Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Sẵn sàng cho lễ hội giao thừa chào Xuân Mậu Tuất 2018

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Không khí năm mới đã ngập tràn trên khắp nẻo đường và trong niềm vui hân hoan của mỗi người. Lễ hội giao thừa với chủ đề “Mừng Đảng quang vinh- Mừng xuân Mậu Tuất 2018” sẽ được tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được hoàn tất.    

Chương trình lễ hội giao thừa mừng xuân Mậu Tuất 2018 sẽ diễn ra từ 22 giờ ngày 15-2 đến 0 giờ 20 phút ngày 16-2 (tức đêm Giao thừa ngày 30 tháng Chạp). Chương trình do UBND tỉnh Gia Lai, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND TP. Pleiku phối hợp cùng Nhà hát Ca múa Nhạc tổng hợp Đam San thực hiện. Từ 23 giờ, chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Gia Lai và tường thuật trực tuyến trên Báo Gia Lai điện tử. Đúng thời khắc giao thừa, sẽ có màn bắn pháo hoa chào đón năm mới kéo dài 15 phút do cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đảm nhiệm.

Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã tập luyện hết mình
Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã sẵn sàng phục vụ cho lễ hội giao thừa. Ảnh: Trần Dung

Là đơn vị được Ban tổ chức Lễ hội giao thừa mừng Mậu Tuất 2018 giao nhiệm vụ biên tập kịch bản, chịu trách nhiệm nội dung và tổng đạo diễn phần nghệ thuật được truyền hình trực tiếp, Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã tập luyện hết mình và hoàn tất công tác chuẩn bị để phục vụ cho buổi biểu diễn vào đêm giao thừa “Mừng Đảng quang vinh- Mừng xuân Mậu Tuất 2018” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku).

“Hơn một tháng nay, hơn 80 nghệ sĩ củaNhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã cùng nhau luyện tập các tiết mục biểu diễn cũng như chuẩn bị tốt thiết bị âm thanh, ánh sáng để tạo được ấn tượng tốt nhất trong đêm giao thừa. Cho tới ngày 12-2 (tức 27 Tết), 10 tiết mục nghệ thuật đã hoàn chỉnh, hệ thống điện đài và đạo cụ phục vụ biểu diễn đã được lắp đặt. Chúng tôi đã sẵn sàng để phục vụ tốt nhất cho nhân dân trong đêm hội giao thừa đón chào năm mới”- Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Quang Tâm-Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San cho biết.

tích cực tập luyện trong không khí vui tươi, hào hứng.
Tích cực tập luyện trong không khí vui tươi, hào hứng. Ảnh: Trần Dung

Các nghệ sĩ của đoàn nghệ thuật Đam San cũng tích cực tập luyện trong không khí vui tươi, hào hứng. Với họ, nhiệm vụ này không phải là gánh nặng mà là niềm vinh dự, tự hào khi được phục vụ nhân dân trong đêm hội giao thừa đầy ý nghĩa. Diễn viên múa Trần Thị Hồng Mai tự hào kể: “Vì tham gia biểu diễn tới 6 tiết mục nên mình phải tập luyện rất nhiều. Đây là năm thứ 7 mình tham gia Lễ hội giao thừa mừng Xuân nhưng cảm giác vẫn cứ như lần đầu tiên. Luôn rạo rực và thấy vinh dự vì được cống hiến”.

Còn với những ca sĩ như Klin thì luôn cảm thấy hứng khởi khi được cùng anh chị em trong đoàn biểu diễn và cống hiến những tiết mục hay nhất phục vụ nhân dân trong thời khắc thiêng liêng của năm. “Được tham gia một chương trình lớn và ý nghĩa của tỉnh cùng với đông đảo người dân theo dõi thì thật không có niềm vui nào bằng. Mong rằng qua lời ca, tiếng hát, anh chị em nghệ sĩ có thể góp thêm cảm xúc hân hoan đón năm mới cùng mọi người”- Ca sĩ Klin vui vẻ tâm sự.

Với chủ đề “Mừng Đảng quang vinh- Mừng xuân Mậu Tuất 2018 ”, đoàn ca múa nhạc Đam San đã đầu tư khá kĩ lưỡng về mặt ý nghĩa cũng như hình thức với việc lựa chọn biểu diễn 10 tiết mục vui tươi, rộn ràng về xuân quê hương, đất nước như: “Những ngày xuân rực rỡ”, “Nắng có còn xuân”, “Xuân yêu thương”, “Tết đến rồi”, “Chúc Tết”…Đây là những tiết mục có ý nghĩa sâu sắc trong thời khắc đặc biệt- đêm giao thừa.

Đoàn Nghệ nhân Cồng chiêng của làng Pleiku Roh (phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) được Ban tổ chức Lễ hội giao thừa mừng Xuân Mậu Tuất 2018 mời tham gia biểu diễn trong đêm hội giao thừa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku).Trong đêm hội giao thừa năm nay, hơn 30 nghệ nhân làng Pleiku Roh sẽ tái hiện tại sân khấu Lễ đài một phần của không gian văn hóa cồng chiêng mình sở hữu. Đó chính là hình thức thể hiện cồng chiêng, kỹ năng diễn tấu, âm thanh và nội dung biểu đạt, vòng xoang-đôi tay và nhịp bước trong bài chiêng “Mừng lúa mới”.

Đoàn Nghệ nhân Cồng chiêng của làng Pleiku Roh (phường Yên Đỗ, TP. Pleiku)
Đoàn Nghệ nhân Cồng chiêng của làng Pleiku Roh (phường Yên Đỗ, TP. Pleiku). Ảnh: Trần Dung

Anh Siu Thưm-Đội trưởng Cồng chiêng làng Pleiku Roh tự hào nói: "Cồng chiêng làng mình được vinh dự phục vụ trong lễ hội. Mỗi ngày đoàn mình đều cố gắng tập luyện tại nhà rông. Có tập luyện nhiều thì tiếng chiêng đánh ra mới hay, mới ý nghĩa và mới lạ. Được ngân vang tiếng chiêng dưới Tượng đài Bác trong thời khắc giao thừa thiêng liêng thì đó là cả một niềm vinh dự và tự hào”.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm