Báo xuân

Săn "heo đất"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tây Nguyên vừa chớm dứt những cơn mưa rừng lê thê, cũng là thời gian người dân chuẩn bị đồ nghề, xua những chú chó săn thiện chiến vào rừng săn dúi, loài gặm nhấm đang kỳ béo núc, thường được gọi vui là “heo đất” của núi rừng.

Săn “heo đất” là một lẽ, nhưng điều quan trọng nữa mà những người đàn ông Bahnar vùng Đông Gia Lai muốn chạm đến là cơn nghiền lang thang trong rừng thiêng. Nhà văn Nguyên Ngọc từng chia sẻ: “Tôi không thấy ai tự do bằng người Bahnar. Có lẽ là dân tộc nghệ sĩ nhất trong các dân tộc nghệ sĩ. Ham chơi, thích lang thang, ngao du, ca hát và yêu đương. Thấm trong máu, như thành bản tính…”.

Quả vậy, chúng tôi vẫn thường thấy ở vùng đất này, nhiều người đàn ông với cái gùi, con dao và cái nỏ lận lưng lang thang trong rừng. Họ bảo rằng mình thích thế dù nhà có của ăn của để.
 

Thợ săn cùng lũ chó cùng vào cuộc tìm hang dúi. Ảnh: T.H
Thợ săn cùng lũ chó cùng vào cuộc tìm hang dúi. Ảnh: T.H

Cùng săn “heo đất”

Mới bốn giờ sáng, Đinh Hlêu ở xã Đak Smar, huyện Kbang đã giục vợ dậy thổi cơm. Một số nhà quanh làng cùng nhóm săn dúi với Hlêu cũng lục đục dậy. Trời vẫn còn mưa rỉ rả. Hlêu ra nhà rông gọi chúng tôi, bảo: “Đi sớm vào rừng thích lắm. Nghe tiếng các loài chim, thú náo nhiệt như làng mở hội”. Chỉ độ hơn một giờ đồng hồ chuẩn bị cơm nước, cả đám thợ săn đã sẵn sàng nào xẻng, cuốc nhỏ, dao… Theo sau là cả đàn chó hơn chục con.  

Nhìn cánh rừng le có vẻ gần nhưng chúng tôi phải vượt những con dốc trơn nhẫy, hụt hơi gần hai giờ leo núi mới bám được đám thợ săn. Những tiếng suỵt, suỵt vang lên ra hiệu đàn chó ngưng sủa. Mênh-một anh chàng  Bahnar kể về những con vật gặm nhấm với vẻ tếu táo: “Ăn rồi đào hang, ngủ, ăn, đực cái tìm nhau, rồi ăn, ngủ… Chúng ở trong hang nhiều, ít khi ra ngoài. Mùa này mưa nên đất mềm, dễ đào. Mùa khô là chịu vì hang dúi có khi sâu hơn 2 mét, có nhiều con lại đào ngách nên khó bắt lắm”.
 

Một số nhà hàng ở khu vực Tây Nguyên đã đưa món dúi vào thực đơn đắt giá với những món tiết canh dúi; dúi nấu măng, nướng, nấu mẻ… Bởi vậy, loài gặm nhấm này luôn bị săn lùng và số lượng ngày càng ít đi.

Sở dĩ dúi đào được hang sâu như thế là do chúng có móng vuốt khá sắc, lại thêm những chiếc răng to khỏe. Mùa mưa, những rừng le bắt đầu ra măng cũng là lúc dúi béo núc ních bởi nguồn thức ăn dồi dào này. Dúi săn về được nấu với măng hay đơn giản chỉ là món nướng chấm muối lá é, nhâm nhi với rượu cần cũng đã tuyệt. Đàn chó sục sạo một hồi vẫn chưa thấy tung tích của con dúi nào, bất ngờ Đinh Văn Tới-một thợ săn dúi lâu năm la lên: “Có hang dúi đây rồi!”. Nhìn theo dấu tay của Tới, chúng tôi thấy một bụi le ố vàng. Hóa ra con dúi khôn ngoan này đã chọn bụi le làm hang, vừa có cái ăn sẵn lại trú ẩn khá an toàn. Theo anh Tới, loài dúi khá khôn, khi đào hang xong, trước khi bò hẳn vào hang trú ẩn khi nào chúng cũng lùa đất xung quanh lại, vừa hạn chế nước bên ngoài chảy vào lại phòng tránh rắn.

Ba người huýt đàn chó lại để chúng canh không cho dúi chạy thoát rồi lấy đồ nghề đem theo bắt đầu đào theo dấu hang. Gần cả giờ đồng hồ, trời lạnh nhưng đám thợ săn dúi ướt hết cả áo, đào đến mấy ngách hang vẫn chưa thấy tung tích của dúi. Độ sâu của hang đã gần 2 mét. “Kiếm nước đổ vào hang thôi. Con dúi này khôn quá, đào nhiều ngách hang để trú ẩn”-Tới nói. Mọi người thay nhau đổ khoảng hơn 40 lít nước mới chớm miệng hang. “Đây rồi!”, tiếng đám thợ săn ồ lên khi mũi con dúi ngóc lên đầu miệng hang. Nhanh như cắt, Tới dùng thanh cây chặn ngay cửa hang không cho con dúi có đường tháo lui, đồng thời nhanh tay chụp ngay con dúi béo mẫm nặng cả kg.
 

Chó săn bịt lỗ thoát hiểm của dúi. Ảnh: T.H
Chó săn bịt lỗ thoát hiểm của dúi. Ảnh: T.H

Trời tạnh hẳn. Những chú chó vào trận càng sung, sủa váng lên cả vùng. Lại một hang dúi nữa mới được phát hiện. Lần này may mắn đến với đám thợ săn khi hang khá nông. Với kinh nghiệm săn dúi lâu năm, Hlêu phát hiện con dúi này có thêm một cửa hang phụ. Vậy là hai chú chó được phái đến canh giữ cửa hang này. Vừa đào, mọi người vừa dùng gậy gõ vào cái nồi nhỏ đem sẵn. Nghe động, con dúi bò sang cửa hang bên kia thoát thân. Nhưng vừa ló đầu ra đã bị con chó săn tinh khôn chờ sẵn tóm gọn. Anh Tới nhanh tay giằng lại con dúi từ miệng con chó săn rồi dùng kìm bẻ những răng nanh dài như răng thỏ của dúi để tránh việc chúng cắn bao thoát mất. “Bọn dúi lạ lắm. Chúng yêu nhau rồi ai về nhà nấy, ít khi bắt được cả cặp trong một hang”-Hlêu cười.

Cả đám thợ săn tới một cái hang mới khác khi phát hiện một bụi le bị úa vàng-dấu hiệu dúi đào hang ăn rễ le ở dưới. Hlêu nằm sát xuống đất, ghé tai vào cửa hang hể hả: “Nó đây rồi. Nghe tiếng nhai củ sồn sột”. Sau một hồi vất vả đào hang dúi, họ cũng được đền đáp. Họ bảo đây là “của thần rừng cho”. Ăn vội vàng mấy miếng cơm lam đem theo, đám thợ săn lại tiếp tục. Và đến khi xế bóng, họ đã bắt được 5 con dúi. Với khoảng 160-180 ngàn đồng một kg dúi, họ đã lận lưng được chút ít sau một ngày vất vả.

Và lễ hội con dúi độc đáo

Người Bahnar quan niệm con dúi luôn ăn no, béo mẫm và chịu khó nên muốn xin Yang cho con người quanh năm no đủ như con dúi. Ngoài ra, theo họ, con dúi cũng là biểu tượng của đức tính cần cù, chịu khó. Do vậy những miếng thịt dúi như là điềm lành mà cư dân ở những buôn làng xa vắng này may mắn thụ hưởng.
 

Chiến lợi phẩm. Ảnh: T.H
Chiến lợi phẩm. Ảnh: T.H

Trước ngày lễ hội, những nhà trong làng phải cố bắt cho được một con dúi làm vật tế lễ. Họ buộc những con dúi đã nướng lên các cây sào và đem đến nhà rông. Ở đó, thầy cúng cầu cho mưa thuận gió hòa, người dân no ấm. Mọi người lấy con dúi của mình đem chế biến rồi ăn chung cả làng. Tiếng chiêng, vòng xoang vang lên giữa núi rừng thâm u đại ngàn.

Già trẻ, trai gái, lớn bé say trong tiếng chiêng, trong mỗi điệu xoang. Các chàng trai chếnh choáng trong men rượu cần là ngà bước về nhà khi cơn mưa rừng bắt đầu nặng hạt… Đây có lẽ là một lễ hội đặc biệt trong cộng đồng bản địa Tây Nguyên. Tiếc là với sự thâm nhập của nhiều luồng văn hóa và rừng bị thu hẹp, nguồn lợi từ “thần rừng” được khai thác như sự hữu linh đã phai dần theo những lần thưa thớt lễ hội con dúi. May chăng còn sót lại ở những thôn làng xa vắng của huyện Kbang.

Tây Nguyên-”miền đất huyền ảo” đang thiếu dần đi vị đậm đặc của mùa Ning Nơng ăn năm uống tháng. Và miền đất ngao du của những tay thợ săn dúi như Đinh Tới, như Hlêu trở nên bấp bênh, bị thu ngắn lại…

Trần Hiếu

Có thể bạn quan tâm