(GLO)- Tuần qua, Công an tỉnh Gia Lai đã có quyết định xử phạt cơ sở kinh doanh trái cây của ông Nguyễn Đức Trọng (43 tuổi, ở hẻm Trường Chinh, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) số tiền 20 triệu đồng vì tẩm hóa chất vào 300 kg sầu riêng bị bắt quả tang ngày 13-9.
Cũng đầu tháng 9-2017, Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Kon Tum bắt quả tang cơ sở thu mua sầu riêng của bà Trần Thị Tuyết (38 tuổi, trú tại nhà số 789 đường Phạm Văn Đồng, TP. Kon Tum) có hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm. Bà Tuyết thừa nhận mua hơn 2 tấn sầu riêng với giá khoảng 70 triệu đồng; đã nhúng hóa chất khoảng 1,2 tấn. Sau khi nhúng 2 ngày thì sầu riêng sẽ chín đều, tung ra thị trường.
Ảnh: Lê Anh |
Trước đó, sáng 5-6-2017, Công an TP. Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) bắt quả tang Phạm Thị Kim Đào (28 tuổi) và Nguyễn Văn Hóa (19 tuổi, cùng trú tại phường Tân Quy Đông, TP. Sa Đéc) đang sử dụng hóa chất để ngâm trái cây bán cho người tiêu dùng. Khám xét hiện trường, lực lượng Công an tạm giữ 45 chai hóa chất chưa sử dụng, 3 chai hóa chất đã sử dụng, 28 kg bơ đang ngâm hóa chất, 547 kg bơ đã ngâm xong đang bày bán.
Không chỉ sầu riêng, bơ mà chuối, cam, mít, ổi... đều bị ngâm hóa chất độc hại để chín ép bán ra thị trường. Hiện nay, ở Gia Lai, người ta công khai mua sầu riêng non, bơ non, chuối non... Người mua những quả non này về ngâm hóa chất cho trương phình, nở ra để được lợi về trọng lượng chứ không hao hụt, dễ bị hỏng như mua quả già, quả chín. Người bán thì lóa mắt vì bán ngay tất cả quả non, lấy tiền một lúc không phải đợi lắt nhắt từng quả chín.
Từ mấy chục năm trước, tôi đã nhìn thấy người làm la-ghim (rau xanh) luôn có một vạt rau để ăn, khác với đám rau trồng bán. Rau xanh trồng đi, trồng lại quanh năm trên một đơn vị diện tích nên đất thoái hóa, sâu bệnh rất nhiều buộc phải phun thuốc, bón phân thường xuyên. Đấy là chưa kể một số rau quả tối hái ngâm hóa chất sáng ra bán để nhìn mướt mắt, để chúng lớn như thổi, để được lợi nhuận.
Chuyện thực phẩm ướp hóa chất độc hại đã không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt mà trở thành vấn đề phổ biến. Người tiêu dùng giờ không biết đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn, nếu cần thực phẩm sạch thì đến địa chỉ kinh doanh nào. Câu chuyện tiền mất, tật mang không chỉ tồn tại trong các cơ sở khám-chữa bệnh mà cả với các mặt hàng lương thực, thực phẩm.
Nhiều người bảo: Ăn thì chết dần, không ăn thì chết liền nên buộc phải ăn. Biết ăn là chết nhưng không có cách gì khác.
Thức uống đặc sản của vùng Tây Nguyên là cà phê, giá khá rẻ giờ cũng bị giả bởi nhiều thứ phụ gia, hương liệu. Tại TP. Pleiku, đầu năm 2017, cơ quan chức năng đã phát hiện một doanh nghiệp sản xuất cà phê bằng hóa chất Trung Quốc với hơn 60 can nhựa tạo mùi đã được sử dụng. Ngay khi thông tin trên được báo chí đăng tải, người tiêu dùng Phố núi chuyển dần từ uống cà phê phin truyền thống sang sử dụng cà phê nguyên chất.
Rau quả tẩm hóa chất khi người tiêu dùng sử dụng, hậu quả khôn lường. Các hóa chất độc hại thẩm thấu vào cơ thể, tích tụ lâu dần phát sinh không biết bao nhiêu loại bệnh, nhiều nhất có lẽ là ung thư và vô sinh.
Vì sao người Việt lại tự đầu độc nhau như vậy? Câu trả lời có thể nói ngay là hám tiền. Trong cuộc sống ai cũng cần tiền, song vi phạm đạo đức, bất chấp sức khỏe, mạng sống của người khác để kiếm tiền thì cần phải xử lý nghiêm khắc.
Chế tài của chúng ta chưa đủ sức răn đe những người làm ăn gian dối, gây tổn hại sức khỏe cộng đồng. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng tẩm hóa chất khi bị phát hiện xử phạt quá nhẹ nên họ sau đó vẫn tiếp tục thực hiện hành vi cũ.
Vì sao chúng ta xem nhẹ sức khỏe người tiêu dùng Việt mà không có những quy định chặt chẽ đối với các mặt hàng thực phẩm như các nước Nhật, Mỹ, châu Âu? Tại sao cứ xuất khẩu sang các thị trường này thì đòi hỏi chất lượng tốt, có kiểm định hẳn hoi còn thị trường trong nước thì “sao cũng được”? Đã đến lúc Nhà nước cần có chế tài đủ mạnh, tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm chuẩn như các nước để sức khỏe người Việt, mạng sống của người Việt cũng ngang bằng như sức khỏe, mạng sống công dân các nước tiên tiến.
Nhật Cường