có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, tìm hiểu phong cách làm việc cùng những tác phẩm của nước bạn. Với những nữ văn nghệ sĩ tại Gia Lai cũng vậy, những cuộc vượt thoát ra khỏi chiếc “ao làng” đã luôn mang đến động lực sáng tạo mạnh mẽ…

Vươn ra biển lớn

 

Nữ họa sĩ Xuân Thu (hàng ngồi, ngoài cùng bên phải) cùng các nữ đồng nghiệp quốc tế (ảnh do nhân vật cung cấp).
Nữ họa sĩ Xuân Thu (hàng ngồi, ngoài cùng bên phải) cùng các nữ đồng nghiệp quốc tế (ảnh do nhân vật cung cấp).

Đối với văn nghệ sĩ tỉnh lẻ như Gia Lai, cơ hội để ra nước ngoài tham gia những sân chơi lớn, học hỏi kinh nghiệm là không nhiều. Và nữ họa sĩ duy nhất của Gia Lai được mời tham gia các triển lãm quốc tế, khẳng định được những màu sắc rất riêng của hội họa vùng đất Tây Nguyên cũng như Việt Nam chính là họa sĩ Xuân Thu. Đặc biệt, tại Triển lãm mỹ thuật lần thứ 7 với tên gọi “Flowers of the world” của Hội Nữ sáng tạo quốc tế tổ chức vào tháng 9-2016 ở Yokohama-Nhật Bản, nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đã góp mặt cùng 3 đại diện khác của Việt Nam là Nguyễn Thị Dư Dư (Đà Nẵng), Phạm Lê Hoài và Trần Thị Bảo Trân (Nha Trang). Trước đó, chị cũng được mời tham gia triển lãm nói trên, tổ chức tại Trung Quốc năm 2015 nhưng vì bận một số việc riêng nên chỉ gửi tranh triển lãm.

Đã từng có 2 triển lãm cá nhân ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều triển lãm nhóm trong và ngoài nước, song cơ hội trực tiếp tham gia những sân chơi lớn và giao lưu cùng những nữ họa sĩ quốc tế đã cho họa sĩ Xuân Thu những cảm nhận thật đặc biệt. Một tuần ở thành phố cảng Yokohama mới thấy được và cảm phục sức lao động, sáng tạo bền bỉ của các nữ họa sĩ quốc tế, đặc biệt là những họa sĩ Nhật Bản; có người vẫn cầm cọ và cho ra đời nhiều tác phẩm đáng ngưỡng mộ dù đã ở tuổi U70. “Tranh của họ rất “bão”, rất mới, với tinh thần cực kỳ nghiêm túc. Có những tác phẩm có khổ rất lớn, đề tài và cách diễn đạt rất hiện đại, chất liệu phong phú, mới lạ… Tôi ấn tượng nhất là tranh của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Dư Dư (Việt Nam) và Akiko Kondo (Nhật Bản)”-họa sĩ Xuân Thu không tiếc lời khen ngợi dành cho các nữ đồng nghiệp.

Ngoài ra, trong thời gian lưu lại Yokohama, chị còn được tham quan các bảo tàng, thắng cảnh, đền chùa của đất nước nổi tiếng về chiều sâu văn hóa này, cũng như thăm nhà một số họa sĩ nổi tiếng của Nhật Bản… Một kỷ niệm đáng nhớ khác là nhiều chiếc gùi, bầu, mặt nạ… được trang trí bằng những nét vẽ ngẫu hứng mà chị mang theo trưng bày cùng 5 bức tranh đã được người thưởng lãm rất yêu thích và mua về trưng bày.

Chia sẻ cùng P.V Báo Gia Lai, họa sĩ Xuân Thu cho biết, tháng 5-2017, chị sẽ tiếp tục là một trong 3 họa sĩ của Việt Nam được mời tham gia một triển lãm nhóm tại Nga. “Mong rằng trong thời gian tới sẽ được tham gia nhiều hơn nữa các triển lãm quốc tế. Những chuyến đi như thế khiến tôi cảm thấy thật thư thái, qua đó có thể học hỏi tinh thần làm việc và có thêm nhiều động lực sáng tạo”-chị nói.

“Đi chính là trải nghiệm chân thật nhất”

Trong khi đó, khá trẻ về tuổi đời và tuổi nghề nhưng lại có thừa sự năng động nên một số nữ văn nghệ sĩ trẻ Gia Lai đã không chờ cơ hội đến mà tự tạo ra cơ hội bằng cách… xách ba-lô lên và đi! Nhà thơ Lê Vi Thủy và nhà văn Lê Thị Kim Sơn là 2 trong số những người rất chịu khó dịch chuyển khi cùng nhau bỏ tiền túi 4 lần liên tục qua 8 nước, chuyến đi ngắn nhất là một tuần, chuyến dài nhất 20 ngày, bằng đường bộ hoặc máy bay.

 

Một thoáng Nepal.
Một thoáng Nepal.

Lê Vi Thủy cho hay, họ có một nhóm bạn chung khoảng 10 người tại Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh, thường xuyên rủ nhau đi “khám phá thế giới”. Chuyến đi đầu tiên kéo dài gần 20 ngày qua 3 nước Lào, Thái Lan và Campuchia; chuyến thứ hai đến Thái Lan và Myanmar; kế đó là các chuyến đi Malaysia-Nepal-Ấn Độ… Do cùng là giáo viên, có lợi thế nghỉ dài ngày vào dịp hè nên Thủy và Sơn dễ dàng sắp xếp công việc và lên lịch cho chuyến đi. Ngoài ra còn một thuận lợi không nhỏ khác: Khoảng cuối tháng 8 và tháng 11 hàng năm là thời điểm các hãng máy bay giảm giá vé tới mức 0 đồng, vì thế chi phí chuyến đi khá “mềm”. Nhóm cũng không quá cầu kỳ về nơi ăn, chốn ở. Hễ gặp món nào lạ, quán cóc lề đường gì đều vào ăn thử cho biết, chọn khách sạn giá rẻ, di chuyển bằng các phương tiện công cộng hoặc có thuê xe thì nhờ đi đông, chia đều nên chi phí cũng rẻ hẳn. “Nói ra thì rất ngại, nhiều người còn “ném đá” và cho rằng mình nói phét, nhưng thật ra chi phí cho các chuyến đi này rất rẻ, chỉ trên dưới chục triệu đồng/người”-Lê Vi Thủy chia sẻ.  

Cái được lớn nhất của họ là trải nghiệm cuộc sống với người dân địa phương cũng như phong tục, tập quán, ngôn ngữ… của nhiều quốc gia khác nhau, “mà nếu ở nhà thì tưởng tượng thì kiểu gì cũng không ra được. Đôi lúc thấy mình bé nhỏ, những gì mình đã biết, đã học lọt thỏm giữa những điều mình chưa biết… Đi rồi mới thấy cuộc sống ở nhiều nơi không đẹp như ta mơ tưởng, mà ở đâu cũng có người giàu, người nghèo, có hạnh phúc và bất hạnh…”-đó là những cảm nhận của nhà thơ Lê Vi Thủy. Còn với cây viết trẻ Kim Sơn, thu hoạch lớn nhất sau mỗi chuyến đi có lẽ là kinh nghiệm từ sự tiếp xúc văn hóa: Người dân Lào, Thái, Campuchia hiền lành và hồn hậu, người Myanmar chất phác, hiếu khách, đất nước Nepal là nơi giao thoa của nhiều tôn giáo nhưng không hề có sự phân biệt gay gắt về tôn giáo và đẳng cấp như Ấn Độ. Còn ở Ấn Độ, mùi cari đậm đặc, các bộ sari (trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn), sự cách biệt lớn về giàu-nghèo... cũng để lại ấn tượng cực kỳ khó phai. Trong khi đó, ở Malaysia và Singapore, sự hiện đại, sang trọng và sạch sẽ khiến người ta không khỏi thích thú… Đặc biệt, Kim Sơn cũng chia sẻ một ấn tượng mạnh mẽ khi đến thăm ngôi đền Taj Mahal (Ấn Độ), “nơi mãi chỉ có thể ở trên ti vi, trong những trang sách chuyên ngành về mỹ thuật, nhưng chuyến đi đó đã biến giấc mơ thành hiện thực. Ngôi đền ở ngay trong tầm mắt tôi, như chứng nhân sừng sững của một cuộc tình xuyên thời gian, khiến tôi thỏa mãn cảm quan của chính mình…”.

Với họ, những người cầm bút nói riêng và những người làm nghệ thuật nói chung rất cần những trải nghiệm về cuộc sống để tác phẩm của mình hay hơn, gần hơn với thực tế; muốn vậy buộc họ phải đi nhiều. Và những chuyến xê dịch, đặc biệt là ra nước ngoài, đã giúp họ học hỏi được rất nhiều điều, tăng thêm vốn sống cho bản thân, học cách thích nghi với nhiều điều kiện sống. “Chỉ có đi mới là trải nghiệm chân thật nhất”-nói như Lê Vi Thủy.

 Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm