Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Rừng Chư Drăng "chảy máu"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn xã Chư Drăng (huyện Krông Pa) vẫn diễn ra khi âm ỉ, lúc rầm rộ trong nhiều tháng qua. Câu hỏi đặt ra là liệu Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba-đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương đã làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc ngăn chặn lâm tặc lộng hành?
Gỗ lậu lộng hành
Theo nguồn tin phản ánh của nhân dân, mới đây, nhóm P.V Báo Gia Lai đã trực tiếp có mặt tại buôn 1, 2, 3 của xã Chư Drăng. Chiều tối 11-5, tại con đường độc đạo vào 3 buôn này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt thấy từng đoàn xe máy độ chế (đã được thay đổi hình dáng, xoắn nòng, lắp thêm phuộc nhún) ngang nhiên chở gỗ từ rừng về, mỗi xe 2-3 lóng gỗ ước tính gần nửa mét khối. Có xe chở gỗ đã xẻ vuông vức, mỗi lóng có chiều dài 3-4 m, đường kính 15-20 cm; có xe chở gỗ tròn dài hơn 1,3 m, đường kính 30-40 cm. Đáng nói là những chiếc xe máy này “vô tư” lưu thông trên con đường ngang qua trụ sở Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba mà không bị lực lượng chức năng xử lý.
Xưởng làm đũa ở đầu buôn 1 (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) trữ một lượng gỗ và mùn cưa khá lớn. Ảnh: Q.T
Bãi tập kết gỗ của lâm tặc nằm ngay đầu buôn 3 (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa). Ảnh: Q.T
Qua tiếp cận một số hộ dân sinh sống tại buôn 3 (nằm sát cửa rừng), chúng tôi được biết, tại buôn này có 1 bãi tập kết gỗ của lâm tặc và cả xưởng cưa làm đũa. Dẫn chúng tôi đến bãi tập kết, một người đàn ông ở buôn 3 (yêu cầu giấu tên) cho biết, bãi tập kết gỗ nằm ở đầu làng là của nhóm lâm tặc từ Thanh Hóa vào hoạt động mấy tháng nay. Tại thời điểm chúng tôi đến, nơi đây còn sót lại khoảng 30 khúc gỗ nằm rải rác trong các bụi cây. Mỗi khúc có chiều dài 3-4 m, đường kính 30-50 cm, nhiều cây có dấu cưa còn khá mới, chứng tỏ vừa được khai thác về. “Nghe nói họ vào làm gỗ cho một người tên H. ở xã Chư Gu. Cứ sáng sớm, mỗi nhóm khoảng 3-4 người đi trên xe độ chế lại tỏa ra các hướng khác nhau vào rừng khai thác, đến khuya mới đưa gỗ về bãi tập kết. Vài ba ngày sau thì có xe lớn vào chở đi, thường vào lúc 1-2 giờ sáng”-người dẫn đường thông tin.
Một chiếc xe độ lớn quay về trên con đường vào 3 buôn, có lẻ do có động. Ảnh: Q.T
Một chiếc xe độ lớn quay về trên con đường vào 3 buôn, có lẻ do có động. Ảnh: Q.T
Nằm cách bãi tập kết gỗ của lâm tặc không xa là xưởng làm đũa của một người đến từ thị xã Ayun Pa. Người này thuê một nhóm khoảng 3-4 người đi xe máy độ chế vào rừng khai thác gỗ trơn đá về làm đũa, khi nào đủ số lượng thì sẽ có xe tải vào vận chuyển đi tiêu thụ. Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài xưởng làm đũa ở buôn 3 thì trên con đường độc đạo ở đầu buôn 1 cũng có một xưởng làm đũa với nhiều mâm cưa. Không rõ xưởng này hoạt động từ khi nào nhưng với lượng mùn cưa khá lớn còn nằm tại đây, có thể khẳng định, xưởng đã cưa xẻ một lượng gỗ không nhỏ.
Gỗ được cắt, xẻ vuông vắn ngay tại con đường mòn nhưng chưa kịp vận chuyển đi. Ảnh: Q.T
Gỗ được cắt, xẻ vuông vắn ngay tại con đường mòn nhưng chưa kịp vận chuyển đi. Ảnh: Q.T
Để nắm thêm thực trạng khai thác gỗ trái phép ở khu vực này, sáng 12-5, chúng tôi quyết định tiến sâu vào rừng. Sau gần 2 tiếng đồng hồ đi xe máy trên con đường mòn rồi tiếp tục cuốc bộ trên đoạn dốc dựng đứng giữa cái nắng gay gắt vùng “chảo lửa” Krông Pa, chúng tôi đến một chốt kiểm soát rừng (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba). Men theo đường mòn đi sâu vào rừng thì thấy nhiều đường xương cá lộ ra dẫn vào lõi rừng. Tại đây, chúng tôi phát hiện nhiều cây gỗ lớn có đường kính 30-40 cm đã bị đốn hạ và chở khỏi hiện trường, một số được cắt xẻ vuông vức nhưng chưa kịp vận chuyển.
Lực lượng chức năng đã làm hết trách nhiệm?
Theo người dân địa phương thì tình trạng khai thác gỗ trái phép ở khu vực này đã diễn ra trong thời gian dài. Người đàn ông dẫn đường cho biết, thấy lâm tặc hoạt động cả ngày lẫn đêm, dân trong buôn đã báo cáo chính quyền địa phương, ngành chức năng nhưng rồi… đâu lại vào đó. “Mình thấy kiểm lâm viên với cán bộ Ban Quản lý rừng qua lại nhiều lần mà có xử lý đâu. Mình cũng báo cho xã nhiều lần rồi nhưng khi cán bộ xã vào thì lâm tặc án binh bất động; khi cán bộ về, lâm tặc lại tiếp tục khai thác, vận chuyển gỗ trái phép”-người dẫn đường nói.
Xưởng làm đũa ở đầu buôn 1 (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) trữ một lượng gỗ và mùn cưa khá lớn. Ảnh: Q.T
Xưởng làm đũa ở đầu buôn 1 (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) trữ một lượng gỗ và mùn cưa khá lớn. Ảnh: Q.T
Ngày 12-5, sau khi nhận phản ánh của P.V Báo Gia Lai, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa đã lập biên bản, thu giữ máy móc, thiết bị tại 2 xưởng cưa ở buôn 1 và buôn 3 (xã Chư Drăng). Còn tại bãi tập kết gỗ lậu của lâm tặc ở buôn 3, qua kiểm đếm, cơ quan chức năng phát hiện có gần 5 m3 gỗ vắng chủ và đã tiến hành thu giữ.


Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Dương-Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba-cho biết: Người dân trong vùng chủ yếu trồng mì, thu nhập bấp bênh nên những lúc nông nhàn họ thường sử dụng xe độ chế chở theo máy cưa lén lút vào rừng để khai thác gỗ trái phép. Để ngăn chặn tình trạng này, đơn vị đã tăng cường lực lượng phối hợp với Kiểm lâm, chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm tra, chốt chặn nhằm phát hiện và xử lý kịp thời. Đồng thời, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với UBND các xã để nắm bắt thông tin từ người dân về các đối tượng chuyên sống bằng nghề rừng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Theo đó, riêng trong năm 2019, Ban đã phối hợp với lực lượng chức năng huyện phát hiện 2 vụ khai thác gỗ với khối lượng lớn, 3 vụ phá rừng làm rẫy và đã tiến hành khởi tố hình sự. Từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị chưa phát hiện vụ khai thác gỗ trái phép nào, tuy nhiên đã đề nghị khởi tố hình sự 1 vụ phá rừng làm rẫy.

Một khúc gỗ lớn tại bãi tập kết gỗ lậu của lâm tặc ở đầu buôn 3. Ảnh: Q.T
Một khúc gỗ lớn tại bãi tập kết gỗ lậu của lâm tặc ở đầu buôn 3. Ảnh: Q.T
Còn theo ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường công tác trinh sát, nắm bắt thông tin; duy trì hoạt động của đoàn liên ngành, xây dựng kế hoạch hoạt động từng tháng, quý; tăng cường phối hợp với UBND các xã, đơn vị chủ rừng tổ chức tuần tra, truy quét nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; điều tra, xác minh nhằm xác định cụ thể đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin với lãnh đạo Hạt Kiểm lâm các huyện giáp ranh trong và ngoài tỉnh để kịp thời nắm bắt tình hình, triển khai các giải pháp ngăn chặn những hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn còn xảy ra ở một số xã như: Chư Drăng, Ia Rsai, Chư Rcăm, Ia Hdreh... và lâm phần của 2 Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba, Ia Rsai.
Lực lượng Kiểm lâm huyện đã tịch thu số gỗ vắng chủ tại bãi tập kết gỗ ở buôn 3. Ảnh: Q.T
Lực lượng Kiểm lâm huyện đã tịch thu số gỗ vắng chủ tại bãi tập kết gỗ ở buôn 3. Ảnh: Q.T
Theo ông Dụng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do diện tích rừng mà UBND các xã quản lý rất lớn (hơn 47.000 ha), trong khi cơ chế quản lý, quy định về trách nhiệm chưa rõ ràng, thiếu sự kiểm tra, giám sát. Mặt khác, lực lượng bảo vệ rừng của xã chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm, hầu hết chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ nên hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa đáp ứng được yêu cầu; một số đối tượng vi phạm là người thân, người cùng làng với cán bộ xã nên vẫn còn tình trạng nể nang, bao che. Lực lượng Kiểm lâm mỏng (trung bình mỗi kiểm lâm địa bàn phải quản lý trên 6.000 ha rừng); trang-thiết bị phục vụ công tác còn thiếu thốn, chế độ chính sách chưa thỏa đáng. Đặc biệt, cách thức hoạt động của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi như: cử người canh gác, báo tin giả nhằm đánh lạc hướng, qua mặt cơ quan chức năng; một số đối tượng tuy không trực tiếp phá rừng nhưng lại đứng đằng sau xúi giục hoặc bỏ tiền thuê người dân địa phương, sau đó mua lại lâm sản. Bên cạnh đó, một số đối tượng vi phạm rất hung hăng, manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị bắt giữ. Có trường hợp lâm tặc còn đe dọa, uy hiếp tính mạng người thi hành công vụ cũng như người thân trong gia đình họ.
NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm