Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Rừng Krông Pa vẫn tiếp tục bị xâm hại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai từ đầu năm 2019 đến nay vẫn diễn biến rất phức tạp. Điều này cho thấy, công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương còn nhiều hạn chế cần khắc phục.
Nằm giáp ranh với 2 tỉnh Phú Yên và Đak Lak, xã Krông Năng (huyện Krông Pa) là địa bàn “nhạy cảm” để các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Ông Nông Đức Công-Phó Chủ tịch UBND xã Krông Năng-cho biết: “Xã hiện chịu trách nhiệm quản lý khoảng 3.546 ha rừng tự nhiên theo Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh. Địa bàn rộng, lại giáp ranh với các tỉnh bạn nên công tác quản lý bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn”. Cũng theo ông Công, 9 tháng năm 2019, lực lượng chức năng và chính quyền xã đã phát hiện 7 vụ với 6 đối tượng mang công cụ, phương tiện cơ giới vào rừng trái phép. “Mặc dù địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ dân không được vào rừng khai thác lâm sản trái phép, không phá rừng làm rẫy nhưng trên địa bàn vẫn xảy ra các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, nhất là tại các khu vực giáp ranh”-ông Công thông tin thêm.
 Đoàn liên ngành xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) tổ chức tuần tra bảo vệ rừng đầu nguồn công trình hồ thủy lợi Ia Mlah. Ảnh: H.L
Đoàn liên ngành xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) tổ chức tuần tra bảo vệ rừng đầu nguồn công trình hồ thủy lợi Ia Mlah. Ảnh: H.L
Trong 9 tháng năm 2019, lực lượng chức năng huyện Krông Pa đã phát hiện 46 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (tăng 17 vụ so với cùng kỳ năm 2018); tịch thu hơn 77,2 m3 gỗ xẻ nhóm II-VII, 5 ster củi, 700 kg gốc rễ hương. Cơ quan chức năng đã xử lý 34 vụ, trong đó có 5 vụ xử lý hình sự.  

Liền kề xã Krông Năng, xã Ia Hdreh cũng là địa bàn phức tạp về tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phá rừng làm rẫy. Theo thống kê của UBND xã Ia Hdreh, từ đầu năm đến nay, qua 5 đợt tuần tra, kiểm tra lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện 4 vị trí rừng bị chặt phá với tổng diện tích 3,63 ha (không phát hiện đối tượng); lập biên bản tịch thu và giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa 21 hộp gỗ sao xanh với tổng khối lượng khoảng 0,5 m3. Đồng thời, lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện, ngăn chặn 10 đối tượng vào rừng, tổ chức tháo dỡ 1 lán trại dựng trái phép. Qua tái kiểm tra 118 chòi rẫy cũ, địa phương phát hiện hơn 50 chòi rẫy mới dựng trái phép trong rừng. “Xã được giao trách nhiệm quản lý hơn 2.000 ha rừng, trong khi đó chỉ có 1 kiểm lâm viên địa bàn phụ trách cùng với các thành viên của xã. Lực lượng mỏng, nhiều cán bộ kiêm nhiệm nên công tác quản lý bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn. Xã thường xuyên phân công cán bộ xuống các thôn, làng tuyên truyền, vận động người dân không khai thác gỗ trái phép, không phá rừng làm rẫy. Tuy nhiên, do một số hộ thiếu đất sản xuất, có nhu cầu về gỗ làm nhà… nên khó tránh khỏi có lúc, có nơi còn xảy ra vi phạm”-ông Ksor Jú-Chủ tịch UBND xã Ia Hdreh-cho hay.
Huyện Krông Pa có hơn 100.390 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trong đó, đất có rừng chiếm gần 83.085 ha (rừng tự nhiên 81.175 ha, rừng trồng gần 1.910 ha). Rừng và đất lâm nghiệp phân bố trên địa bàn 14 xã, thị trấn. Toàn bộ diện tích rừng của huyện đều nằm trong lưu vực sông Ba, hàng năm được hưởng chính sách về dịch vụ môi trường rừng. Diện tích đất lâm nghiệp giao cho 2 Ban Quản lý rừng phòng hộ và 5 doanh nghiệp quản lý gần 42.747 ha (trong đó gần 37.301 ha là đất có rừng); diện tích đất lâm nghiệp giao cho UBND các xã, thị trấn quản lý trên 57.643 ha (trong đó gần 46.078 ha là đất có rừng).
Đánh giá về thực trạng công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn thời gian qua, ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa-thẳng thắn nhìn nhận: “Mặc dù đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập; tình trạng rừng bị xâm hại vẫn còn xảy ra nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả. Có nơi còn biểu hiện thiếu quyết liệt trong công tác quản lý bảo vệ rừng, coi công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ của riêng lực lượng kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng. Các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra hầu hết do cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý, còn chính quyền cấp xã phát hiện, bắt giữ và xử lý rất ít”.
Đề cập đến các giải pháp trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa cho biết: “Bên cạnh tăng cường tuần tra, kiểm tra, truy quét, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các vụ vi phạm, lực lượng chức năng cùng với các đơn vị chủ rừng nâng cao vai trò, trách nhiệm, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng được giao, bảo vệ rừng tận gốc. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng đấu tranh có hiệu quả với các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật cũng như tăng cường giám sát việc sản xuất nương rẫy, ngăn chặn các vụ việc phá rừng làm rẫy xảy ra”.
 HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm