Báo xuân

Rừng cây bến nước buôn làng…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bến nước bên sông, bên suối không thể thiếu được trong đời sống vật chất và tinh thần của buôn làng người bản địa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Bến nước ấy kề cạnh buôn làng, luôn sạch đẹp và đầy đặn với tình cảm thiêng liêng trong lòng người.

Bến nước có trước, buôn làng có sau, được kiếm tìm chọn lựa trong quá trình thành lập làng, phải là nơi thuận lợi thoáng mát bóng cây xanh, không đổi thay dòng chảy và không bị ô nhiễm từ nguồn xa. Bến nước buôn làng nằm giữa rừng cây xanh đầy chim thú; rừng một bên, làng một bên trong mối quan hệ thân tình giữa người và thiên nhiên.

 

 

Rừng cây, chim thú luôn được tôn trọng giữ gìn, đã san sẻ đất đai cho con người mở mang buôn làng và nương rẫy. Qua từng mùa mưa nắng Tây Nguyên, nương rẫy, rừng cây, sông suối quanh năm hào phóng đem lại sự sống cho cộng đồng làng. Người người sống với nhau đầy tình yêu thương, đoàn kết, không ai tự ti, không ai tự cao, đẹp sao những khuôn mặt hồn hậu và chân thật trong ánh mắt nụ cười, từ trẻ thơ đến người già.

Trong lòng người bản địa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên cùng mang niềm biết ơn rừng, từ mật ong, dược thảo, thức ăn, thức uống, từ chiếc áo vỏ cây thuở ban đầu xưa xa, chiếc gùi đan kết bằng tre mây, con thuyền mộc ngược xuôi ngang dọc trên sông cho đến nguyên liệu tạc tượng, làm nhà ở và nhà mồ ngày nay, đều nhận được từ rừng cây kề cạnh buôn làng. Rừng còn cho người hương vị rượu cần ủ men lá rễ cây thơm nồng và sắc màu văn hóa hoa văn trên trang phục thổ cẩm. Rừng cho người sự sống, người biết ơn rừng và sống có đạo lý với rừng, tôn trọng buồn vui của đời sống thiên nhiên. “Rừng mà không còn chim thú thì rừng buồn lắm…”.

Ấy là tình ý của người bản địa Tây Nguyên nhắn nhủ nhau phải biết giữ gìn bước chân thú, cánh chim bay cho rừng vui đầy đủ ý nghĩa là rừng. Thế nên người làng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên rất hạn chế săn bắt thú rừng, chưa bao giờ và không bao giờ xẻ thịt với mục đích mua bán; chỉ có khi cần thiết, con thú ai đó săn được thì được phần ưu tiên, còn là phần lớn thì chia đều cho cả làng, không quên phần dành cho đứa bé còn trong bụng mẹ. Người săn được thú cũng không quên làm một lễ nhỏ: tạ lỗi và biết ơn rừng.

 

Tuổi trẻ với cồng chiêng. Ảnh: Bảo Hưng
Tuổi trẻ với cồng chiêng. Ảnh: Bảo Hưng

Tội lỗi lớn nhất ghi rõ trong luật tục Tây Nguyên, không phải cái tội làm cháy làng mà là cái tội làm cháy rừng, không gian sinh tồn và thiêng liêng của buôn làng, hình phạt nặng nhất dành cho kẻ gây ra là bị đuổi đi khỏi làng, không còn xứng đáng là người của làng, sống bơ vơ, đến bất cứ làng nào khác cũng không ai dung chứa…

*
Buôn làng các dân tộc bản địa Tây Nguyên, từ người Sê Đăng, Giẻ Triêng… bên những con suối dòng sông Pô Cô, Đak Tờ Kan, Sa Thầy, Đak Bla trên vùng rừng núi tỉnh Kon Tum; từ người Bahnar, Jrai bên sông Pa, Ayun, Sê San của tỉnh Gia Lai đến tỉnh Đak Lak và Đak Nông nơi định cư của người Ê Đê, M’Nông bên dòng nước Krông Ana, Krông Knô, Đak Nông, Đak R’Tih, tất cả đều có riêng sắc màu văn hóa, ít nhiều khác nhau về cung cách dáng hình nhưng có chung bản sắc đậm đà tình làng nghĩa xóm và cảm hứng thủy chung với rừng cây xanh bến nước sạch và buôn làng thân thương.

Buôn làng nào cũng mang trong lòng nội hàm văn hóa từ nhiều đời trong quan hệ ứng xử luôn thân tình trân trọng giữa người với người chung nguồn nước và người với thiên nhiên xanh vây quanh. Tên núi, tên sông, tên suối gần gũi hoặc tên người tài trí hiền lương có công lớn với cộng đồng được đặt tên cho buôn làng, thân thiết như hơi thở máu thịt, ai cũng mến thương, tự hào khi nhắc đến, ai cũng ngại làm điều sai trái mang tiếng xấu cho buôn làng mình, ai cũng cười chào như thân ái gây thêm niềm thiện cảm khi thấy khách lạ bước chân vào thăm bến nước buôn làng.

Một ngày đầu mùa nắng, tôi trở lại thăm buôn Đak Mơ bên sông Krông Ana, hai bên đường làng và hai bên sông nhiều năm qua không còn rừng, bến nước giờ vơi cạn lờ đờ trôi. Già làng Y Son mắt buồn theo năm tháng rừng tàn, ông tiếp tôi bên bếp lửa nhà sàn, khuôn mặt mừng vui mà hốc heo vì đã mất đi sự sống ấm áp tốt tươi của buôn làng. Khi tôi hỏi Y Son về đời sống của buôn làng, tư lự một hồi lâu, ông nói: “Buôn Đak Mơ này không còn rừng như hai mươi năm trước mày đến đây, nhà báo ơi, rừng đã mất hết rồi, mất hết… nên nước sông cũng không còn đầy…

Người ta đã lấy hết cây xanh nên buôn làng Đak Mơ buồn lắm, mình là già làng cũng đành chịu thôi… mà như có lỗi với người làng, có lỗi với cái bến nước, cái cây xanh... Mày hỏi đến cồng chiêng, chỉ thêm buồn… Tiếng cồng chiêng của buôn Đak Mơ ngày nay vang lên không còn cái hồn người hồn rừng như trước kia; lâu rồi, ngày càng lạc nhịp điệu như ở đâu đâu, không biết đâu mà tìm… Tìm ở đâu nữa khi lớp lớp cây xanh và ngàn con chim thú đã mất đi… mất đi… Không còn rừng, bóng cây, hoa lá quanh buôn làng thì người chơi cồng chiêng cũng mất hứng thú, nên tiếng cồng tiếng chiêng cũng xa cũng lạ…”. Nghe già làng Y Son nói, tôi lặng lẽ nhìn bến nước xa xa, từ bờ sông này sang bờ bên kia không còn thấy bóng cây xanh.

Rừng quanh buôn Đak Mơ đã tàn đến thế sao…, đến cây pơ lang cao tỏa bóng xuống bến nước trong xanh đầy đặn năm nào tôi đứng đợi con thuyền độc mộc đưa sang bên kia sông cũng không còn nữa… Mong sao, đó đây ở Tây Nguyên rừng sẽ còn giữ lại rừng bên bến nước buôn làng, để tiếng cồng chiêng luôn mãi ngân vang dài theo sông núi mang hồn người đồng cảm đồng điệu với thiên nhiên, thiêng liêng mà gần gũi thân thiết với dân làng…

Nguyễn Hoàng Thu

Có thể bạn quan tâm