Phóng sự - Ký sự

Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 4: An Phú Đông, vườn xưa bên phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghe nói An Phú Đông, nhiều người cứ tưởng ở đâu xa lắc, nhưng chỉ cách nội đô Sài Gòn một con sông.

Một vườn bưởi đường đặc sản vẫn còn xanh mát ở An Phú Đông - Ảnh: NHẬT THỊNH
Một vườn bưởi đường đặc sản vẫn còn xanh mát ở An Phú Đông - Ảnh: NHẬT THỊNH
Và một ngày đặt chân sang doi đất này, người ta lại càng bất ngờ hơn với màu xanh mát mắt tương phản hẳn các khối bêtông cứng lạnh ở bên kia bờ…
Làng quê bên phố
Những chuyến phà cuối cùng ở bến đò An Phú Đông vẫn lặng lẽ chở khách chờ ngày cầu dựng xong. Cách đó không xa, cây cầu sắt đã thành hình và không lâu nữa sẽ chấm dứt những buổi "lụy đò" của người dân qua lại đôi bờ.
Bến đò An Phú Đông bao năm qua sẽ trở thành một phần trong ký ức của "làng An Phú Đông xưa", hay còn được gọi là bán đảo "vàng trắng" đất Sài Gòn - Gia Định một thuở.
Chiều muộn một ngày cuối tháng 10, những chuyến phà nối nhau vội vã quay đầu rời bến An Phú Đông, quận 12, TP.HCM. Cô Nguyễn Thị Hương vội vã tấp vào bến đò để mua vé, đợi chuyến phà sau qua Gò Vấp.
Cô Hương (62 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã đi qua bến đò An Phú Đông này gần nửa đời người. Những chuyến phà không chỉ giúp cô đưa đón con cái đi học, đi làm thuận tiện, rút ngắn quãng đường, mà với cô đó còn là bao hồi ức khó quên.
Một thời, An Phú Đông nức tiếng với những vườn lài, vườn ngâu, huệ trắng, mía, bưởi đường. Những đặc sản mà người địa phương cho rằng chỉ cần rời vùng đất này đi nơi khác là không còn mùi vị đặc trưng. Và những người An Phú Đông sinh ra ở vùng đất này đi đâu cũng truyền nhau bài hát mang dấu ấn đặc biệt của quê hương mình:
Bên hàng dừa cao dòng sông mờ soi bóng
Nhớ những chiến binh trồng cây trên má hồng…
Con đò thường đưa quân qua muôn sóng
Hôm nay bến xưa vẫn còn ghi chiến công…
(Lời bài hát An Phú Đông, nhạc sĩ Lê Bình)
Chỉ cách trung tâm TP.HCM gần 10km nhưng đường tới cù lao An Phú Đông xưa từng tuy gần mà xa bởi giao thông cách trở.
"Bán đảo vàng trắng" là tên gọi thân quen trong hồi ức của ông Bảy Minh về làng An Phú Đông ngày xưa. Ông Bảy Minh và vợ đều là cựu chiến binh đã ngoài 80 tuổi. Năm Mậu Thân 1968, ông được điều động qua lực lượng biệt động thành và hoạt động ở chiến khu An Phú Đông.
Trong ký ức của mình, người lính năm xưa hồi tưởng: "Làng An Phú Đông là cái nôi của cách mạng. Hiếm có chiến khu nào nằm gần sát đối phương như vậy. Khi bị dồn vây, tụi tui bơi qua khu đồng lầy Bình Phước hoặc khu An Nhơn hay sông Bình Lợi rồi lại quay về giữ vững chiến khu".
Ký ức về những ngày bám trụ An Phú Đông của ông Bảy Minh vẫn còn nguyên vẹn: "Mỗi lần lội sông, lội rạch để tránh càn, anh em phải uống nước mắm cho đỡ lạnh. An Phú Đông xưa tuy đi lại cách trở vì nhiều kênh rạch nhưng lại là lợi thế của lực lượng bám trụ. Kênh rạch cứ thế bao bọc chiến khu này từ những năm 1945 đến ngày đất nước thống nhất".
An Phú Đông hôm nay của người lính già có khác xưa nhiều không? Ông Bảy Minh trải lòng: "Mừng vì kinh tế phát triển nhưng tiếc là không bảo tồn được những đặc sản của mình. Như cháu nội tôi giờ nói cây mía, cây lài, cây ngâu nó đâu có biết là cây gì?
Hồi trước, Công ty Cầu Tre vào làng này ký hợp đồng mua 1,5 đô/kg hoa lài. Mỗi ngày dân An Phú Đông bán được vài chục ký hoa lài. Tính ra mỗi ngày mua được cả chỉ vàng. Vì vậy hồi đó người ta kêu An phú Đông là làng vàng trắng".
Tâm sự chuyện xưa, người lính già bồi hồi: "Thấy cầu An Phú Đông sắp xong thì mừng lắm. Dân vùng này xưa giờ mong mỗi vậy. Hồi xưa có ông lái heo từ làng này lùa heo đi bán, phải đi bộ, chèo ghe dọc kênh, rạch rồi qua đò, qua sông. Ra tới chợ thì ổng kêu heo nhà ổng hụt đi mấy ký. Chuyện vui nhưng là thiệt".

Cầu sắt nối đôi bờ An Phú Đông sẽ đưa bến phà vào ký ức - Ảnh: NHẬT THỊNH
Cầu sắt nối đôi bờ An Phú Đông sẽ đưa bến phà vào ký ức - Ảnh: NHẬT THỊNH
Người đưa đò đầu tiên ở sông Vàm Thuật
Một buổi chiều, đến đường Vườn Lài, An Phú Đông, tôi hỏi thăm ông giáo Nguyễn Thanh Hòa, thường được gọi là ông Tám Hòa thì ai cũng biết. Đó chính là người đã xây bến đò An Phú Đông.
Ký ức của ông giáo già về những ngày đầu đặt chân đến vùng đất này đầy hoài niệm: "Vùng này xưa kênh rạch chi chít. Nhà thì toàn mái lá, vách đất, điện không có, nhà cửa thưa thớt, đất rẫy không à. Dân sống bằng nghề trồng rau má, ngâu, mía, lài… Từ Đồng Nai về đây, tôi không tin được sát bên trung tâm Sài Gòn hoa lệ lại có cái làng như ở vùng nông thôn heo hút nào đó".
Nhìn thấy cảnh học trò, người dân An Phú Đông đi học bằng hai cây gỗ bám đầy rong rêu qua sông Vàm Thuật, ông Tám Hòa quyết tâm ra đấu đò dù trong nhà chỉ còn vài trăm ngàn dằn túi. Cũng may nhờ thanh danh làm giáo viên lâu năm, ông được nhiều người hùn hạp để làm bến đò An Phú Đông.
"Bến chính thức hoạt động vào khoảng năm 1996, tới giờ có hơn 20 người phục vụ các chuyến phà, chia làm hai ca. Từ hồi làm bến đò tới giờ chúng tôi vẫn miễn phí vé cho học sinh, những người nghèo buôn thúng bán bưng" - ông Tám Hòa hiện đã hơn 80 tuổi, nhớ lại.
Anh Minh, chủ quán ăn ven sông Vàm Thuật vốn là dân Bình Định di cư vào Sài Gòn sinh sống vài chục năm nay, kể: "Bến đò này mở từ 3h30 sáng tới 11h30 khuya mỗi ngày. Nhưng nếu có người dân đau ốm lúc nửa đêm thì phà vẫn chạy, đưa người dân qua sông đi cấp cứu.
Tôi ở quán này ròng cả chục năm rồi thấy cũng có chút tiếc nuối khi bến phà ngưng hoạt động. Nhưng biết làm sao, có cầu An Phú Đông thì người dân thuận tiện hơn rất nhiều".
Trải dài suốt con đường Vườn Lài bây giờ vẫn còn thấp thoáng những ngôi nhà xen lẫn giữa các kênh rạch nhỏ - nét đẹp xưa nay của An Phú Đông. Những vườn tược, ao cá vẫn nằm im trong các ngõ hẻm, dọc các kênh nhỏ đi vào khu dân cư như vùng thôn quê yên bình giữa Sài Gòn hiện đại.
Tuy nhiên, những vườn bưởi, vườn lài xưa nay đã ít dần, thay vào đó là những vườn mai bạc tỉ mang lại sự đổi đời cho không ít người An Phú Đông.
Chị Châu Thị Mai, 58 tuổi, người làm vườn thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống trồng bưởi đường - giống bưởi đặc trưng của An Phú Đông, chia sẻ: "Vườn nhà mình giờ chỉ còn chừng hơn 70 cây. Trồng để giữ vườn là chính, chứ bán buôn thì theo năm, vào các dịp trung thu hay tết nguyên đán. Có nhiêu bán nhiêu chứ kinh doanh thì không thể vì năng suất thấp.
Bưởi này là đặc trưng vùng An Phú Đông. Có thương lái mua giống về Đồng Nai trồng thử nhưng trái thu được lại không ngon như ở đất làng này trồng. Chúng tôi chỉ xịt nước vôi chống sâu bọ chứ không dùng thuốc bảo vệ thực vật gì".
Những người như chị Mai vẫn tâm huyết với nghề vườn truyền đời ở An Phú Đông, nhưng chẳng ai dám chắc khi cầu nối liền đôi bờ thì vườn xưa có còn không…
An Phú Đông thuộc tổng Bình Trị Thượng, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định xưa. Năm 1947, Pháp đã sáp nhập các làng ở đây thành xã An Phú Đông. Sau mấy lần thay đổi, đến năm 1997 xã An Phú Đông, huyện Hóc Môn chuyển thành phường của quận 12.
Được bao bọc bởi sông Sài Gòn và sông Vàm Thuật, suốt nhiều năm qua An Phú Đông như một làng quê biệt lập với người dân chọn nghề vườn làm sinh kế …
Đất quê lên phố
Dọc đường Vườn Lài hôm nay là những tấm bảng rao bán đất dày đặc. Cô Lê Thị Ngọc Liên, 65 tuổi, mới thuê mảnh đất nằm trong vùng quy hoạch cây xanh để trồng lài trở lại. Nhưng nghề chính của cô Liên gần 20 năm nay là… môi giới đất.
"Hồi xưa đất vùng này bán có 200.000 đồng/m, hai năm trở lại đây lên 2 triệu đồng, giờ thì ngay khu quy hoạch cây xanh này cũng lên 5-7 triệu đồng/m rồi. Nhiều người trúng đất lắm. Tôi dẫn khách đi mua lúc đó chỉ 1-2 tỉ đồng/nền chừng hơn 100m2, nay có người trả 6-7 tỉ mà chủ đất chưa bán" - cô Liên kể.
***************
Bao người Sài Gòn ngày ngày qua lại đường Điện Biên Phủ đều nhìn thấy cái tháp cũ kỹ có hình dáng như phi thuyền Apollo, nhưng mấy ai biết nó có gì bên trong…
>> Kỳ tới: Bí mật "phi thuyền Apollo" giữa Sài Gòn
LÊ VÂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm