Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Sắc phong tại tư gia họ Trần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngoài các sắc phong dành cho thần linh, Gia Lai hiện có khoảng 20 sắc phong cho những người có công được lưu giữ tại tư gia của một số dòng họ như Nguyễn, Trần, Văn, Tô.

Đây là những dòng họ sinh sống lâu đời và có nhiều đóng góp cho địa phương. Trong đó, họ Trần hiện còn giữ được số sắc phong nhiều nhất với 9 đạo.

Người được dòng họ Trần giao phó việc thờ phụng và cất giữ di sản chữ viết của tổ tiên là ông Trần Đình Việt, hiện trú tại tổ 2, phường Hội Phú, TP. Pleiku. Trong số di sản chữ viết của gia đình để lại, hầu hết số giấy tờ chữ Nho đều liên quan đến ông Trần Đình Thức (ông nội của ông Việt).

Cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh khảo sát di sản tư liệu tại tư gia ông Trần Đình Việt (tổ 2, phường Hội Phú, TP. Pleiku). Ảnh: Xuân Toản

Theo tiểu sử nhân vật gia đình do ông Việt cung cấp, ông Trần Đình Thức sinh năm 1891 tại làng Đại Bình, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, xuất thân hàn vi, là con trai cả trong gia đình 3 anh em, được học chữ Nho từ năm 12 tuổi.

Ông từng là học trò của Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo (1869-1934), một trí thức yêu nước nổi tiếng đất Bình Định. Năm 1916, ông được Tiến sĩ Tạo giới thiệu cho làm Thông lại (Văn thư) ở Khánh Hòa. Năm 1917, ông xin đổi về huyện Tân An (đương thời thuộc Kon Tum), sau lại đổi ra huyện Tuy Phong (Bình Thuận) làm Lại mục. Cuối cùng, ông xin chuyển về Tân An làm việc 9 năm, rồi xin cáo quan về hưu tại quê nhà chăm sóc mẹ già và con cái. Năm 1947, ông qua đời.

Ngoài ông Việt, con cháu ông Trần Đình Thức còn có ông Nguyễn Tấn Lợi-Trưởng ban Nghi lễ di tích đình Tân An (phường An Bình, thị xã An Khê) và mấy người cháu phía ngoại cũng ở thị xã An Khê.

Theo ông Lợi, vợ ông Thức là bà Nguyễn Thị Nhàn, con gái điền chủ kiêm thầy thuốc Bắc Nguyễn Ngân từ làng Phú Lạc (Bình Định) lên định cư ở An Khê từ trước năm 1945. Sau khi chồng qua đời, bà lên sống và tạ thế tại An Khê.

Ông Việt kể: Trước kia, ông nội mình từng dành dụm tiền mua đất, cất nhà tại khu thuộc Chợ Cũ, gồm khoảng 20 căn dành cho người làm công và bà con ở quê ban đầu lên lập nghiệp. Khu này nay thuộc đường Nguyễn Du, phường An Phú, thị xã An Khê.

Trong số các giấy tờ ông Việt lưu giữ có 8 sắc phong thăng chức và 1 chế phong ban tặng cho ông Trần Đình Thức khi hưu dưỡng. 2 sắc phong đầu được cấp thời Vua Khải Định, 7 sắc còn lại được cấp thời Vua Bảo Đại. Nội dung sắc văn đầu tiên vào năm 1921 cho biết: Ông Thức giữ chức Thông lại ở huyện Tân An, người ở thôn Bỉnh Đức, tổng Mỹ Đức, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làm việc mẫn cán và có trách nhiệm nên ông được Lại bộ tâu lên nhà vua phong tặng hàm Tòng cửu phẩm.

Sắc phong tặng “Tòng cửu phẩm Thư lại” cho cụ Trần Đình Thức năm 1921. Ảnh: Bá Tính

Sau đó, ông được cấp sắc thăng chức: Năm 1924 thăng làm Chánh cửu phẩm Thư lại. Năm 1928 thăng làm Tòng bát phẩm Thư lại. Năm 1931 thăng làm Chánh bát phẩm văn giai. Năm 1934 thăng làm Tòng thất phẩm. Năm 1937 thăng làm Biên tu Hàn lâm viện. Năm 1940 thăng làm Tu soạn Hàn lâm viện. Năm 1942 thăng làm Trứ tác Hàn lâm viện. Năm 1943, khi cáo lão hồi hương hưu trí, ông Thức được Vua Bảo Đại ban cấp chế phong làm Phụng thành Đại phu Hàn lâm viện Thị giảng.

Chế phong ghi rõ công lao của ông với nhà nước đương thời: “Văn học túc quán, tài khí khả thủ, hữu hiến hữu vi, hữu thủ chánh thuật du nghi, viết thanh viết thận viết cần quan châm thị địch, mẫn cán tuân kham”.

Dưới đây là nội dung chế phong Vua Bảo Đại ban cấp cho ông Thức dịp ông cáo lão hồi hương: “Thừa mệnh trời, Hoàng đế xuống chế: Trẫm lập chính dụng nhân xét công lượng tài để cắt việc. Ông Trần Đình Thức giữ chức Trứ tác hạng 2, Kiểm sự sung Lại mục huyện Tân An, là người có tài năng văn chương, giỏi liệu việc, lại có tiếng thanh liêm, cẩn thận, siêng năng. Nay đặc biệt thăng cho ông hàm Phụng thành đại phu Hàn lâm viện Thị giảng hạng 1, Kiểm sự nhưng sung, ban Cáo mệnh, để khuyến khích. Nay chế”. Khoản đề “Ngày mùng 1 tháng 1 năm 1943”, đóng triện son “Sắc Mệnh Chi Bảo”.

Như vậy, toàn bộ cuộc đời ông Trần Đình Thức theo đuổi công việc duy nhất là làm một vị quan văn tận tụy mẫn cán với công việc thư ký văn phòng, trông coi sổ sách. Công lao của ông được nhà Nguyễn ghi nhận thể hiện ở phương diện đóng góp về phục vụ hành chính.

Ngoài sắc phong và các giấy tờ khác, ông Việt còn lưu giữ một số kỷ vật liên quan đến ông nội mình, như hộp đựng sắc bằng gỗ sơn son, chiếc thẻ ngà, đồng tiền thưởng vàng, bộ hoành phi và câu đối thờ tự bằng ván khảm xà cừ… Tiếc là phần gia phả tức lịch sử gia đình các đời trước của ông Trần Đình Thức không được các đời trước ghi chép lại. Mặc dù ông Việt đã cất công tìm kiếm nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thật rõ gốc tích dòng họ Trần phía mình.

Ông tâm sự: “Cách đây hơn 30 năm, tôi có lưu tâm tìm về cội nguồn về dòng họ nhưng mọi thứ đều vô vọng, người lớn tuổi trong họ đa phần đi tứ tán hoặc đã về nơi thiên cổ”.

Tư liệu từ gia đình cung cấp cho chúng tôi hiện nay có 2 hướng tiếp cận. Hướng thứ nhất cho rằng, họ Trần đóng góp nhiều công lao cho nhà Tây Sơn. Thủy tổ họ Trần là ông Trần Văn Xuân từ Nghệ An vào phủ Quy Nhơn thuộc Tây Sơn hạ lập nghiệp, thời chúa Nguyễn Phúc Tần thế kỷ XVII.

Hướng thứ hai cho rằng, họ Trần nhánh ông Trần Đình Thức có nguồn gốc từ Nghệ An di cư vào Bình Định, ở thôn An Vinh, xã Bình An, huyện Bình Khê, ông tổ tên Trần Mai. Hướng này đang được ông Việt xác nhận là gần hơn với gia đình mình. Tuy nhiên, dù hướng tiếp cận nào, đến nay, gia đình ông Việt vẫn chưa làm rõ được mối gắn kết giữa các đời trước với ông Trần Đình Thức.

Việc không ghi lại gia phả, không rõ gốc tích của dòng họ mình là chuyện phổ biến tại các dòng họ ở Gia Lai, không chỉ riêng dòng họ Trần. Cho dù đó có là những dòng họ lâu đời, danh gia thế phiệt như họ Nguyễn Cảnh ở thôn Cửu An, họ Lê ở thôn Tú Thủy, họ Nguyễn ở thôn An Khê còn giữ được giấy tờ của tổ tiên ông bà từ thời Cảnh Thịnh, Gia Long cách nay hơn 2 thế kỷ hay như họ Văn ở thôn Tân Lai, họ Tô ở thôn Cửu An… cũng đều chung tình trạng không ghi chép gia phả.

Vì vậy hiện nay, con cháu của các dòng họ lớn, lâu đời tại Gia Lai cũng không hiểu rõ về nguồn cội của mình. Cũng vì thế mà việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử dòng họ, gia tộc và sử địa phương gặp không ít khó khăn vì vướng phải nhiều điểm mờ tối trong tư liệu thông tin.

Việc khai thác thông tin tư liệu từ các văn bản sắc phong cho nhân vật ở Gia Lai sẽ bổ sung, cung cấp nguồn sử liệu đáng tin cậy, giúp ích cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về địa phương có thêm những căn cứ bằng chứng xác thực, khoa học.

Qua đó giúp cho sự hiểu biết, nhận thức của chúng ta về lịch sử địa phương được đầy đủ, sâu sắc hơn. Bởi lẽ, cho đến nay, di sản văn tự Hán Nôm tại Gia Lai vẫn còn chưa được tiếp cận, nghiên cứu bao nhiêu, nhiều vấn đề của lịch sử địa phương sẽ được làm sáng tỏ khi khai thác nguồn tư liệu quý giá này, từ địa danh, địa giới đến nhân vật, sự kiện.

Có thể bạn quan tâm